Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, Phó Tổng Thư ký LHQ Vladimir Voronkov cho biết trong 6 tháng qua, nguy cơ khủng bố IS tạm thời giảm tại các khu vực không có xung đột. Tuy nhiên, ở nhiều nơi như Iraq và Syria, IS đang có chiều hướng tổ chức lại và tăng cường hoạt động. Có nhiều vụ tấn công do các cá nhân đơn lẻ hoặc nhóm nhỏ thực hiện theo hướng dẫn trên mạng Internet. Các tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 là điều kiện thuận lợi cho chủ nghĩa khủng bố, tạo nên các nguy cơ trong trung hạn và dài hạn.
Ông Voronkov cho biết các cơ quan của LHQ đã điều chỉnh, áp dụng phương thức làm việc trực tuyến nhằm bảo đảm tiếp tục công việc, duy trì kết nối, hỗ trợ các quốc gia thành viên. Ông cũng chia sẻ ưu tiên hoạt động của Văn phòng Chống khủng bố của LHQ (UNOCT) như hỗ trợ quốc gia thành viên bảo vệ, hồi hương, truy tố, cải tạo và tái hòa nhập các phần tử khủng bố quay trở về từ Iraq và Syria, hỗ trợ và bảo vệ các nạn nhân của khủng bố, chống tài trợ cho khủng bố, tội phạm mạng, tăng cường thực thi pháp luật, quản lý biên giới.
Trợ lý Tổng Thư ký LHQ Michele Coninsx cho biết IS đang gia tăng hoạt động tại cả địa bàn truyền thống Trung Đông và các địa bàn mới hơn như Nam Á, Đông Nam Á, lưu vực Hồ Chad, Sahel. Bà kêu gọi các quốc gia cần cải tiến các biện pháp chống khủng bố và tăng cường quan hệ hợp tác, đối tác, xây dựng chiến lược toàn diện về hồi hương, truy tố, cải tạo, tái hòa nhập khủng bố.
Phát biểu tại cuộc họp, các nước bày tỏ quan ngại về việc IS đẩy mạnh hoạt động tại các khu vực xung đột và về tình hình nhân đạo tại các trại giam giữ tại Syria, cũng như thách thức đặt ra do các phần tử IS quay trở về hoặc di chuyển sang các quốc gia khác, gây ra nguy cơ cực đoan hóa hoặc tái cực đoan hóa. Các ý kiến khẳng định sự cần thiết phải tăng cường hợp tác quốc tế trong kiểm soát đi lại của khủng bố, chống tài trợ của khủng bố, bảo đảm truy tố, cải tạo và tái hòa nhập khủng bố.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, khẳng định Việt Nam lên án chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức; đề nghị các nước tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin về quản lý biên giới, kiểm soát các nguy cơ tấn công, tài trợ khủng bố; nhấn mạnh cần giải quyết toàn diện nguy cơ khủng bố, xóa bỏ các điều kiện thuận lợi cho khủng bố, tạo điều kiện phát triển kinh tế, giải quyết xung đột, xây dựng môi trường xã hội công bằng, đoàn kết và có khả năng kháng lại nguy cơ bạo lực cực đoan và khủng bố.