Nhiều quan chức Chính phủ hai nước Việt Nam - Australia đã tham dự sự kiện ngoại giao văn hóa đặc biệt này. Cùng dự còn có đông đảo kiều bào và bà con đang sinh sống, học tập, làm việc tại Australia, đại diện một số cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Canberra.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Toàn quyền Australia Peter Cosgrove dự tiệc kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Australia. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Mở đầu sự kiện, Quân nhạc cử Quốc thiều Việt Nam và Australia.
Ngay sau đó, phát biểu chào mừng tại tiệc tiếp tân, Toàn quyền Australia Peter Cosgrove bày tỏ vui mừng được dự tiệc kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Australia và cho rằng, trong suốt những năm qua, nhân dân hai nước đã xây dựng mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và tình hữu nghị đích thực, coi hòa bình và thịnh vượng là giá trị cao nhất.
Toàn quyền Peter Cosgrove nhấn mạnh, Australia tự hào có một người bạn là Việt Nam và được hỗ trợ nhân dân Việt Nam trong tiến trình phát triển, đạt những thành tựu tăng trưởng và phát triển ấn tượng.
Ngài Peter Cosgrove cũng nêu rõ, việc Việt Nam - Australia ký quan hệ Đối tác Chiến lược mở ra nhiều cơ hội để đem lại lợi ích cho nhân dân và hai nước; đóng góp cho ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới. Hai nước cũng có nhiều cơ hội để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, giáo dục, văn hóa, khoa học công nghệ, thương mại và đầu tư mà nổi bật là thúc đẩy nhiều thỏa thuận, liên kết mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết.
Toàn quyền Peter Cosgrove bày tỏ tin tưởng rằng sự gắn kết giữa hai nước Việt Nam - Australia sẽ tiếp tục và phát triển trong nhiều năm tới.
Trong phát biểu tại tiệc tiếp tân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Australia là một trong những nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, khi cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của Việt Nam vẫn còn đang ở giai đoạn ác liệt nhất.
Đến thời điểm Việt Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975, Australia cũng là nước tiên phong hỗ trợ Việt Nam cả về vật chất lẫn nguồn nhân lực để tái thiết đất nước. Đặc biệt, năm 2000, cầu Mỹ Thuận, cây cầu dây văng đầu tiên nối đôi bờ sông Tiền, đã được người dân Đồng bằng sông Cửu Long và nhân dân Việt Nam đón nhận như là một quà tặng, cử chỉ của tình hữu nghị thân thiết từ nhân dân Australia.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, người dân Việt Nam biết đến và đồng
cảm với đất nước, con người Australia qua các bộ phim hấp dẫn như “Tất
cả các dòng sông đều chảy”, “Người đàn ông trên dòng sông băng” và tiểu
thuyết văn học nổi tiếng “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”. Trong khi
đó, ngày càng có nhiều người Australia cảm nhận Việt Nam không chỉ là
đất nước kiên cường trong đấu tranh giành độc lập tự do mà còn có lịch
sử trải dài trên 4.000 năm văn hiến, có nền văn hóa đa dạng đặc sắc và
có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, danh thắng nổi tiếng được UNESCO
công nhận.
Theo Thủ tướng, trải qua thăng trầm của lịch sử, ngày
nay, Việt Nam và Australia là bạn, là đối tác chiến lược của nhau. Điều
này không chỉ thể hiện ở các con số cụ thể, mà còn trong các giá trị vô
hình không thể đong đếm được. Đó là trên 6,5 tỷ USD kim ngạch thương
mại hai chiều năm 2017. Gần 90 triệu AUD (70,7 triệu USD) hỗ trợ ODA của
Australia dành cho Việt Nam hàng năm là nguồn vốn quý báu, xây dựng
những công trình lớn, quan trọng như cầu Mỹ Thuận, cầu Cao Lãnh và cả
các dự án hỗ trợ phát triển thiết thực cho người dân nghèo vùng sâu,
vùng xa. Hàng vạn công dân Việt Nam tốt nghiệp các trường đại học tiên
tiến của Australia, trở thành các kỹ sư, cử nhân, nhà khoa học; gần
300.000 người gốc Việt Nam coi Australia là ngôi nhà thứ hai.
Thật
vui mừng hàng năm có hàng chục vạn người dân hai nước là du khách của
nhau. Năm 2017, đã có gần 40 vạn du khách Australia đến thăm Việt Nam.
Hai nước cũng phối hợp ngày càng chặt chẽ hơn trên các diễn đàn khu vực
và quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á
(ASEAN) và Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC);
tham gia tích cực vào quá trình đàm phán và đi tới ký kết thành công
Hiệp định CPTPP - hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, kết nối các nền
kinh tế lớn bên bờ Thái Bình Dương. Việt Nam và Australia đã phối hợp
tốt trong giải quyết các vấn đề toàn cầu như ứng phó với biến đổi khí
hậu, phòng chống thiên tai, góp phần gìn giữ hòa bình.
Thủ tướng
bày tỏ tin tưởng và hy vọng về một tương lai tươi sáng trong quan hệ
hai nước, đặc biệt là khi quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam -
Australia được hiện thực hóa trên tất cả các lĩnh vực, vì lợi ích của
nhân dân hai nước, vì khu vực châu Á -Thái Bình Dương hòa bình và thịnh
vượng.
* Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Tổ chức Nghiên cứu công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO) và dự Triển lãm Đổi mới Sáng tạo với chủ đề “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Kỷ nguyên mới cho ngành công nghiệp, cơ hội mới cho Australia và Việt Nam” tại CSIRO.
Phát biểu tại CSIRO, Thủ tướng bày tỏ ấn tượng về các thành tựu của tổ chức này, trong đó có những nghiên cứu quan trọng về công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, môi trường, y tế, sản xuất nông nghiệp và thực phẩm, đóng góp lớn cho nền kinh tế Australia với doanh thu gần 5 tỷ USD mỗi năm từ các công trình nghiên cứu...
Thủ tướng hoan nghênh CSIRO và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã hợp tác tốt trong tổ chức sự kiện Trình diễn về đổi mới sáng tạo cũng như triển khai nhiều hoạt động hợp tác trong lĩnh vực khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tinh thần Đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Australia vừa công bố tháng 11/2017.
Thủ tướng nhấn mạnh, khoa học-công nghệ là chìa khóa cho sự phát triển của các nước trong kỷ nguyên số, kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay; Việt Nam và Australia với những điểm mạnh bổ sung cho nhau có thể hợp tác để tận dụng các cơ hộ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và định hình tương lai của các ngành công nghiệp mới. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị CSIRO tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong nâng cao năng lực ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, sử dụng công nghệ cao.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ chuẩn bị tốt các điều kiện để tiếp thu những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm, tổ chức thực hiện có hiệu quả ở Việt Nam thời gian tới. Thủ tướng mong muốn sự hợp tác này thành công và chuyển giao được những công nghệ cần thiết trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện nay để chuyển giao cho Việt Nam nhiều sản phẩm giá trị gia tăng cao, góp phần đưa Việt Nam phát triển cùng Australia.
Được thành lập từ năm 1916 và là cơ quan nghiên cứu khoa học lớn nhất, có uy tín nhất của Australia hiện nay, CSIRO là chủ sở hữu của hơn 1.800 bằng sáng chế, trong đó có những bằng sáng chế đã góp phần nâng cao vị thế khoa học công nghệ của Australia như: Mạng không dây WiFi, tiền polymer, giống lúa mạch BarleyMax, vắc xin phòng chống vi rút Hendra,... Theo đánh giá của Thomson Reuters năm 2016, CSIRO được xếp đứng thứ 20 trên thế giới về tổ chức nghiên cứu đổi mới sáng tạo nhất.
Trong những năm qua, CSIRO luôn coi Việt Nam là một đối tác quan trọng và đã triển khai thực hiện thành công nhiều dự án hợp tác nghiên cứu tại Việt Nam. Tiêu biểu nhất là dự án phát triển nguồn tài nguyên rừng bền vững dựa trên các loài Keo nhiệt đới. Ngoài ra, CSIRO đã hợp tác với các đối tác Việt Nam thực hiện thành công các dự án hỗ trợ khác như: Nâng cao tính bền vững của thức ăn cho nuôi trồng thuỷ sản, an ninh lương thực, quản lý tài nguyên nước, công cụ hỗ trợ chẩn đoán bệnh cúm gia cầm, thích ứng khí hậu thông qua phát triển đô thị bền vững…