Xây dựng Quảng Nam thành mô hình phát triển toàn diện

Sáng 28/9, phát biểu trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tại trụ sở chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị xây dựng Quảng Nam thành mô hình phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, cùng Đà Nẵng và Quảng Ngãi trở thành trung tâm kinh tế vùng Trung Trung bộ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Trong số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, Quảng Nam là địa phương duy nhất có 2 di sản văn hóa thế giới là Khu đền tháp cổ Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An cùng những lợi thế hết sức ưu việt về địa kinh tế.

Những năm qua, từ một tỉnh dựa hoàn toàn vào ngân sách Nhà nước với mức trợ cấp lên đến 75%, nhờ một hướng đi đúng và một tinh thần quyết tâm mạnh mẽ của chính quyền và nhân dân xử Quảng Anh hùng, Quảng Nam đã và đang vươn lên mạnh mẽ, dự kiến hết năm 2016 sẽ đứng vào hàng ngũ những tỉnh đóng góp cho ngân sách Trung ương.

Trung tâm tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây

Nằm ở vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung, Quảng Nam có vị trí địa lý vô cùng thuận lợi để kết nối các địa phương khác của Việt Nam và thế giới. Trên bản đồ ASEAN, Quảng Nam nằm ở trung tâm của tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, thuận lợi trong vận chuyển đường bộ sang Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và đường biển sang các quốc gia ASEAN.

Trong bán kính 3.200 km, Quảng Nam là trung tâm của các vùng kinh tế năng động nhất khu vực Đông Á như Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong vòng 4 đến 5 giờ bay từ Quảng Nam sẽ tiếp cận đến hầu hết các sân bay lớn nhất khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Đặc biệt, mảnh đất xứ Quảng còn có lợi thế đặc biệt với 125 km bờ biển cát trắng, nắng vàng, nhiều bãi biển với cảnh quan đẹp nổi tiếng, được Tạp chí Forbes bình chọn là một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh, thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Nhắc đến Quảng Nam, không thể không nói đến khu kinh tế mở Chu Lai - khu kinh tế ven biển đầu tiên của Việt Nam, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực theo thông lệ quốc tế.

9 tháng qua, Quảng Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế rất cao: 12%, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, có hơn 640 doanh nghiệp mới thành lập. 9 tháng qua, thu ngân sách của tỉnh đạt 100% kế hoạch, với gần 12.460 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kỳ và đạt 90% dự toán.

Từ năm 2017, dự kiến, tỉnh bước vào giai đoạn tự cân đối được ngân sách và có thể điều tiết về Trung ương. Đáng chú ý, trong các nguồn thu nội địa của tỉnh, có tới 60% là từ Nhà máy ô tô Chu Lai-Trường Hải, một hình mẫu trong đầu tư sản xuất công nghiệp của Việt Nam.

Mặc dù đạt thành tích hơn 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tuy nhiên Quảng Nam vẫn có 9 huyện miền núi trong đó có 6 huyện thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Quảng Nam phải có khát vọng mạnh mẽ, có tầm nhìn cao hơn

Góp ý với Quảng Nam, đại diện các bộ đề nghị tỉnh cần chú ý đến công tác quy hoạch, đẩy mạnh đô thị hóa; lưu ý vấn đề mặn xâm nhập ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Quảng Nam cũng cần tiếp tục thúc đẩy đánh bắt xa bờ, hỗ trợ ngành nghề nuôi trồng thủy sản ven bờ kết hợp với phát triển du lịch.

Các cơ quan Trung ương góp ý Quảng Nam rà soát, xây dựng quy hoạch để nâng cấp Cảng Chu Lai thành cảng trung chuyển quốc tế. Ngoài ra, tỉnh cũng cần thúc đẩy liên kết về du lịch với các địa phương từ Huế đến Khánh Hòa để tăng cường thu hút khách du lịch; phấn đấu dưa du lịch Quảng Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của cả khu vực miền Trung.

Phát biểu tại buổi làm việc, nhấn mạnh đến những tiềm năng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Quảng Nam là tỉnh lớn ở miền Trung, có cảng biển, sân bay, có nhiều tiềm năng thế mạnh để vươn lên. Đáng chú ý, đây cũng là vùng đất với truyền thống cách mạng Anh hùng, đây cũng là miền quê của hơn 70.000 liệt sỹ trong các cuộc kháng chiến cứu nước.

Thủ tướng đề nghị, phát huy truyền thống cách mạng của cha ông, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam phải có khát vọng mạnh mẽ, có tầm nhìn cao hơn trong tương lai, từ đó có giải pháp, hành động quyết liệt xây dựng tỉnh phát triển và lớn mạnh toàn diện trong vùng.

Đánh giá tình hình kinh tế-xã hội đảm bảo quốc phòng, an ninh của Quảng Nam, Thủ tướng ghi nhận kết quả phát triển toàn diện của tỉnh với nhiều lĩnh vực mũi nhọn được tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt, đặc biệt là du lịch; đời sống nhân dân khá hơn, nhất là khu vực chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số.

Cải cách hành chính có nhiều tiến bộ với các mô hình trung tâm hành chính công; xây dựng nông thôn mới được quan tâm và có thành tích đáng ghi nhận. Thủ tướng nhận xét, hợp tác xúc tiến đầu tư của Quảng Nam có nhiều tiến bộ, nhất là tại Khu kinh tế mở Chu Lai; tỉnh đã thu hút được trên 250 ngàn lao động tại các khu công nghiệp. Hệ thống chính trị đoàn kết, gắn bó, quyết tâm xây dựng quê hương giàu mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Thay mặt Chính phủ, biểu dương thành tựu của Quảng Nam, Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục. Đó là với địa bàn rộng gấp 12 lần thành phố Đà Nẵng, tài nguyên thiên nhiên giàu có nhưng nhiều nơi, nhất là vùng đồng bào dân tộc của Quảng Nam vẫn còn nhiều khó khăn, đây cũng là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh.

Tỷ lệ doanh nghiệp trên bình quân người dân ở Quảng Nam còn thấp với mức 280 người dân/1 doanh nghiệp trong khi tỷ lệ bình quân cả nước là 160 người dân/ 1doanh nghiệp. Cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn còn lớn.


Quảng Nam cũng chưa có những dự án lớn, mang tính đột phá, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch còn hạn chế; hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản phục vụ phát triển du lịch chưa đạt yêu cầu đề ra….

Định hướng phát triển cho tỉnh, Thủ tướng đề nghị xây dựng Quảng Nam thành mô hình phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, cùng Đà Nẵng và Quảng Ngãi trở thành trung tâm kinh tế vùng Nam Trung bộ.

Thủ tướng phân tích, để hoàn thành mục tiêu này cần nhiều nguồn lực và quan trọng là phải có một chính quyền liêm chính, kiến tạo và phục vụ người dân và doanh nghiệp, đi tắt đón đầu cuộc cách mạng lần thứ 4 để nắm bắt cơ hội phát triển. Bộ máy quản lý hành chính phải trách nhiệm, “máu lửa”, làm việc ngày đêm vì nhân dân; kiên quyết loại khỏi hệ thống cán bộ vô trách nhiệm trong công tác.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng mong muốn Quảng Nam sớm tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển toàn diện, nâng quy mô sản xuất kinh tế nông nghiệp tập trung vào kinh tế biển, đánh bắt xa bờ để tận dụng tốt lợi thế đường bờ biển dài. Thủ tướng cũng yêu cầu Quảng Nam kiên quyết từ chối các dự án công nghiệp gây hại cho môi trường để gìn giữ vốn quý về di tích, di sản và đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Thủ tướng gợi mở Quảng Nam sắp xếp lại quy hoạch dân cư để phục vụ tốt hơn đời sống người dân, rà soát, sửa đổi, bổ sung quy hoạch kinh tế vùng đồng bằng ven biển, quy hoạch ngành, vùng. Thủ tướng lưu ý Quảng Nam giải quyết được bài toán tránh xung đột trong quy hoạch sản xuất công nghiệp, du lịch và bảo vệ môi trường sống của người dân.

Thủ tướng đề nghị Quảng Nam mạnh dạn phấn đấu, tập trung thúc đẩy khởi nghiệp để có thể nâng tỷ lệ doanh nghiệp lên gấp ba lần mức hiện nay. Tỉnh cũn cần chú ý hoàn thiện quy trình vận hành hồ chứa nước, hệ thống thủy điện đủ sức chống hạn, ngăn mặn, phòng ngừa thiên tai.

Quảng Nam cũng cần nỗ lực lấp đầy các khu kinh tế, khu công nghiệp để khai thác tốt lợi thế mặt bằng; tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng và chú ý gìn giữ, phát triển văn hóa, xây dựng môi trường ứng xử đúng mực, mến khách, thân thiện trong nhân dân để đẩy mạnh thu hút du lịch, đưa lĩnh vực này xứng tầm một ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương và khu vực miền Trung, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hy vọng, với ý chí quyết tâm, tinh thần dám nghĩ, dám làm được quán triệt và lan tỏa từ tỉnh đến xã, đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Quảng Nam sẽ không ngừng phấn đấu, đạt thêm nhiều thành tích to lớn hơn nữa trong chặng đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xứng đáng với niềm tin của Trung ương Đảng, Chính phủ và truyền thống trung dũng, kiên cường, bất khuất của người dân xứ Quảng Anh hùng.

Quang Vũ (TTXVN)
Khánh thành nhà máy đóng tàu vỏ thép đầu tiên tại Quảng Nam
Khánh thành nhà máy đóng tàu vỏ thép đầu tiên tại Quảng Nam

Ngày 12/5, tại cảng cá An Hòa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, Công ty cổ phần Thiên Hậu Phước đã tổ chức khánh thành Nhà máy đóng tàu vỏ thép và công bố Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam công nhận cơ sở đóng sửa chữa tàu vỏ thép đầu tiên trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN