Thủ tướng thăm một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Ninh

Trước khi chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Tây Ninh, sáng 21/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm nông trường Thành Long tại huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.

Chú thích ảnh
Sáng 21/8/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm và làm việc tại nông trường TTC Thành Long 1 thuộc Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hoà tại xã Thành Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Trước đó, Thủ tướng đã tới thăm dự án nhà máy chế biến nông sản Tanifood tại huyện Gò Dầu. Đây là hai mô hình tiêu biểu cho định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Tây Ninh nhằm nâng cao sức cạnh tranh và xác lập hướng đi lâu dài của địa phương còn nhiều khó khăn này.

Nông trường Thành Long, xã Thành Long, huyện Châu Thành hiện đang trồng 1.000 ha mía đường nguyên liệu bằng sử dụng công nghệ chính xác, trồng mía, tưới, bón phân tự động qua phần mềm, xử lý cỏ bón phân bằng cơ giới. Khâu thu hoạch được bằng máy hiện đại với mỗi máy thay thế 800 công lao động. Nông trường đang liên kết với các HTX để trồng mía đường, mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân nên đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy sản xuất đường.

Chúc mừng những thành công của Nông trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao mô hình sản xuất hiện đại, vừa cơ giới hóa, vừa ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, sản xuất quy mô lớn với hạ tầng đồng bộ, gắn kết được với người nông dân và hợp tác xã. Qua đó, giúp năng suất mía đạt mức cao, chất lượng tốt, hiệu quả vượt trội so với sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất ra sản phẩm đường organic có giá trị cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Thủ tướng cho biết Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm đến ngành mía đường, trong đó sẽ đẩy mạnh chống buôn lậu và gian lận thương mại, nhất là tại An Giang. Cùng với yêu cầu lãnh đạo tỉnh Tây Ninh tạo điều kiện thuận lợi cho Nông trường hoạt động thuận lợi, Thủ tướng cho biết, Chính phủ tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai đầu tư, sản xuất lâu dài, phát huy nguồn lực, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư, trong đó có các doanh nghiệp mía đường.

Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu mô hình của Nông trường Thành Long để, từ đó, rút kinh nghiệm trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hình thành chuỗi giá trị trong ngành mía đường với quy mô lớn, hiện đại, nâng cao sức cạnh tranh.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Nhà máy Tanifood, Công ty cổ phần Lavifood tại huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Trước đó, Thủ tướng đã tới thăm Nhà máy chế biến nông sản Tinafood. Đây là một dự án do Công ty Lavifood làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công xây dựng từ giữa năm ngoái trên diện tích 15 héc-ta, vốn đầu tư 1.500 tỉ đồng, gồm dây chuyền sản xuất trái cây, rau quả tươi, xử lý nhiệt với công nghệ hiện đại của thế giới và đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 11/2018, nhà máy sẽ tiêu thụ 500 tấn nguyên liệu/ngày với các mặt hàng xoài, danh dây, dứa, thanh long…

Báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác, lãnh đạo nhà máy cho biết, đây là mô hình chuỗi giá trị từ sản xuất tới tiêu thụ với sự liên kết 6 nhà theo thông điệp được Thủ tướng nhiều lần nêu ra. Nhà máy có dây truyền sản xuất với công nghệ chế biến sâu hiện đại, thuộc top những nhà máy đứng đầu Châu Á, đảm bảo tiêu thụ toàn bộ nguyên liệu cho nông dân của Tây Ninh tham gia chuỗi giá trị này, góp phần tránh tình trạng được mùa mất giá, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Lãnh đạo công ty cũng cho biết, dự kiến ngay khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ ký hợp đồng xuất khẩu trị giá khoảng 100 triệu USD.

Vui mừng về những định hướng phát triển quan trọng của Công ty TNHH Tanifood, một dự án quy mô hiện đại đầu tiên của cả nước trong lĩnh vực chế biến sâu các mặt nông sản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dư địa phát triển lĩnh vực nông nghiệp của nước ta còn rất lớn, nhất là trong bối cảnh nhu cầu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao ngày càng cao. Do đó, Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của những nhà sáng lập Tinafood, mạnh dạn đầu tư vốn lớn để xây dựng nhà máy chế biến nông sản với quy mô lớn và công nghệ hiện đại của thế giới.

Thủ tướng cho rằng, khi nhà máy đi vào hoạt động hiệu quả, sẽ góp phần thực hiện thông điệp mà Thủ tướng đưa ra tại Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp được tổ chức mới đây, đó là trong 10 năm tới, ngành nông nghiệp Việt Nam đứng vào tốp 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng vào tốp 10 thế giới. Thủ tướng đánh giá, nếu cả nước có nhiều nhà máy như Tinafood và hoạt động hiệu quả sẽ mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn từ hàng nông sản chế biến.

Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh Tây Ninh hỗ trợ nông dân để chuẩn bị tốt nguồn nguyên liệu cho nhà máy, tránh tình trạng nhà máy xây dựng xong không có nguyên liệu. Cùng với đó phải đảm bảo giá cả thu mua ổn định cho người nông dân.

Bên cạnh đó, lãnh đạo nhà máy cần nghiên cứu thị trường thế giới để khi đi vào hoạt động, có thể xuất khẩu mang lại doanh thu lớn. Thủ tướng cũng đề nghị lãnh đạo Tinafood nghiên cứu nhu cầu và cung ứng sản phẩm cho thị trường 100 triệu dân trong nước; chuẩn bị các phương án phân phối hợp lý trong chuỗi giá trị để đảm bảo lợi ích cho người nông dân, giúp người nông dân gắn bó với nhà máy. Trong quá trình sản xuất cần gắn với các hợp tác xã và hộ nông dân trên địa bàn tỉnh.

Nhân dịp công tác tại Tây Ninh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm hỏi, tặng quà Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Văn Điền (Mười Thương), nguyên là cán bộ an ninh tỉnh Tây Ninh – người nổi tiếng trong và ngoài nước với ba lần ám sát hụt Ngô Đình Diệm, án tử hình treo trên đầu, qua hết nhà tù này tới nhà tù khác của địch.

Quang Vũ - Thanh Tân (TTXVN)
Nông nghiệp công nghệ cao: Năng suất tăng 40 lần, chi phí giảm 35%
Nông nghiệp công nghệ cao: Năng suất tăng 40 lần, chi phí giảm 35%

Ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Đơn cử, nuôi tôm thẻ chân trắng đạt 40 tấn/ha, gấp 40 lần so với sản xuất đại trà, chi phí sản xuất giảm 30 - 35% so với quy trình cũ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN