Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Thể hiện vai trò thành viên chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam
Đọc Tờ trình về việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ: Theo báo cáo của Chính phủ, Nghị định thư sửa đổi được thông qua theo Quyết định của Đại hội đồng WTO ngày 28/11/2014, theo đó Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (Hiệp định WTO) để bổ sung Hiệp định tạo thuận lợi hóa thương mại (Hiệp định TF) vào Phụ lục 1A của Hiệp định WTO.
Hiệp định TF đã được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Bali- Indonesia tháng 12/2013. Nghị định thư sửa đổi sẽ được mở để các nước Thành viên chấp thuận và sẽ có hiệu lực theo quy định tại khoản 3, Điều X của Hiệp định WTO (khi đủ 2/3 số nước Thành viên thông qua).
Sau khi Nghị định thư sửa đổi có hiệu lực, Hiệp định TF sẽ được đưa vào phụ lục 1A của Hiệp định WTO (thứ tự đứng sau Hiệp định về các biện pháp tự vệ).
Hiệp định TF gồm 3 phần chính: Phần I: quy định về các biện pháp kỹ thuật; Phần II: Các điều khoản đối xử đặc biệt và khác biệt đối với các quốc gia Thành viên đang phát triển và kém phát triển; Phần III: Các thỏa thuận thể chế và các điều khoản quy định cuối cùng.
Về điều khoản bảo lưu, theo quy định của WTO, tất cả các thành viên đều chấp nhận toàn bộ nội dung Nghị định thư sửa đổi và Hiệp định TF. Chính phủ kiến nghị áp dụng trực tiếp toàn bộ Hiệp định đối với Việt Nam. Việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi không làm thay đổi quyền và nghĩa vụ thành viên của Việt Nam trong WTO.
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Chủ tịch nước trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới.
Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới đã đề cập tới một số vấn đề đặt ra với Việt Nam.
Cụ thể: về cơ chế quản lý và phối hợp: Hải quan Việt Nam phải giải quyết giữa yêu cầu tạo thuận lợi thương mại và yêu cầu phối hợp các lực lượng để quản lý hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, quản lý tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm của hàng hóa nhập khẩu.
Do vậy, cơ chế phối hợp, cơ chế trách nhiệm giữa các đơn vị, giữa các Bộ, ngành, địa phương tham gia quản lý hoạt động xuất nhập khẩu phải được cải thiện hơn nữa. Về mặt pháp luật: cơ bản các nhóm nghĩa vụ trong Hiệp định TF đã được quy định trong pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên, còn hai điểm cần được thể hiện rõ, cụ thể hơn trong pháp luật Việt Nam đó là: (i) người thực hiện quyết định hành chính về hải quan được quyền yêu cầu Cơ quan Hải quan cung cấp cơ sở pháp lý và thực tiễn của quyết định hành chính này; (ii) việc kiểm tra tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đồ uống, thức ăn chăn nuôi tại cửa khẩu cần phải được thực hiện theo nguyên tắc quản lý rủi ro và phải thông báo công khai.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nhất trí với Tờ trình của Chủ tịch nước và Báo cáo của Chính phủ về sự cần thiết phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi. Ủy ban Đối ngoại nhấn mạnh: với tư cách là thành viên WTO, việc Việt Nam phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi là yêu cầu bắt buộc.
Việc sớm phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi để triển khai Hiệp định TF của WTO phù hợp với chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc tích cực, chủ động hội nhập quốc tế; thể hiện vai trò thành viên chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế nói chung và trong WTO nói riêng.
Đồng thời là cơ hội thuận lợi để Việt Nam tranh thủ các nguồn hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực thực thi sau khi Hiệp định TF có hiệu lực với tư cách là nước đang phát triển. Hiệp định TF có nội dung nhằm thúc đẩy và tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển, thông quan, giải phóng hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh tại các cửa khẩu cũng như các biện pháp hợp tác giữa hải quan các nước và hỗ trợ kỹ thuật thực hiện.
Những nội dung của Hiệp định phù hợp với mục tiêu cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về thương mại quốc tế mà Chính phủ đang thúc đẩy nhằm đẩy mạnh thương mại, khuyến khích xuất khẩu. Việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi này cũng là tiền đề để Việt Nam chuẩn bị thực hiện các cam kết có tiêu chuẩn cao về hải quan trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh Châu Âu (EVFTA).
Hoàn thiện dự thảo Luật khí tượng thủy văn
Thời gian còn lại của phiên làm việc sáng nay, các đại biểu đã thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật khí tượng thủy văn.
Theo đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) mạng lưới trạm khí tượng thủy văn đã có lịch sử trên 100 năm xây dựng và phát triển đều phân bố rộng khắp trên lãnh thổ Việt Nam, đất liền cũng như ở hải đảo. Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn đã có nhiều đóng góp cho sự xây dựng phát triển kinh tế xã hội, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, bảo đảm quốc phòng an ninh.
Đại biểu cho rằng, dự thảo luật quy định các nội dung về quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia; kế hoạch phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng của Bộ, ngành địa phương, hành lang kỹ thuật và bảo vệ công trình khí tượng thủy văn cũng như quy định về yêu cầu quan cách khí tượng thủy văn phải tuân theo tính chính xác, liên tục, thống nhất, đồng bộ theo tiêu chuẩn quy trình kỹ thuật chuyên môn là hoàn toàn cần thiết.
Tuy nhiên, trong xu hướng tự động hóa trong hoạt động quan trắc khí tượng thủy văn ngày càng phát triển, đại biểu nhấn mạnh càng phải nghiên cứu, phân hạng cho phù hợp với thực tế và bảo đảm tính khả thi. Đồng thời ưu tiên đầu tư phát triển nguồn lực, tăng kinh phí đầu tư phát triển mạng lưới thủy văn theo hướng hiện đại và đồng bộ, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa ngành khí tượng thủy văn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quan trắc ngành khí tượng thủy văn...
Về việc cấp phép cho tổ chức, cá nhân hoạt động cung cấp dịch vụ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) nêu rõ: hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, đặc biệt là cảnh báo, dự báo thiên tai là một ngành, nghề đặc thù, đòi hỏi phải có trình độ khoa học và công nghệ chuyên ngành cũng như kinh nghiệm thực tiễn; sự chuẩn xác của thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn có tác động lớn đến đời sống kinh tế- xã hội của đất nước, ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng và sức khỏe của người dân.
Vì vậy, đại biểu nhấn mạnh hoạt động “Dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn” phải được xác định là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và cần được bổ sung trong Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục 4 của Luật đầu tư năm 2014. Tuy nhiên, để sớm đưa Luật vào thực tiễn, đại biểu Đỗ Văn Vẻ nhất trí với việc quy định ngay trong Luật khí tượng thủy văn Điều 54 bổ sung vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, phụ lục của Luật đầu tư về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.
Về mạng lưới trạm khí tượng thủy văn, đại biểu Huỳnh Văn Tấn ( Tiền Giang) đề nghị bổ sung cụm từ “theo quy định của pháp luật” vào cuối quy định của khoản 3 Điều 10 này để quy định của điều luật được chặt chẽ, tránh sự tùy tiện của tổ chức, cá nhân trong xây dựng, quản lý và khai thác các trạm khí tượng thủy văn theo mục đích riêng.
Như vậy khoản 3 Điều 10 sẽ là: “Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng thực hiện quan trắc khí tượng thủy văn theo mục đích riêng do Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân xây dựng, quản lý và khai thác theo quy định của pháp luật”.
Qua thảo luận, một số vị đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện dự báo , cảnh báo khí tượng thủy văn trong trường hợp dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn không chính xác, gây hậu quả nghiêm trọng; quy định rõ hơn về hệ thống quốc gia dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, bổ sung quy định rõ nguyên tắc hoạt động khí tượng thủy văn.
Theo đó, quan trắc khí tượng thủy văn phải bảo đảm chính xác, liên tục, thống nhất; dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải bảo đảm đủ độ tin cậy; thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải được truyền, phát kịp thời, chính xác, đầy đủ và thể hiện như tại Điều 4 Dự thảo Luật.
Đồng thời, Dự thảo Luật quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải chịu trách nhiệm về bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn do mình ban hành tại khoản 2 Điều 21; quy định về tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải bảo đảm đủ độ tin cậy, được cập nhật thường xuyên, kịp thời theo diễn biến của hiện tượng khí tượng thủy văn tại khoản 3 Điều 21...
Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ban soạn thảo sẽ hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp này.
Theo chương trình, chiều nay, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận dự án Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới.