Phát biểu tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam; cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ giữa WHO với Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch bệnh; đánh giá cao các nỗ lực và đóng góp của WHO đối với Việt Nam và cá nhân Trưởng đại diện trong việc tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam thời gian qua. Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam đã chủ động, đồng bộ, quyết liệt, trước, trong và sau Tết từ các bộ, ngành, địa phương trong phòng, chống dịch bệnh; huy động cả hệ thống chính trị, kể cả các lực lượng quân đội, công an tham gia.
Bày tỏ cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian tiếp, ông Kidong Park đánh giá sự vào cuộc với tinh thần chủ động, quyết liệt của Chính phủ Việt Nam; ghi nhận và đánh giá cao sự lãnh đạo của Chính phủ, sự đầu tư đều đặn và tích cực. WHO ấn tượng sự hợp tác của toàn thể người dân Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19; thể hiện lòng tin của người dân, toàn xã hội với công tác này. Công tác cách ly, khoanh vùng dập dịch tại Việt Nam đã được thực hiện tốt, điển hình là ở Vĩnh Phúc vừa qua, không thấy sự xáo trộn cuộc sống, sinh hoạt của người dân vì cách ly.
Đại diện WHO cũng bày tỏ ấn tượng về hai chiến lược mà Chính phủ và Bộ Y Tế Việt Nam đang thực hiện là 4 tại chỗ và nguyên tắc cách ly. Nguyên tắc "4 tại chỗ" được WHO đánh giá rất cao, thay vì chuyển bệnh nhân từ tuyến dưới lên tuyến trên, điều trị ngay tại cơ sở, không phải vận chuyển, lại có đội phản ứng tại chỗ. Điều này rất hiệu quả. Để đạt được điều đó phải có sự đầu tư từ sớm, sự tập huấn cho cơ sở y tế tuyến huyện; có nhiều cơ sở xét nghiệm với hơn 30 cơ sở, giảm thiểu gánh nặng cho tuyến trên, nâng cao năng lực cho tuyến dưới.
Cách đây vài hôm, Tổng giám đốc WHO mô tả dịch COVID -19 như là đại dịch vì WHO nhận thấy các ca bệnh ngoài Trung Quốc tăng tới 13 lần. Đến nay có hơn 115 quốc gia, vùng lãnh thổ toàn cầu báo cáo có dịch. Việc Tổng giám đốc mô tả dịch COVID-19 như đại dịch mục đích như một hồi chuông cảnh tỉnh vì bên cạnh những quốc gia tích cực vẫn còn một số quốc gia chưa có động thái đó, chưa có sự chuẩn bị tương xứng mức độ lây lan bệnh dịch.
WHO khuyến khích Chính phủ Việt Nam tiếp tục quyết liệt chống dịch như hiện nay, thậm chí áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa; rà soát lại các kế hoạch và kích hoạt cần thiết khi dịch bệnh lây lan rộng. WHO khuyến nghị những nhóm đối tượng sau cần bảo vệ là: các bác sĩ, nhân viên y tế - những người tuyến đầu tiếp xúc trực tiếp người bệnh; những người già, có bệnh nền; nhóm những người lãnh đạo.
Về hỗ trợ, WHO tập trung vào sự điều phối của các tổ chức Liên hợp quốc, tổ chức quốc tế, có sự hợp tác chặt chẽ kể cả với Ngân hàng Thế giới (WB). Hỗ trợ về nguồn lực, WHO tiếp tục thực hiện hỗ trợ xây dựng phát triển y tế, tăng cường năng lực y tế cho các nhóm phòng chống dịch, phương tiện bảo hộ cá nhân, các Kit xét nghiệm...; theo dõi tình hình, đánh giá nguy cơ cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia. Dựa trên các thông tin đó, WHO sẽ tham vấn kịp thời cho Chính phủ Việt Nam.
WHO đề nghị Việt Nam trong truyền thông cần chú ý giảm thiểu sự kỳ thị đối với những người mắc COVID-19: tránh lan truyền thông tin cá nhân, nhạy cảm của người bệnh trên mạng xã hội, làm cho những người khác có thể sẽ không khai báo về tình trạng bệnh.
Cảm ơn các ý kiến của Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, Thủ tướng cho biết, thời gian qua và hiện nay, Việt Nam coi phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương và toàn dân. Chính phủ cũng đưa ra một chương trình hỗ trợ trực tiếp, kể cả bảo đảm cung ứng các nhu yếu phẩm dồi dào cho người dân. Chính phủ hoan nghênh sự đóng góp của người dân, hoan nghênh sự hỗ trợ của các nước và cũng đã giúp đỡ các nước khác. Đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ trong ngành Y tế đã được khơi dậy sự say mê nghiên cứu, sáng tạo, nhờ đó đã thúc đẩy nghiên cứu thành công bộ Kit xét nghiệm SARS-CoV-2, xác lập trình tự gien virus, thúc đẩy nghiên cứu vắc-xin...
Thủ tướng hoàn toàn nhất trí ý kiến của WHO cần coi trọng lực lượng y tế ở tuyến đầu chống dịch. Lực lượng y tế Việt Nam luôn nhiệt tình trong công tác phòng, chống dịch bệnh ở nông thôn cũng như thành thị. Đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế, sinh viên ngành y luôn sẵn sàng thực hiện các kịch bản đã đề ra. Việt Nam có nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn để ngăn chặn nguồn lây nhiễm, từ châu Âu, nước Anh. Tuy nhiên, số lượng người Việt Nam ở khu vực này rất đông, gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Việt Nam đã chỉ đạo các cấp chính quyền, tuyên truyền, khởi động chiến dịch phòng, chống dịch bệnh. Nhờ đó, người dân, các khu dân cư thực sự là những pháo đài chống dịch.
Thủ tướng tán thành với đề nghị cần phải hạn chế sự kỳ thị người bệnh trong truyền thông. Việt Nam lên án những hành động kỳ thị. Bộ Công an Việt Nam đã xử lý nghiêm những người phao tin đồn nhảm trên mạng, gây sự kỳ thị người mắc COVID-19, kể cả xử lý hình sự.
Việt Nam mong muốn WHO hỗ trợ Việt Nam thông tin, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất trong phòng, chống dịch bệnh một cách nhanh nhất. Hỗ trợ các phương tiện, trang thiết bị phòng, chống dịch bệnh, cung cấp phác đồ điều trị tốt nhất; hỗ trợ bộ Kit xét nghiệm nhanh. Việt Nam đã từng chữa khỏi 16 trường hợp, kể cả người cao tuổi có bệnh nền phức tạp. Do đó, Việt Nam có ý chí, quyết tâm cao để chiến thắng đại dịch.
Việt Nam luôn chủ trương công khai, minh bạch trong quá trình chống dịch; nỗ lực bảo đảm chống dịch hiệu quả đi đôi với phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, xã hội ổn định.
Cảm ơn ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Kidong Park cam kết hợp tác chặt chẽ với Bộ Y Tế Việt Nam, huy động tối đa nguồn lực để hỗ trợ Việt Nam. Liên quan vấn đề vắc-xin chữa bệnh COVID -19, WHO đã hợp tác với các đối tác, đến nay có 20 ứng cử viên về sản xuất loại vắc-xin này. Việc nghiên cứu sản xuất vắc-xin là rất cần thiết, nhưng vấn đề sản xuất đại trà mới là quan trọng. WHO cũng rất mừng là năng lực sản xuất vắc-xin ở Việt Nam có thể đáp ứng được yêu cầu. WHO một lần nữa đánh giá cao sự chỉ đạo đúng đắn của Chính phủ Việt Nam. Việt Nam vẫn là điểm đến an toàn.