Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng với Lãnh đạo cấp cao 46 nước thành viên Liên hợp quốc đã có thông điệp gửi tới Phiên họp.
Các nước đều nhận định vũ khí hạt nhân tiếp tục là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế, cần phải bị xóa bỏ hoàn toàn; bày tỏ quan ngại trước tình trạng đầu tư quân sự làm ảnh hưởng đến nguồn lực nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế, xã hội. Các nước nhấn mạnh vai trò, giá trị của các cơ chế giải trừ quân bị toàn cầu, các khu vực không có vũ khí hạt nhân và trách nhiệm của các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trong việc thực hiện nghĩa vụ giải trừ hạt nhân toàn diện.
Trong thông điệp gửi Phiên họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh mục tiêu về một thế giới không có vũ khí hạt nhân được đề ra kể từ sau khi thế giới phải chứng kiến sức huỷ diệt của bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Đó là trách nhiệm pháp lý và đạo lý của cộng đồng quốc tế để bảo vệ cho các thế hệ tương lai trước những thảm họa của chiến tranh và những mối đe dọa đối với sự tồn vong của nhân loại, thúc đẩy quan hệ hữu nghị và chung sống hòa bình giữa các quốc gia, cũng như gìn giữ nguồn tài nguyên hữu hạn để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định cần tiếp nối những thành tựu mà thế giới đã đạt được trong nhiều thập kỷ qua, trong đó có việc phát huy vai trò của hệ thống các khuôn khổ đa phương và song phương về vấn đề giải trừ, không phổ biến vũ khí hạt nhân và kiểm soát vũ khí với ba phần tư số lượng vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới được cắt giảm kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Trước những thách thức hiện nay, cộng đồng quốc tế cần nỗ lực để khôi phục lòng tin đối với các thể chế đa phương về giải trừ quân bị, phát huy vai trò của các cấu trúc khu vực trong thiết lập và duy trì các khu vực không có vũ khí hạt nhân. Quan trọng hơn cả, các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân cần đẩy mạnh cam kết giải trừ toàn bộ vũ khí hạt nhân theo Điều 6 của Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân. Đồng thời, quyền của các quốc gia được sử dụng năng lượng hạt nhân vì các mục đích hòa bình cần phải được tôn trọng.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ tất cả các nỗ lực giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Việt Nam cũng đã tham gia tất cả các điều ước quốc tế về vấn đề này, bao gồm Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân, Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện (CTBT) và gần đây nhất là Hiệp ước Cấm Vũ khí Hạt nhân. Với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam cam kết duy trì khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân, và sẽ tiếp tục tham gia cùng tất cả các bên nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trong quá trình triển khai Hiệp ước về khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân, vì một tương lai hòa bình, an ninh và thịnh vượng.
Ngày Quốc tế về xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân (26/9) được thành lập từ năm 2013 theo Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc số 68/32 nhằm nâng cao nhận thức và khẳng định quyết tâm của cộng đồng quốc tế hướng tới mục tiêu chung là giải trừ quân bị hạt nhân toàn cầu, toàn diện.
.