Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 63 điểm cầu với sự tham dự của hàng ngàn cán bộ lãnh đạo ngành Ngân hàng, các ngân hàng thương mại trong cả nước.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng, năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ một cách hết sức chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ các công cụ, giải pháp để duy trì lạm phát cơ bản trong năm ở mức 1,4-1,6% và kết thúc năm lạm phát cơ bản ở mức 1,41%. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp đã tạo điều kiện cho công tác điều hành lãi suất. Cụ thể trong năm 2017, hệ thống ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1%.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động Hạng Nhì, Ba cho các đồng chí lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN . |
Đặc biệt trong năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tín dụng tăng trưởng tích cực ngay từ những tháng đầu năm để hỗ trợ nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp. Nhờ đó, kết thúc năm 2017 tín dụng đã tăng 18,17%, phù hợp với định hướng đề ra từ đầu năm. Đặc biệt, tín dụng được tập trung vào sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Không chỉ vậy, dưới sự điều hành chủ động, linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá và thị trường ngoại hối năm qua cũng hoạt động ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước đã tăng lên mức kỷ lục 53 tỷ USD. "Dự trữ ngoại hối tăng đã góp phần củng cố vị thế, uy tín quốc gia, tạo lòng tin cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào Việt Nam", Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, điểm lại những kết quả kinh tế - xã hội năm 2017 trong đó nổi bật là tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 6,81%; lạm phát được kiểm soát ở mức 3,53%, Thủ tướng ghi nhận những đóng góp tích cực của ngành Ngân hàng.
Nhấn mạnh đến thành tích tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước thời gian qua, Thủ tướng cho rằng, chính sách tỷ giá hợp lý giúp tăng nhanh dự trữ ngoại hối đạt 53 tỷ USD, tạo niềm tin, uy tín của Việt Nam cho các nhà đầu tư.
“Kết quả trên nhiều mặt có sự đóng góp quan trọng trực tiếp của hệ thống ngân hàng trong điều hành chính sách tiền tệ, với vai trò vừa là nguồn lực, vừa là động lực để phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước”, Thủ tướng đánh giá.
Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá cao chính sách lãi suất được điều chỉnh hợp lý, đã giảm 0,5-1%, giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí vốn.
Bên cạnh những kết quả tích cực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý một số vấn đề cần được ngành Ngân hàng tiếp tục quan tâm xử lý để đạt kết quả tốt hơn, như: Chất lượng tín dụng được cải thiện đáng kể nhưng chưa chủ động mạnh mẽ theo hướng thị trường để góp phần thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Quá trình xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng vẫn diễn ra chậm hơn so với yêu cầu. Một số tổ chức tín dụng còn thiếu mạnh dạn, thiếu quyết tâm trong việc giải quyết hạn chế yếu kém và xác định lộ trình, giải pháp thực hiện tái cơ cấu và chiến lược phát triển kinh doanh…
Từ thực tế đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Ngân hàng đi tiên phong trong thực hiện phương châm hành động năm 2018 của Chính phủ: Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả để hỗ trợ đắc lực cho Chính phủ triển khai chương trình phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, cải cách kinh tế sâu rộng nhằm đạt và vượt mục tiêu quan trọng năm 2018 và cả nhiệm kỳ.
Tán thành với phương châm 8 chữ mà Ngân hàng Nhà nước đề ra tại hội nghị: Chủ động, an toàn, linh hoạt, hiệu quả, Thủ tướng đề nghị ngành Ngân hàng thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá hiệu quả và kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để thực hiện cho được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức thấp và thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2018 cũng như trong trung và dài hạn.
Quản lý chặt chẽ thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, không để xảy ra những biến động bất lợi. Phấn đấu tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.
Phát huy vai trò chủ đạo của thị trường tiền tệ trong việc duy trì sự ổn định của thị trường tài chính, hỗ trợ thúc đẩy thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.
Đối với hoạt động tín dụng ngân hàng, cần tiếp tục phát huy vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện tích cực thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế.
“Đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục vươn lên với tầm nhìn rộng lớn hơn thực hiện đúng chức năng về điều tiết kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo cho vay công bằng trong khu vực các lĩnh vực của nền kinh tế”, Thủ tướng mong muốn.
Tập trung nguồn lực thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng lành mạnh củng cố, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, phấn đấu Việt Nam có một số ngân hàng có quy mô ngang tầm với các ngân hàng hàng đầu trong khu vực.
Đi liền với đó là tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước để phát hiện kịp thời và hạn chế tối đa những sai phạm, nhất là những sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động tiền tệ, ngân hàng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với hệ thống ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cần quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ và vấn đề rủi ro đạo đức để có biện pháp quản lý hữu hiệu, hạn chế tối đa những sai phạm do cố ý làm trái gây ra.
Thủ tướng đề nghị phát triển ứng dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại để theo kịp xu hướng phát triển mới của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đồng thời chú trọng công tác đảm bảo an ninh, an toàn để hạn chế những rủi ro, tiêu cực, tội phạm từ mặt trái của công nghệ số. Chủ động triển khai đề án hoàn thiện khung pháp lý quản lý chặt chẽ các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận dễ dàng hơn với dịch vụ ngân hàng.