Tròn 34 ngày “bình yên”
Chiều 20/5, Bộ Y tế thông báo trong ngày không ghi nhận thêm trường hợp mắc bệnh COVID-19. Như vậy, tính từ 6 giờ ngày 16/4 đến 18 giờ ngày 20/5 là 34 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đến nay, thống kê tích luỹ, Việt Nam có tổng cộng 184 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 7.945 người, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện: 331 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác: 5.187 người, cách ly tại nhà/nơi lưu trú: 2.427 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 3 ca. Số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2: 5 ca.
Bệnh nhân phi công Anh vẫn chưa đủ điều kiện ghép phổi
Ngày 20/5, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, cho biết, qua CTScan phổi lần 2, phần phổi bệnh nhân 91 hồi phục chiếm khoảng 20-30%. Tuy nhiên, tiên lượng tình trạng còn nặng.
Hiện tại, bệnh nhân 91 không sốt, mạch và huyết áp ổn định, chức năng phổi cải thiện và hồi phục chiếm khoảng 20-30%. Bệnh nhân vẫn còn nằm yên, thỉnh thoảng có kích thích nhẹ. Chức năng phổi đã có cải thiện đáng kể và không ghi nhận xuất huyết. Kết quả siêu âm, tim thất trái co bóp tốt, đồng bộ, dịch màng ngoài tim lớp mỏn; phổi phải tràn dịch màng phổi nhưng rất ít; thùy dưới phổi trái vẫn đông đặc, không dịch màng phổi, không tràn khí.
Bệnh nhân phi công người Anh đang điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh là bệnh nhân nặng nhất trong số những bệnh nhân mắc COVID-19 đang được điều trị tại Việt Nam.
“Qua hội chẩn và tình hình sức khỏe của bệnh nhân hiện nay thì vẫn chưa đủ điều kiện để ghép phổi”, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết thêm. Bệnh nhân tiếp tục được thở máy, mở khí quản, ECMO, lọc máu, tiên lượng còn nặng.
Bàn giao 81 công dân hoàn thành thời gian cách ly
Ngày 20/5, Trung đoàn 855 thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Ninh Bình (đóng trên địa bàn phường Ninh Sơn, thành phố Ninh Bình) đã phối hợp với Sở Y tế tỉnh Ninh Bình và các đơn vị liên quan tổ chức buổi công bố và bàn giao 81 công dân Việt Nam từ nước ngoài về đã hoàn thành thời gian cách ly tập trung tại đơn vị trở về địa phương.
Tại buổi lễ, Trung đoàn 855 đã tổ chức công bố quyết định phê duyệt danh sách kết thúc việc cách ly tập trung và cấp giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cách ly tập trung 14 ngày (tính từ ngày nhập cảnh vào Việt Nam) cho các công dân trở về địa phương.
Trong thời gian tổ chức cách ly tập trung cho các công dân, Trung đoàn 855 đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình và các đơn vị liên quan tổ chức điều tra dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm 3 lần đối với các công dân. Các kết quả xét nghiệm của 81 trường hợp đều âm tính với virus SARS-CoV-2. Các công dân đều có sức khỏe bình thường trong suốt thời gian cách ly.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng chống dịch COVID-19, các công dân được khuyến cáo sau khi trở về địa phương có trách nhiệm thông báo với chính quyền sở tại, tiếp tục tuân thủ thực hiện theo dõi, giám sát sức khỏe 14 ngày và thực hiện tốt các khuyến cáo do Bộ Y tế đưa ra.
Bảo đảm minh bạch khi mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ phòng dịch
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 3892/VPCP-V.I về việc báo cáo tình hình mua sắm hệ thống Real-time PCR.
Theo đó, xét báo cáo của Bộ Y tế về tình hình mua sắm hệ thống Real-time PCR phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Y tế tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 3339/VPCP-V.I của Văn phòng Chính phủ.
Cụ thể, Bộ Y tế đảm bảo việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh... phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 công khai, minh bạch và chất lượng; tránh tình trạng thông đồng, đẩy giá hàng hóa lên cao nhằm trục lợi tiền ngân sách nhà nước.
Trước đó, tại văn bản số 3339/VPCP-V.I của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, thẩm định lại và thanh tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh… phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhất là các gói thầu mua sắm hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa, máy thở, khẩu trang y tế, hóa chất vật tư tiêu hao…
Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chuyển hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra để điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
MV “Chẳng thể cách Ly” của nữ rapper Nguyễn Thuý Hằng
Nữ rapper Nguyễn Thúy Hằng (còn gọi là Hằng Kani, nghệ danh LiL’kAnI) – một trong những nữ rapper hiếm hoi của Việt Nam và các cộng sự vừa ra mắt video âm nhạc (MV) mang tên "Chẳng thể cách Ly” (No Yourantine) để hưởng ứng Chiến dịch "Nghệ thuật kiên cường - ResiliArt" do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) phát động khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Chiến dịch "Nghệ thuật kiên cường - ResiliAr" nhằm nâng cao nhận thức về tác động của COVID-19 trên tất cả các lĩnh vực; hỗ trợ các nghệ sỹ tìm kiếm giải pháp trong và sau khủng hoảng do dịch bệnh. Cụ thể, chiến dịch kêu gọi, khuyến khích nghệ sỹ và người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo đăng tải những câu chuyện, hình ảnh và video trên các mạng xã hội (Facebook, Instagram, Twitter…) để kết nối với công chúng trong thời kỳ khủng hoảng do dịch COVID-19. Thông qua đó, các nghệ sỹ lan tỏa thông điệp: Nghệ thuật đồng nghĩa với sự kiên cường; khủng hoảng do dịch bệnh là thời điểm nghệ thuật thể hiện khả năng phục hồi và tính bền vững, khai thác được sức mạnh từ sự sáng tạo vốn có.
Hưởng ứng chiến dịch của UNESCO cùng các nghệ sỹ toàn cầu, nhóm nghệ sỹ độc lập do Hằng Kani khởi xướng, trực tiếp thực hiện dự án video ca nhạc cộng đồng mang tên "Chẳng thể cách Ly" - "No Yourantine" để ủng hộ tinh thần các nữ y bác sỹ, nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch COVID-19.
Ca khúc "Chẳng thể cách Ly" có âm hưởng Hiphop/R&B được Thúy Hằng (LiL’kAnI) và Duy Anh (DOesn’t K) sáng tác từ đầu tháng 3/2020, dựa trên câu chuyện có thật của một nữ y tá tên Ly. Gia đình nhỏ của chị đang chuẩn bị sinh nhật cho con gái, nhưng vì tình hình dịch bệnh mà phải cách ly, chỉ có thể gặp nhau qua điện thoại. Nhờ sự chung tay của cộng đồng (đại diện lên hình là 12 gương mặt có tầm ảnh hưởng hoạt động trong nhiều lĩnh vực tại Thủ đô), món quà đầy ắp tình yêu thương của Ly đã được gửi tới tay cô con gái. Mơ ước đoàn tụ của cả gia đình sẽ trở thành hiện thực khi dịch bệnh được đẩy lùi...
Campuchia cảm ơn Quốc hội Việt Nam tặng quà phòng chống dịch COVID-19
Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, sáng 20/5, đại diện cơ quan lập pháp Campuchia đã tổ chức lễ đón nhận món quà 30.000 khẩu trang phòng chống dịch COVID-19 của Quốc hội Việt Nam gửi tặng Quốc hội và Thượng viện Campuchia.
Tham dự buổi lễ trao tặng được tổ chức tại tòa nhà Quốc hội Campuchia ở thủ đô Phnom Penh có Tổng Thư ký Quốc hội Campuchia Leng Peng Long; bà Lok Kheng, Chủ nhiệm Ủy ban số 8, Quốc hội Vương quốc Campuchia; Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Campuchia Vũ Quang Minh cùng nhiều quan chức cơ quan lập pháp Campuchia.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Thư ký Leng Peng Long khẳng định số quà tặng sẽ giúp đáp ứng phần nào nhu cầu của Quốc hội Campuchia về vật tư y tế phòng ngừa dịch COVID-19, cũng như đóng góp vào cuộc chiến chống dịch tại Campuchia. Ông Leng Peng Long nhấn mạnh: “Món quà dù số lượng không lớn nhưng thể hiện tình hữu nghị đoàn kết giữa hai dân tộc Việt Nam và Campuchia. Cùng với nhiều quà tặng trước đây, món quà này là minh chứng nữa cho nghĩa cử cao đẹp mà hai dân tộc Việt Nam-Campuchia dành cho nhau, là sự ươm mầm, xây dựng và không ngừng củng cố mối quan hệ đoàn kết, là tài sản thiêng liêng của hai dân tộc”.
Nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phòng chống dịch bệnh
Sáng 20/5, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
Theo nội dung báo cáo, Chính phủ đã chỉ đạo phòng chống dịch một cách toàn diện theo các kịch bản đề ra, phù hợp với diễn biến tình hình. Các biện pháp ứng phó được triển khai sớm hơn và cao hơn mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); cách ly và giãn cách xã hội được triển khai kiên quyết, kịp thời, ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Báo cáo khẳng định: Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân cả nước thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp đề ra, đến nay chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Đạt được kết quả quan trọng này là do chúng ta đã sớm nhận thức đúng, có đối sách phù hợp, kịp thời, tập trung chỉ đạo liên tục, hành động quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Các tổ chức quốc tế, nhiều quốc gia, nhiều hãng truyền thông, chuyên gia uy tín đánh giá Việt Nam có mô hình chống dịch hợp lý, hiệu quả, chi phí thấp, được nhân dân ủng hộ.
Về nhiệm vụ, giải pháp phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian tới,Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành phải thường xuyên theo dõi sát tình hình, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống dịch, trong đó tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:
- Kiểm soát chặt chẽ các nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài, tiếp tục thực hiện cách ly tất cả những người nhập cảnh vào nước ta và người bị nhiễm bệnh; phát hiện sớm trường hợp nghi nhiễm tại cộng đồng để cách ly, xử lý triệt để, tránh lây lan. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh.
- Đẩy nhanh việc nghiên cứu, phát triển vắc-xin phòng dịch, các phương pháp xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị. Tăng cường năng lực của hệ thống y tế để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch Covid-19 bùng phát, cũng như các dịch bệnh khác có thể xảy ra trong tương lai.
- Nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phòng chống dịch bệnh, bảo đảm hiệu quả y tế và bền vững về kinh tế, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển KTXH, vừa phòng chống dịch. Bảo đảm an toàn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hoạt động xã hội.