Với địa thế hẻo lánh nhưng lại thuận đường về Thái Nguyên, sang Tuyên Quang, Định Hóa... những năm tháng sau Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ nhất (năm 1935) ở Ma Cao, Chi bộ hải ngoại Long Châu quyết định đưa cán bộ về nước phát triển tổ chức cơ sở nhằm xây dựng lực lượng nòng cốt cho cách mạng Việt Nam, nhất là tại khu vực miền núi phía Bắc để nhân rộng ra toàn quốc.
Tháng 3/1936, cơ sở Đảng đầu tiên ở Thái Nguyên chính thức được thành lập trong ngôi nhà lá ba gian của đồng chí Đường Văn Hon (bí danh Nhất Quý) ở xóm Lau Sau, xã La Bằng, huyện Đại Từ với 4 đảng viên người dân tộc Nùng. Từ những đốm lửa đầu tiên ấy, ánh sáng cách mạng đã chiếu rọi, lan tỏa rộng khắp trên mảnh đất Thái Nguyên, trở thành cao trào cách mạng suốt thời kỳ từ năm 1936 đến năm 1939, tạo tiền đề vững chắc cho thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945... Với vai trò lịch sử đặc biệt, La Bằng đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang và công nhận là xã An toàn khu thời kỳ kháng chiến.
Đường về làng nghề chè La Bằng hôm nay. |
Tự hào với truyền thống cách mạng hào hùng, La Bằng hôm nay lại đi đầu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở huyện Đại Từ. Năm 2011, được chọn làm xã "điểm" xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thái Nguyên, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng khá lo lắng khi điều kiện kinh tế của bà con còn thấp, sản xuất chè đặc sản dù "có tiếng" trên thị trường nhưng cũng chỉ chủ yếu là sản xuất hộ, manh mún, cơ sở hạ tầng như: đường giao thông, nhà văn hóa thôn xóm, chợ... còn thiếu và chưa có nguồn đầu tư, chỉ có 7/19 tiêu chí đáp ứng được chuẩn nông thôn mới. Thế nhưng, đứng trước khó khăn, một lần nữa nhân dân các dân tộc ở La Bằng lại chung sức, đồng lòng làm một cuộc cách mạng thực sự để xây dựng một bộ mặt nông thôn thời kỳ đổi mới...
Nhà văn hóa xóm Rừng Vằn, xã La Bằng mới được xây dựng. |
Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Dương Văn Vượng cho biết: Khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, cấp ủy chính quyền địa phương tập trung thực hiện khâu quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông nghiệp, lập đề án sản xuất... Hội nông dân xã tổ chức phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm giàu bền vững". Các đoàn thể triển khai rầm rộ phong trào "Chung sức xây dựng nông thôn mới" và "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới"... Qua các phong trào này, bà con đã thấy được lợi ích thiết thực của việc xây dựng nông thôn mới nên hơn 1.000 hộ dân trong xã đã tự nguyện hiến gần 70.000 m2 đất để làm đường giao thông liên thôn, liên xã, xây dựng nhà văn hóa và các công trình công cộng khác, tham gia đối ứng xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu bằng ngày công và vật liệu xây dựng quy đổi đạt khoảng hơn 5,5 tỷ đồng. Trong 5 năm qua, chính quyền xã huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đạt gần 70 tỷ đồng...
Chính nhờ sự đoàn kết của nhân dân các dân tộc cũng như việc huy động, lồng ghép nguồn vốn đầu tư, triển khai các chương trình, đề án phát triển sản xuất có hiệu quả nên bộ mặt nông thôn cũng như đời sống của bà con ở La Bằng được nâng lên từng ngày. Từ năm 2011 đến nay, La Bằng đã xây dựng được gần 25 km đường bê tông, 100% đường trục xã được nhựa hóa và bê tông hóa, tỷ lệ kênh mương nội đồng được cứng hóa đạt gần 60%, 10/10 thôn, xóm trong xã có nhà văn hóa khang trang, hiện đại, các công trình: không gian văn hóa trà, nhà văn hóa trung tâm xã, điểm tập kết rác thải... được xây dựng đồng bộ. Đặc biệt, vốn là 1 trong 3 vùng chè nổi tiếng nhất Thái Nguyên, La Bằng đã khuyến khích, vận động bà con thực hiện đề án phát triển cây chè, thâm canh chè theo hướng chuyển đổi diện tích chè giống cũ sang giống mới năng suất, chất lượng cao, phát triển cây chè theo hướng sản xuất hàng hóa, thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác trong sản xuất, chế biến chè.
Giá trị sản xuất trên đất nông nghiệp ở La Bằng đạt trên 120 triệu đồng/ha. |
Đến nay, toàn xã đã có hơn 330 ha chè đặc sản, trong đó chè kinh doanh là 265 ha. Nhờ ứng dụng triệt để khoa học kỹ thuật trong thâm canh, chế biến chè, hiện tổng sản lượng chè búp tươi của La Bằng đã lên tới hơn 3.000 tấn búp tươi/năm, đem lại thu nhập cho người trồng chè khoảng 120 triệu đồng/ha/năm. Toàn xã đã xây dựng được 10 làng nghề chè truyền thống, 1 hợp tác xã và 2 tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè. Ngoài cây chè, La Bằng cũng là nơi phát triển mô hình chăn nuôi cá nước lạnh (cá tầm) đạt hiệu quả kinh tế cao. Những mô hình trồng chè đặc sản của một số hộ như anh Trần Trọng Bình (xóm Đồng Đình), Lại Văn Dương (xóm Tiến Thành), Nguyễn Xuân Nang (xóm Đồng Tiến)... có thu nhập từ trồng chè hơn 300 triệu ha/năm đã trở thành nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, cấp vùng... Nhờ kinh tế phát triển mạnh, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) ở La Bằng hiện nay chỉ còn 7% và hộ cận nghèo còn 6,3%, thấp hơn bình quân chung của toàn tỉnh, 100% trẻ trong độ tuổi được đến trường, số gia đình văn hóa đạt tỷ lệ 86%. Cuối năm 2014, xã La Bằng đã được tỉnh Thái Nguyên công nhận là xã nông thôn mới, về đích trước kế hoạch một năm...
Thu hái chè đặc sản ở La Bằng. |
Đạt chuẩn xã nông thôn mới, trong giai đoạn mới (2016 - 2020) La Bằng không chỉ tiếp tục giữ vững 19 tiêu chí nông thôn mới theo quy chuẩn Quốc gia mà đang ra sức phấn đấu trở thành một trong ba xã "Nông thôn mới tiên tiến" của tỉnh Thái Nguyên. Để đạt được mục tiêu này, La Bằng đã xây dựng những chương trình, dự án cụ thể như: nâng cao chất lượng, giữ vững thương hiệu tập thể "Chè La Bằng", tận dụng tiềm năng của khu vực thuộc vùng đệm Vườn quốc gia Tam Đảo phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch làng nghề chè truyền thống, nuôi cá nước lạnh và cây dược liệu... Xã cũng dự kiến huy động hơn 10,2 tỷ đồng để đầu tư thực hiện các dự án phát triển giao thông, thủy lợi, văn hóa, giáo dục, góp phần xây dựng La Bằng ngày càng ấm no, giàu đẹp, xứng danh truyền thống cách mạng anh hùng và thực sự trở thành xã nông thôn mới điển hình, tiên tiến của tỉnh Thái Nguyên.