Báo cáo với Đoàn công tác, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu bật những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng mà Bình Thuận đạt được sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII.
Nổi bật là tổng giá trị sản phẩm nội tỉnh (GRDP) theo giá hiện hành tăng qua từng năm (từ 47.155 tỷ đồng năm 2015 tăng lên 81.800 tỷ đồng năm 2020). Các ngành công nghiệp, du lịch, dịch vụ phát triển ổn định. Tổng thu nội địa (trừ dầu thô) trong 5 năm (2016-2020) ước đạt 35.426 tỷ đồng, vượt 14,46% mục tiêu kế hoạch 5 năm, tăng 133,4% so với kết quả thực hiện giai đoạn 2011-2015 (15.182 tỷ đồng). Kinh tế tư nhân phát triển nhanh, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển ổn định, tiếp tục thu hút một số nhà đầu tư lớn về du lịch, năng lượng.
Kinh tế - xã hội các vùng, các địa phương có nhiều chuyển biến tiến bộ. Hệ thống đô thị từng bước phát triển, tỷ lệ đô thị hóa tương đương với mức bình quân chung của cả nước (39%). Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới dự kiến đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 64/93 xã (68,8% số xã) đạt chuẩn nông thôn mới, mức sống người dân ngày càng được cải thiện.
Kinh tế biển phát triển khá đồng bộ cả về khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần đi đôi với phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch, bảo đảm quốc phòng - an ninh biên giới quốc gia trên vùng biển, đảo của tỉnh. Huyện đảo Phú Quý có sự phát triển bứt phá về mọi mặt, được công nhận huyện nông thôn mới vào đầu năm 2015.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng, công tác giáo dục chính trị tư tưởng được tăng cường, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị đạt kết quả tích cực. Ý thức tu dưỡng, rèn luyện của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức được nâng lên. Vai trò gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu được phát huy tốt hơn. Công tác tổ chức, cán bộ được thực hiện thận trọng, chặt chẽ, đúng quy định. Tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị được sắp xếp theo hướng tinh gọn theo Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) gắn với tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Tại buổi làm việc, Tỉnh ủy Bình Thuận kiến nghị một số nội dung cần tháo gỡ để tạo đà cho kinh tế xã hội tỉnh phát triển.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đánh giá cao những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận đạt được trong nhiệm kỳ qua. Mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức như tình hình dịch bệnh, biến đổi khí hậu..., Đảng bộ và nhân dân Bình Thuận đã có nhiều cố gắng vượt qua để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.
Về nhiệm vụ thời gian tới,Thường trực Ban Bí thư lưu ý tỉnh Bình Thuận cần tập trung rà soát lại vấn đề quy hoạch, đặc biệt là việc quản lý tài nguyên khoáng sản đất đai; chú ý công tác bảo vệ môi trường khu vực Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân tại huyện Tuy Phong. Tỉnh Bình Thuận cần chủ động hơn nữa công tác tích trữ nước, chống hạn hán, đảm bảo đủ nguồn nước cho người dân sử dụng và mùa khô; đẩy mạnh công tác giữ rừng và tăng độ che phủ rừng.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, Đảng bộ tỉnh phải quan tâm thường xuyên công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, chú trọng xây dựng đoàn kết nội bộ, thực hiện quy chế tập trung dân chủ… Bên cạnh đó, Đảng bộ tỉnh Bình Thuận tập trung rà soát, chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng bộ tỉnh theo đúng tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Nhân sự cho Đại hội phải đúng tiêu chuẩn, kiên quyết không lựa chọn những cán bộ có biểu hiện suy thoái chính trị, gây mất đoàn kết nội bộ, tham nhũng...