Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ chối nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước, nhân dân ta và bạn bè quốc tế dành cho Người, nhưng Người nhận mình là nhà cách mạng và nhà báo. Nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã gắn bó với báo chí như một "duyên nợ" trong suốt cuộc đời mình. Những cống hiến của Người cho báo chí cách mạng Việt Nam là một phần rất quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp của Người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm cho báo chí và các nhà báo.


Trong hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Người đã nhận thấy báo chí có một sứ mạng cao cả nói lên tiếng nói của chính nghĩa, của tự do để thức tỉnh đồng bào đứng lên đấu tranh tự giải phóng. Người đã xem báo chí là một mặt trận đặc biệt quan trọng trong cuộc đấu tranh cách mạng. Hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng và hoạt động báo chí, Hồ Chí Minh đã để lại một di sản báo chí gồm hơn hai ngàn bài báo, được viết bằng nhiều thứ tiếng, với 150 bút danh. Người đã sáng lập 9 tờ báo, đã từng làm mọi việc của nghề báo; từ viết bài, sửa bài, biên tập, tổ chức in ấn, phát hành; đến tổ chức, lãnh đạo và chỉ đạo việc làm báo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm cho báo chí và các nhà báo.

Trước sau Người luôn coi việc làm báo là công tác cách mạng, để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự giai cấp và nhân loại. Vì vậy, bên cạnh các tác phẩm báo chí xuất sắc của Người, Người còn để lại cho chúng ta một di sản tư tưởng đặc biệt có giá trị, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng. Đó là tư tưởng, lý luận và kinh nghiệm thực tiễn rất phong phú, sâu sắc, toàn diện, độc đáo và sáng tạo về những vấn đề cơ bản của báo chí cách mạng. Bao gồm các quan điểm về vai trò, chức năng và tính chất của báo chí cách mạng, về vai trò, nghĩa vụ, đạo đức, phong cách của người làm báo, về nghệ thuật để làm nên một tác phẩm báo chí và tờ báo có giá trị. Trong hệ thống các quan điểm tư tưởng về báo chí của Hồ Chí Minh, điểm độc đáo và sáng tạo nổi bật là Người đã chỉ rõ những vấn đề thuộc về bản chất cách mạng và tiến bộ của báo chí và một mẫu mực về đạo đức người làm báo.

Nguyễn Ái Quốc, ngay từ những năm 20 của thế kỷ trước đã nhận thấy báo chí có sứ mạng cao cả, sứ mạng ấy cao hơn mọi quyền năng. Với Người, chỉ có một thứ "quyền” duy nhất mà Người suốt đời phụng sự, đó là quyền độc lập, tự do của dân tộc, quyền làm chủ xã hội, làm chủ đất nước của nhân dân. Hồ Chí Minh quan niệm rằng, báo chí và hoạt động báo chí là một bộ phận của sự nghiệp giải phóng con người, là nhu cầu phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Người cho rằng mỗi dẫn tộc, mỗi quốc gia, mỗi đoàn thể, mỗi tổ chức cần phải có một tờ báo để nói lên tiếng nói của mình. Khi lập ra Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa, đồng thời Nguyễn Ái Quốc cũng lập ra tờ báo của Hội - Le Paria (Người cùng khổ) năm 1922. Người xác định vai trò của tờ báo nhằm dẫn dắt mọi người bị bóc lột thuộc mọi màu da đoàn kết lại, dưới lá cờ đỏ búa liềm trong một phong trào cách mạng quốc tế rộng lớn, để quét sạch áp bức bất công.

Khi thành lập tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội, Người cũng đồng thời sáng lập báo "Thanh niên" năm 1925. Lập Hội tương tế trong Việt kiều tại Thái Lan, Người sáng lập báo "Thân ái". Thành lập mặt trận Việt Minh, Người sáng lập ra báo "Việt Nam độc lập" năm 1941. Người luôn trung thành với tôn chỉ, mục đích và bạn đọc của tờ báo. Với báo chí nói chung, Người xác định: Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng, để đưa dân chúng đến mục đích chung. Với báo Đảng, Người căn dặn: Tờ báo Đảng là những lớp huấn luyện giản đơn, thiết thực và rộng khắp.

Nó dạy bảo chúng ta những điều cần biết về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác. Hàng ngày nó giúp nâng cao trình độ chính trị và năng lực công tác của chúng ta. Người xác định báo chí phải "lãnh đạo dư luận" nghĩa là phải định hướng dư luận đúng đắn, lành mạnh, phải nâng cao tinh thần đấu tranh của nhân dân. Mỗi tờ báo thể hiện ý chí, nguyện vọng và sức mạnh của một tập thể, của cộng đồng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, xây dựng xã hội mới văn minh, tiến bộ. Báo chí phải có tính Đảng, tính tư tưởng, tính chính trị, tính chiến đấu, tính quần chúng, chân thật và khoa học. Đó chính là cái "hay" của báo chí cách mạng.

Người dạy rằng báo chí của ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính quần chúng và tính chiến đấu. Người luôn xem cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh chống thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc... vì độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới. Vì thế, cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Bác yêu cầu tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc.

Người nói và làm, trước sau trung thành với nguyên tắc mà Người đã xác định. Bác Hồ viết báo với tất cả tấm lòng trân trọng bạn đọc, tôn trọng và giữ gìn uy tín của báo chí. Ngay cả những bài Người viết để phê phán thói hư tật xấu trong cán bộ, nhân dân ta, hay lên án chủ nghĩa thực dân Người cũng dùng lời lẽ, ngôn từ rất trong sáng, với lối viết hài hước mà chân thật để đạt tới sự sâu sắc.

Đạo đức nghề báo của Bác Hồ biểu biện ở ý thức tôn trọng nghề nghiệp. Bác tự hào khi nhận mình là nhà báo. Người đặt "Nhà báo" ngang với "Nhà cách mạng chuyên nghiệp". Trong "Nhà báo" có phẩm chất của nhà cách mạng chuyên nghiệp và nhà cách mạng chuyên nghiệp Hồ Chí Minh đã hòa làm một với nhà báo - chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, chính trị, tư tưởng. Do vậy, đạo đức báo chí Hồ Chí Minh còn thể hiện ở sự khiêm nhường, cầu thị. Người viết bài và trước khi đưa bài đăng báo, Người thường đưa cho bạn bè, đồng chí hay một người lao động bình thường nào đó đọc trước, xin ý kiến của họ để Người sửa chữa, để sao cho bạn đọc cảm nhận được đầy đủ những điều Bác muốn nói. Hiếm có nhà báo nào viết vì bạn đọc, thân tình với bạn đọc của mình đến thế!

Ở đây, tư tưởng về "quyền năng" của báo chí, thông tin được Người diễn đạt và thể hiện rõ ràng và giản dị - đó là quyền của quần chúng bạn đọc. Xưa nay đã có nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu vì sao Bác Hồ rất ít khi ký tên thật trên báo chí, nhất là từ khi Bác đã là Chủ tịch nước. Người thường lấy bút danh rất giản dị, khó nhầm và trùng tên với người khác. Phải chăng Người muốn bạn đọc cảm nhận cái "hay", cái có ích từ chính vấn đề, nội dung của bài viết - chứ không phải vì đó là của ai? Bác Hồ rất cẩn trọng khi dùng từ, chọn ý, song lại rất mộc mạc giản dị khi ký các bút danh: T.L, X, Y, Z, Chiến Sĩ... Nhưng dù ký tên dưới bút danh nào, những gì Bác muốn gửi tới bạn đọc qua bài viết mọi người đều cảm nhận được. Các bài viết của Bác đều đi vào lòng người đọc bằng chất liệu độc đáo của sự kiện, của cách tiếp cận, cách thể hiện và tính chân thật, tính tư tưởng, tính chính trị và tính quần chúng của từng câu chữ và cả bài viết. Tất cả hợp thành đạo đức báo chí Hồ Chí Minh, rất giản dị nên ai nấy đều nhận ra.

Thiết nghĩ, nghề nào cũng cần có cái đức của nghề ấy. Cái đức của nghề không do "quyền năng" của nghề ấy sinh ra. Nghề báo có đạo đức báo chí làm nguồn sinh lực cho cây bút và câu chữ tỏa sáng. Học tập tư tưởng, tìm hiểu sự nghiệp báo chí Hồ Chí Minh, càng thấy đạo đức báo chí quý biết mấy, cần biết mấy.

Quỳnh Nga
Quản lý và phát triển thông tin báo chí ở Việt Nam
Quản lý và phát triển thông tin báo chí ở Việt Nam

Cuốn sách “Quản lý và phát triển thông tin báo chí ở Việt Nam” của nhà báo Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn bao quát hơn về vấn đề quản lý và phát triển thông tin.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN