Nhân dịp này, Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về mối quan hệ giữa hai nước, các biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ này trong thời gian tới cũng như vấn đề hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại cuộc gặp song phương nhân dịp tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, Việt Nam. Ảnh: TTXVN |
Xin Tổng thống cho biết ý nghĩa chuyến thăm tới Việt Nam lần này?
Tôi rất vui khi được quay trở lại thăm Việt Nam sau 4 tháng kể từ chuyến thăm Đà Nẵng nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra vào tháng 11 năm ngoái. Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên tôi đến thăm trong năm nay.
Ngay sau khi nhậm chức vào tháng 5 năm ngoái, tôi là Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên trong lịch sử cử đặc phái viên tới các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Khi đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành cho đoàn đặc phái viên Hàn Quốc sự đón tiếp hết sức nồng hậu.
Bên cạnh đó, tôi cũng đã có dịp hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 7/2017 và hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhân dịp Hội nghị cấp cao APEC vào tháng 11 năm ngoái. Qua các cuộc hội đàm này, tôi và các nhà lãnh đạo Việt Nam đã trao đổi những ý kiến sâu rộng về biện pháp làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.
Lý do tôi thường xuyên gặp gỡ các nhà lãnh đạo Việt Nam là bởi mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Việt Nam vô cùng đặc biệt. Hai nước Hàn Quốc và Việt Nam sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, bằng sự nỗ lực chung hai nước đã đạt được nhiều bước phát triển đáng kinh ngạc trên mọi lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, giao lưu nhân dân... Đặc biệt, kể từ năm 2009, hai nước đang ngày càng phát triển và làm sâu sắc hơn nữa "mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược". Trên cơ sở những nét tương đồng về văn hóa, lịch sử và cơ cấu kinh tế mang tính bổ trợ lẫn nhau, hai nước đã phát triển mối quan hệ hợp tác trở thành kiểu mẫu trên thế giới.
Quy mô trao đổi thương mại giữa hai nước tăng nhanh chóng sau khi Hiệp định Thương mại tự do Hàn - Việt có hiệu lực từ cuối năm 2015. Đến năm 2017, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã đạt 63,9 tỷ USD, nhờ đó Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hàn Quốc và Hàn Quốc là bạn hàng thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam với lũy kế vốn đầu tư đăng ký vào Việt Nam đã lên tới 57,9 tỷ USD và Việt Nam là nước đầu tư trọng điểm của Hàn Quốc khi số doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam chiếm hơn một nửa tổng số doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào khu vực ASEAN (trong tổng số 8.600 doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào ASEAN, có 5.500 doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam).
Ngoài ra, Việt Nam là nước nhận viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất của Hàn Quốc và Hàn Quốc là đối tác viện trợ ODA lớn thứ 2 của Việt Nam. Do đó, trong suốt 30 năm qua, Hàn Quốc đã triển khai nhiều dự án hợp tác phát triển tại Việt Nam với tổng quy mô vốn ODA là 1,65 tỷ USD.
Mặt khác, Việt Nam cũng là nước ASEAN có quy mô giao lưu nhân dân với Hàn Quốc lớn nhất. Năm 2017, khoảng 2,7 triệu người dân hai nước qua lại thăm viếng lẫn nhau. Hiện nay có khoảng 170 nghìn người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc, trong khi đó khoảng 150 nghìn người Hàn Quốc đang cư trú tại Việt Nam.
Nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam - một đối tác trọng tâm và cũng là một nước bạn bè quan trọng của Hàn Quốc, trước hết tôi mong muốn củng cố hơn nữa tình hữu nghị và sự tin cậy lẫn nhau trong khuôn khổ cấp cao với các nhà lãnh đạo Việt Nam. Trên nền tảng đó, tôi hy vọng mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa hai nước sẽ được nâng lên một tầm cao mới.
Bên cạnh đó, tôi mong rằng hai nước sẽ cùng đón đợi nhiều thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang trở thành chủ đề quan tâm trên toàn thế giới và tạo ra động lực tăng trưởng tương lai để qua đó đặt nền móng vững chắc nhằm xây dựng mối quan hệ hợp tác bổ trợ lẫn nhau và cùng hướng tới tương lai.
Đồng thời, thông qua chuyến thăm này, tôi mong muốn được gặp gỡ với các doanh nghiệp Việt Nam, gia đình đa văn hóa Hàn - Việt và người dân Việt Nam để tăng cường sự đồng cảm và củng cố tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Hàn Quốc diễn ra vào tháng 11 năm ngoái, tôi đã đưa ra sáng kiến "Cộng đồng tương lai ASEAN - Hàn Quốc", qua đó thể hiện quyết tâm nâng cấp toàn diện sự hợp tác với các nước ASEAN. Thông qua chuyến thăm Việt Nam lần này, tôi muốn phác thảo sự phát triển tương lai của "Cộng đồng tương lai ASEAN - Hàn Quốc" thông qua mối quan hệ hợp tác Hàn - Việt đang phát triển mẫu mực trên mọi mặt.
Xin Tổng thống cho biết thêm về sáng kiến “Chính sách phương Nam mới” được ông nêu ra tại Hội nghị cấp cao APEC 2017?
Tôi tin rằng Hàn Quốc và ASEAN chính là những đối tác phù hợp nhất để cùng tăng trưởng và mở ra cánh cửa tương lai. Điều này không đơn thuần chỉ là sự tăng trưởng kinh tế. Hiện nay có khoảng 500 nghìn người dân ASEAN đang sống tại Hàn Quốc, bên cạnh đó có khoảng 300 nghìn người Hàn Quốc đang cư trú tại các nước ASEAN. Tôi cho rằng để mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Hàn Quốc và ASEAN phát triển sâu sắc hơn và mối quan hệ giao lưu nhân dân giữa hai bên ngày càng trở nên sôi động, chúng ta cần tiếp tục duy trì và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau.
Do đó, sau khi nhậm chức, tôi đã đưa ASEAN vào danh sách ưu tiên đối ngoại ở mức cao và tuyên bố "Chính sách phương Nam mới" nhằm nâng cấp mối quan hệ ASEAN - Hàn Quốc trên mọi lĩnh vực. Tầm nhìn của tôi là xây dựng "Cộng đồng hòa bình cùng thịnh vượng, lấy con người làm trung tâm" của ASEAN và Hàn Quốc.
Để hiện thực hóa sáng kiến này, trước hết, tôi đã đề xuất sự hợp tác lấy "con người" (People) làm trung tâm. Tôi thấy rằng triết lý điều hành chính trị của tôi là "Con người là trên hết" và mục tiêu của ASEAN mưu cầu "Cộng động hướng tới con người và lấy con người làm trung tâm" có phần tương đồng với nhau.
Sự hợp tác giữa Hàn Quốc và ASEAN trong thời gian tới sẽ phát triển dưới hình thức tôn trọng ý kiến của người dân cả hai bên, được người dân ủng hộ và hơn nữa là để người dân trực tiếp tham gia. Đặc biệt, tôi sẽ quan tâm tăng cường năng lực của người dân ASEAN và mở rộng giao lưu giữa ASEAN và Hàn Quốc, đồng thời tôi cũng sẽ tiếp tục nỗ lực để mở rộng các chương trình đào tạo tại Hàn Quốc và cải thiện chính sách cấp thị thực. Hơn nữa, tôi sẽ không ngừng nỗ lực nhằm mở rộng sự giao lưu thanh niên, những người sẽ gánh vác trách nhiệm vì tương lai của mối quan hệ ASEAN - Hàn Quốc.
Thứ hai, tôi mong muốn tiếp tục mở rộng và phát triển mối quan hệ hợp tác ASEAN - Hàn Quốc theo hướng để mọi người dân được hưởng lợi thông qua sự hợp tác tương sinh để "cùng thịnh vượng (Prosperity)". Để sự hợp tác bền vững, mọi quốc gia và mọi người dân đều phải cùng phát triển và tăng trưởng. Cần phải tạo ra cơ cấu thịnh vượng chung, trong đó sự phát triển của Hàn Quốc cần phải được tiếp nối bằng sự phát triển nhanh hơn của ASEAN và điều này cổ vũ lại cho sự phát triển của Hàn Quốc. Việc con người và hàng hóa có thể vượt biên giới, qua lại tự do giữa các quốc gia chính là cơ sở của sự thịnh vượng về kinh tế, do đó tôi sẽ tăng cường sự đóng góp của Hàn Quốc vào quá trình thúc đẩy tính liên kết của ASEAN và xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Thứ ba, cần phải hướng tới "Cộng đồng hòa bình nơi người dân được an toàn" (Peace). Hiện nay, khu vực châu Á đang phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như khủng bố, chủ nghĩa cực đoan bạo lực, tấn công mạng... Đây là những vấn đề không thể giải quyết chỉ bằng nỗ lực của một quốc gia. Trong thời gian tới, Hàn Quốc sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với chính phủ các nước ASEAN trong khuôn khổ song phương và đa phương nhằm đảm bảo mọi người dân của cả Hàn Quốc và ASEAN được an toàn hơn.
Việt Nam là đối tác trọng tâm của Hàn Quốc trong quá trình thực hiện “Chính sách phương Nam mới”. Sự hợp tác giữa hai nước trong mọi lĩnh vực từ thương mại, đầu tư, giao lưu nhân dân... đều đang minh chứng cho điều này. Tôi hy vọng rằng chuyến thăm Việt Nam lần này của tôi sẽ là một bước ngoặt quan trọng không chỉ đối với sự phát triển hướng tới tương lai của quan hệ Hàn - Việt mà còn đối với quá trình xây dựng "Cộng đồng hòa bình cùng thịnh vượng, lấy con người làm trung tâm".
Xin Tổng thống cho biết phương hướng mở rộng hợp tác kinh tế Hàn - Việt trong tương lai?
Hai từ khóa mà tôi nghĩ đến khi nói về sự hợp tác kinh tế Hàn - Việt là "sự hợp tác hai bên cùng có lợi" để hỗ trợ lẫn nhau và "sự hợp tác tăng trưởng tương lai" để cùng chuẩn bị cho tương lai.
Về "sự hợp tác cùng có lợi", trước hết, tôi tin tưởng chắc chắn rằng sự hợp tác kinh tế phải tạo ra lợi ích cho cả hai phía thì mới có thể bền vững được. Do đó, tôi mong muốn phát triển mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Hàn Quốc và Việt Nam theo cách thức cùng có lợi, đóng góp cho sự thịnh vượng chung của cả hai nước.
Kim ngạch thương mại giữa hai nước năm ngoái đạt 63,9 tỷ USD, tăng 40% chỉ sau một năm. Qua đó, Hàn Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam và Việt Nam là bạn hàng thương mại lớn thứ 4 của Hàn Quốc. Các hoạt động hợp tác kinh tế giữa hai nước hiện nay diễn ra hết sức sôi nổi, như mục tiêu "đạt kim ngạch thương mại 100 tỷ USD vào năm 2020" đang được hai nước triển khai thuận lợi, lũy kế vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đạt 57,6 tỷ USD giúp Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam.
Mặt khác, tôi cũng sẽ giải quyết vấn đề mất cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước thông qua hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô, phụ tùng và nhiều dự án hợp tác khác, như tăng cường năng lực xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam được triển khai trong khuôn khổ tăng cường năng lực ngành công nghiệp cùng có lợi giữa hai nước.
Về "sự hợp tác tăng trưởng tương lai", tôi cho rằng việc cùng ứng phó với thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và cùng nỗ lực tạo ra động lực tăng trưởng tương lai vô cùng quan trọng. Tôi mong rằng hai nước sẽ tăng cường nền tảng để sự hợp tác kinh tế giữa hai nước phát triển theo hướng hướng tới tương lai thông qua sự hợp tác trong các ngành công nghiệp mới như đô thị thông minh, ICT...
Trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, tôi sẽ tham dự lễ khởi công Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST). VKIST chính là dự án hợp tác điển hình bao hàm cả hai từ khóa "sự hợp tác cùng có lợi" và "sự hợp tác tăng trưởng tương lai". Cách đây khoảng 50 năm, Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST), hình mẫu của Viện VKIST, được thành lập khi Chính phủ Hàn Quốc chủ trương đầu tư nguồn vốn viện trợ nước ngoài cho "ước mơ" và "tương lai", là phát triển công nghệ công nghiệp và khoa học công nghệ thay vì đầu tư vào lương thực để giải quyết nạn đói trước mắt. Sau đó, Viện KIST vươn lên trở thành cái nôi đào tạo nguồn nhân tài đóng góp cho sự phát triển các ngành công nghiệp chiến lược của Hàn Quốc như ô tô, điện tử, công nghiệp nặng và công nghiệp hóa chất, đồng thời là động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế của Hàn Quốc.
Tôi mong rằng Lễ khởi công Viện VKIST sau này sẽ được nhớ tới như một sự kiện lịch sử đã đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình đưa Việt Nam trở thành "nước công nghiệp theo hướng hiện đại". Hàn Quốc sẽ tiếp tục tìm kiếm biện pháp nhằm tăng cường hợp tác cùng có lợi với Việt Nam để có thể đóng góp cho tiến trình của Việt Nam xây dựng "sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2020".
Xin chúc mừng Hàn Quốc tổ chức thành công Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018. Trước thành tích xuất sắc của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của Huấn luyện viên trưởng Park Hang-seo, Tổng thống có sáng kiến gì về sự hợp tác trong lĩnh vực thể thao giữa hai nước Hàn - Việt hay không? Thế vận hội mùa Đông và Thế vận hội dành cho người khuyết tật Pyeongchang 2018 đã được tổ chức thành công và trở thành lễ hội vì sự hòa bình và hòa hợp của nhân loại trên toàn thế giới với số lượng vận động viên tham gia lớn nhất trong lịch sử. Thế vận hội lần này một lần nữa đã cho chúng ta cảm nhận được sức mạnh của thể thao kết nối con người với con người và kết nối đam mê của con người làm một.
Vận động viên trượt băng nghệ thuật người Malaysia tham gia thi đấu Thế vận hội lần này chính là vận động viên đã tham gia "Chương trình phát triển các môn thể thao mùa Đông (Dream Program)" do Hàn Quốc tài trợ và đã thực hiện được ước mơ tham gia thi đấu thế vận hội mùa Đông của mình. Tôi có thể hình dung ra hình ảnh đoàn vận động viên của Việt Nam tham gia Thế vận hội mùa Đông sẽ diễn ra sau 4 năm nữa. Để đạt được điều này, Hàn Quốc sẽ triển khai các hoạt động hợp tác cần thiết với Việt Nam.
Nhân dịp này, tôi xin chân thành chúc mừng đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam đã lập thành tích xuất sắc là giành ngôi á quân Giải bóng đá U23 châu Á vào cuối tháng 1 vừa qua dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên trưởng Park Hang-seo. Bên cạnh đó, tôi rất vui mừng khi lĩnh vực thể thao đã trở thành minh chứng điển hình cho hiện tượng "Điều kỳ diệu của Hàn Quốc và Việt Nam", nghĩa là "Chỉ cần Việt Nam và Hàn Quốc hợp sức thì bất kỳ điều gì cũng có thể trở thành hiện thực".
Chúng ta đã từng chứng kiến vận động viên bắn súng Hoàng Xuân Vinh đã đem về cho Việt Nam chiếc huy chương vàng Olympic đầu tiên tại Thế vận hội Rio 2016 dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Park Chung-gun. Tôi được biết, hiện nay các vận động viên quốc gia Việt Nam thuộc 7 môn thể thao, bao gồm cả bóng đá và bắn súng, đang vất vả tập luyện dưới sự hướng dẫn của các huấn luyện viên người Hàn Quốc. Tôi mong rằng trong tương lai, chúng ta sẽ được chứng kiến thêm nhiều thành tích và kết quả tốt đẹp hơn nữa.
Để "điều kỳ diệu Hàn Quốc - Việt Nam" một lần nữa sẽ giúp Hàn Quốc và Việt Nam hợp lại thành một thông qua cầu nối thể thao, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác thể thao giữa hai nước. Tôi mong rằng người dân Việt Nam cũng sẽ cảm nhận được tình hữu nghị Hàn - Việt sẽ ngày càng trở nên thắm thiết thông qua lĩnh vực thể thao.
Xin Tổng thống hãy đánh giá về sự giao lưu nhân dân giữa hai nước, đặc biệt là vai trò của cộng đồng doanh nghiệp và kiều bào (trong đó có du học sinh) của nước này tại nước kia? Việt Nam "là nước ASEAN giao lưu nhân dân sôi động nhất với Hàn Quốc" và "là nước ASEAN có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư nhất". Người dân và doanh nghiệp hai nước giao lưu và hợp tác với nhau sôi động như vậy vừa đóng vai trò là động lực (engine) và vừa là cầu nối (bridge) góp phần giúp hai nước xây dựng mối quan hệ đối tác thân thiết.
Năm 2017, số lượng người dân hai nước qua lại thăm viếng lẫn nhau đạt hơn 2,7 triệu người. Hiện nay có khoảng 150 nghìn người Hàn Quốc đang sinh sống tại Việt Nam và khoảng 170 nghìn người Việt Nam cư trú tại Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, Việt Nam là điểm đầu tư số 1 của các doanh nghiệp Hàn Quốc, đến nay có khoảng 5.500 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia. Hơn nữa, tại Hàn Quốc hiện đang có khoảng 70 nghìn gia đình đa văn hóa Hàn - Việt. Bằng dòng máu chung, họ đang góp phần quan trọng trong việc kết nối mối quan hệ “từ thông gia trở thành gia đình” và tiến xa hơn là thúc đẩy sự phát triển mối quan hệ giữa hai nước.
Mặt khác, tôi cảm thấy rất hài lòng và vững tâm khi thấy các chủ nhân tương lai của hai nước là thế hệ trẻ giao lưu văn hóa lẫn nhau, tăng cường sự hiểu biết về nhau, tạo sự đồng cảm và vun đắp tình hữu nghị. Số du học sinh Việt Nam học tập tại Hàn Quốc ngày càng tăng nhanh, cụ thể là tăng gấp đôi từ 7 nghìn người năm 2016 lên 14 nghìn người năm 2017. Chuyên ngành học cũng ngày càng trở nên đa dạng.
Tôi rất hài lòng khi nhận thấy số du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc và chuyên ngành học của các em ngày càng gia tăng và sẽ tiếp tục dành sự quan tâm và triển khai những hỗ trợ cần thiết để sau này các em sẽ trở thành trụ cột thúc đẩy sự phát triển mối quan hệ đối tác hướng tới tương lai giữa hai nước Việt - Hàn. Cách đây không lâu, Phu nhân của tôi có mời du học sinh Việt Nam tới Nhà Xanh để giao lưu. Phu nhân có chia sẻ bà rất ấn tượng về hình ảnh đầy tự hào của các em sinh viên Việt Nam khi mỗi em đều bày tỏ mong muốn được đóng góp cho sự phát triển của Tổ quốc Việt Nam cũng như thúc đẩy quan hệ Hàn - Việt và các em đều nỗ lực học tập để tiếp thu những tri thức và công nghệ trong nhiều lĩnh vực.
Tôi cũng đã nghe kể trong thời kỳ khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng tuyển chọn những sinh viên ưu tú để cử ra nước ngoài học, và các du học sinh Việt Nam đã tiếp thu lời dặn dò của Bác Hồ, nghiêm túc học tập để sau này quay trở về quê hương và đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển như hiện tại của Việt Nam. Nhiệt huyết giáo dục và sự quan tâm đầu tư không ngừng cho việc đào tạo thế hệ tương lai là truyền thống tốt đẹp của hai nước Hàn Quốc và Việt Nam đã được duy trì và phát triển qua bao đời nay, đồng thời còn đóng vai trò là cầu nối chèo lái sự phát triển và thịnh vượng chung của hai nước ngày nay cũng như đưa nhân dân hai nước lại gần nhau hơn.
Xin Tổng thống cho biết biện pháp và kế hoạch của Chính phủ Hàn Quốc vì hòa bình và tương lai của bán đảo Triều Tiên?
Chính phủ Hàn Quốc đang dồn mọi nỗ lực nhằm mở ra thời đại mới của nền hòa bình và sự thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên thông qua phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên tác động tới nền hòa bình và ổn định của Bán đảo Triều Tiên, khu vực Đông Bắc Á và hơn nữa là của thế giới. Chính phủ Hàn Quốc đã và đang phối hợp cùng cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam huy động mọi nguồn lực để buộc Triều Tiên phải tiến tới phi hạt nhân hóa và xây dựng thể chế hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Kết quả của những nỗ lực này là việc đoàn vận động viên của Triều Tiên tham gia Thế vận hội mùa đông Pyeongchang vào tháng 2 vừa qua, cùng việc thành lập đội khúc côn cầu trên băng nữ chung giữa hai miền, và đoàn đại biểu cấp cao của Triều Tiên thăm Hàn Quốc nhân dịp này, đã tạo nền tảng cho sự đối thoại và cải thiện mối quan hệ hai miền, hơn nữa là hình thành nền tảng để có thể tiến tới tổ chức các cuộc đối thoại giữa Triều Tiên với cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ.
Đầu tháng 3 vừa qua, đoàn đặc phái viên của Hàn Quốc đã thăm Triều Tiên, gặp gỡ Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong Un và thống nhất tổ chức hội đàm thượng đỉnh liên Triều vào cuối tháng 4. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã tuyên bố sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Kim Jong Un trong tháng 5. Đây là những dấu hiệu cho thấy nỗ lực đối thoại và những chuyển biến đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên.
Chính phủ Hàn Quốc sẽ trân trọng và nắm lấy cơ hội có được sau bao khó khăn này để tạo ra một bước tiến thật thận trọng và khéo léo. Xin chân thành cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong thời gian qua đã tích cực ủng hộ chính sách bán đảo Triều Tiên của Chính phủ Hàn Quốc và mong rằng trong thời gian tới Chính phủ và nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục dành sự quan tâm và ủng hộ tích cực cho chúng tôi.
Xin trân trọng cảm ơn Tổng thống!