Không những phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, gần đây, chính phủ hai nước đã quyết định thúc đẩy các biện pháp nhằm nâng cao khuôn khổ quan hệ hướng tới quan hệ đối tác toàn diện vì lợi ích của hai dân tộc và hòa bình cũng như sự ổn định trong khu vực.
Về mặt chính trị đối ngoại, trải qua 45 năm, Việt Nam và Mexico đã và đang có mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống tốt đẹp, sự chia sẻ trong chính sách đối nội và đối ngoại do có cùng những mục tiêu phát triển và vị thế địa chiến lược tương đồng, dù cách xa nhau về địa lý. Hai bên cũng thường xuyên ủng hộ nhau trên các diễn đàn đa phương và quốc tế quan trọng như Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Mexico hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam ở khu vực Mỹ Latinh và ngược lại, Việt Nam là thị trường xuất nhập khẩu lớn thứ tám ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Mexico. Trong khoảng 10 năm gần đây, thương mại hai chiều có tốc độ tăng trưởng từ 10-15%/năm. Tổng kim ngạch trao đổi thương mại năm 2019 giữa hai quốc gia đã đạt trên 6 tỷ USD. Đặc biệt, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết và có hiệu lực đã đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam và Mexico có thỏa thuận thương mại tự do, mở ra một “chân trời kinh doanh” mới cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Việc hai nước triển khai kế hoạch thực thi hiệp định được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại, đầu tư song phương, tương xứng với tiềm năng của hai thị trường vốn chiếm tới hơn 220 triệu người tiêu dùng, tức 45% tổng số dân, và 15% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khối mậu dịch tự do mới này. Các sản phẩm chính mà Mexico nhập khẩu từ Việt Nam là điện thoại di động, thiết bị điện tử và giày thể thao; trong khi Mexico xuất khẩu chu yếu sang thị trường Việt Nam các sản phẩm như ô tô, da giày và bông sợi
Trong lĩnh vực du lịch, dù hai nước cách xa về địa lý và rào cản ngôn ngữ, song xu hướng gia tăng về số khách du lịch cho thấy sự quan tâm của người dân hai nước trong việc tìm hiểu văn hóa lẫn nhau. Mối liên hệ giữa con người và giữa các nền văn hóa cũng góp phần xác định các lĩnh vực hợp tác mới và nói chung giữa hai bên.
"Mexico và Việt Nam là hai quốc gia cách nhau hàng nghìn km, nhưng gần gũi nhờ các mối quan hệ lịch sử, ngoại giao và văn hóa trong suốt 45 năm hình thành và phát triển của mối quan hệ song phương". Nghị sĩ liên bang Alfredo Femat Bañuelos, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại và Chủ tịch Nhóm hữu nghị Mexico - Việt Nam của Hạ viện Mexico đã chia sẻ như vậy. Nghị sĩ liên bang Alfredo Femat Bañuelos lưu ý quan hệ kinh tế, thương mại giữa Mexico và Việt Nam đang ngày một củng cố và gắn kết, đặc biệt thông qua CPTPP. Hai nước đang nỗ lực xây dựng một liên minh quan trọng về các vấn đề cùng quan tâm như giải giáp vũ trang, đấu tranh chống biến đổi khí hậu, giảm nghèo, giáo dục, và khoa học và công nghệ.
Nghị sĩ liên bang Alfredo Femat Bañuelos khẳng định trong lĩnh vực ngoại giao nghị viện, Mexico đã coi Nhóm hữu nghị với Việt Nam là một trong những công việc ưu tiên. Trong năm 2020, năm kỷ niệm 45 năm mối quan hệ giữa hai nước, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện và Nhóm nghị sĩ hữu nghị Mexico - Việt Nam đã lên kế hoạch tiến hành các hoạt động văn hóa nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ tình bạn và hữu nghị song phương.
Đại sứ Mexico tại Việt Nam Sara Valdés Bolaño lại bày tỏ ấn tượng về quỹ đạo của gần nửa thế kỷ quan hệ Mexico-Việt Nam. Bà nêu rõ Việt Nam đã mở đại sứ quán tại Mexico hồi năm 1975 và năm sau đó, đại sứ quán Mexico được thành lập tại Hà Nội. Trong những năm đầu tiên, Mexico đã tham gia nỗ lực trong công cuộc tái thiết Việt Nam thông qua hợp tác trên nhiều lĩnh vực như nghiên cứu và phát triển giống ngô, đào tạo cho Việt Nam về công nghệ dầu khí và nông nghiệp. Chương trình nghị sự song phương đã mở rộng và cùng với đó là sự hội tụ của các quan điểm về các vấn đề khác nhau. Năm 2002, cơ chế tham vấn chính trị song phương được thành lập, đây là một diễn đàn thường xuyên cho phép hai bên xác định các ưu tiên và phương hướng của mối quan hệ song phương. Cơ chế này đã được tiến hành luân phiên ở Việt Nam và Mexico, cuộc họp mới nhất lần thứ V diễn ra tháng 9/2019. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa nghị viện của hai nước đã phát triển mạnh mẽ với việc trao đổi các chuyến thăm giữa các nhóm nghị sĩ của hai bên. Các nhóm nghị sĩ hữu nghị song phương đã được thành lập để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ này.
Bà Bolaño cũng nhấn mạnh chính phủ hai nước luôn ủng hộ các sáng kiến của nhau. Mới đây nhất, Việt Nam đã đồng tài trợ cho nghị quyết "Hợp tác quốc tế để đảm bảo tiếp cận toàn cầu với các loại thuốc, vaccine và thiết bị y tế cần thiết để đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19" do Mexico thúc đẩy tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Có thể khẳng định rằng Mexico và Việt Nam có rất nhiều điều để chia sẻ, đóng góp và học hỏi lẫn nhau. Mối quan hệ giữa hai nước đã vượt ra ngoài yếu tố kinh tế, đó là mối quan hệ của sự đồng cảm và tình anh em. Hai nước sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ, như lời Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador đã tuyên bố trong buổi tiếp Đại sứ Việt Nam tại Mexico Nguyễn Hoài Dương ngày 30/8/2018, khi nhà lãnh đạo Mexico mới đắc cử: “Chúng tôi nhận thấy ở Việt Nam một đồng minh chiến lược nhằm thúc đẩy các mục tiêu đa dạng mà chúng ta cùng chia sẻ và chúng tôi sẵn sàng thiết lập các cuộc trao đổi hữu nghị nhằm cùng khai thác những tiềm năng to lớn với mục đích thắt chặt quan hệ giữa hai nước chúng ta”.