Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới diễn ra ngày 19/10, tại Nam Định, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBDN tỉnh Nam Định tổ chức.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nhìn lại 9 năm qua, thấy rằng đây là một chương trình rất đúng, rất trúng, đi vào lòng người, khai thác được sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị, kết hợp với sức mạnh của từng người dân tạo nên sức mạnh to lớn, toàn diện, lịch sử.
Theo đó là sự chuyển biến thay đổi nhận thức sâu sắc của cán bộ Đảng viên, toàn xã hội, của người dân về nông nghiệp - nông dân - nông thôn. "Trước đây là khu vực yếu thế, nhưng giờ đây khu vực này đã phát huy được tiềm năng, thế mạnh, là vị thế to lớn nếu biết khai thác, khơi dậy từ chính những người dân và toàn xã hội. Đặc biệt, vai trò của người dân là rất lớn trong quá trình xây dựng nông thôn mới" - Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, Chương trình đã huy động được nguồn lực lớn với 2,4 triệu tỷ đồng, tương đương mỗi năm huy động gần 10 tỷ USD cho phát triển các thiết chế hạ tầng, sản xuất, đời sống, văn hoá, xã hội... "Chính vì vậy, bộ mặt nông nghiệp nông thôn Việt Nam thay đổi đáng kể, xanh hơn, đẹp hơn, sạch hơn. Nhiều nơi thay đổi đến ngỡ ngàng. Như vậy, sức dân đóng vai trò to lớn trong thành công này. Có thể kể đến việc làm hàng vạn km đường giao thông nông thôn mà không mất một đồng nào, người dân sẵn sàng hiến đất, hiến cả nhà, ngày công, tiền bạc..." - Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra các điểm hạn chế của Chương trình cần phải rút kinh nghiệm. Cụ thể, sự chỉ đạo chưa đồng bộ, có nơi cấp uỷ chính quyền chưa sát sao, chưa quyết liệt làm cho bức tranh phát triển không đồng đều; chênh lệch vùng miền thể hiện rõ, điều này cho thấy sự phân bổ nguồn lực, phương thức chỉ đạo, cách thức huy động chưa phù hợp. Ví dụ, khu vực "3 Tây" (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ) còn rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng nông thôn mới. Do đó, việc này cần tập trung hơn nữa, có sự chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, đặc biệt là phân bổ nguồn lực đúng mức hơn.
Bên cạnh đó, nguồn lực đầu từ ngân sách đầu tư cho chương trình còn nhỏ, nhất là giai đoạn 2010 - 2015; chưa tạo nên nhân tố thúc đẩy, đặc biệt là các vùng còn nhiều khó khăn. Bộ tiêu chí đã chỉnh sửa xong còn nhiều nội dung chưa phát huy tính sáng tạo, chưa phù hợp với tính đặc trưng từng vùng, cộng đồng và tiến trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tới đây phải làm quyết liệt, tập trung hơn vì giai đoạn này khó khăn hơn. 10 năm tới còn nhiều vấn đề, cần phát huy thành quả 10 năm qua, cùng với thành quả 33 năm đổi mới, đặc biệt thời đại cuộc Cách mạng 4.0 và tiến trình hội nhập quốc tế.
Chính vì vậy, Thủ tướng cũng đưa ra phương châm đó là tận dụng tối đa các cơ hội phát triển, hạn chế tối đa các nhân tố bất lợi và biến nguy cơ thành cơ hội. Tiếp tục coi nông nghiệp - nông dân - nông thôn là thế mạnh, bởi vẫn còn nhiều dư địa phát triển, là lợi thế trong quá trình phát triển và hội nhập. Cuối cùng, phải mạnh dạn, quyết tâm đặt mục tiêu cao hơn. Các địa phương phải đi tiên phong để phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, đặc biệt phải xây dựng vùng nông thôn xanh - sạch - đẹp và bản sắc đáng sống ở nông thôn.
Thủ tướng cũng đưa ra các nhóm giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới là tiếp tục hoàn thiện đảm bảo thống nhất các cấp để có đội ngũ các bộ chuyên tập trung cho tham mưu cho Ban chỉ đạo. Hoàn thiện bộ tiêu chí theo hướng tạo khuôn khổ, định hướng cho các địa phương phát huy tính chủ động, sáng đạo cao nhất, để đạt kết quả cao nhất.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Các địa phương không được chủ quan, thoả mãn với kết quả ban đầu này. Phải luôn nhất quán, quan điểm xây dựng nông thôn mới là mới cho điểm đầu, chưa và không có điểm kết thúc. Đồng thời, yêu cầu các địa phương phát động, hưởng ứng phong trào thi đua cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025".
Thủ tướng cũng đưa ra 4 vấn đề cốt lõi là không ngừng nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn; Xây dựng miền quê đáng sống xanh - sạch - đẹp; Tiếp tục bảo tồn, phát triển song hành giữa văn hoá, nét đẹp văn hoá của người dân trong quá trình phát triển; Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị, các đoàn thể xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng không ngừng vững mạnh để phục vụ nông dân.
Đồng Nai là địa phương đi đầu cả nước trong chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh đã có 100% số xã và huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) cho biết: đến nay, diện mạo nông thôn mới tại Xuân Lộc đã thật sự khởi sắc. Cụ thể, hệ thống giao thông được hoàn thiện, đời sống người dân không ngừng nâng cao...
Thời gian qua, Xuân Lộc đã huy động được 23.000 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới; trong đó, người dân đóng góp hơn 21.000 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực giao thông, huyện đã huy động được hơn 1.400 tỷ đồng, xây dựng gần 600 km đường giao thông nông thôn. Đặc biệt, thu nhập của người dân đã tăng từ 11,8 triệu đồng/người năm 2010 lên gần 55 triệu đồng/người vào năm 2018.
Theo bà Cát Tiên, đầu năm 2019, Xuân Lộc đã được chọn làm huyện thí điểm thực hiện huyện nông thôn mới kiểu mẫu; phấn đấu đến năm 2025, Xuân Lộc sẽ cơ bản đạt được chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Theo đó, huyện sẽ huy động nguồn lực để đầu tư nâng cấp quy mô sản xuất, liên kết sản xuất, xây dựng các mô hình kiểu mẫu. Đồng thời, chọn 1 xã (Xuân Định) làm thí điểm; quy hoạch 4 tiểu vùng trồng cây tập trung phù hợp; hình thành các vùng chuyên canh có giá trị kinh tế cao; đầu tư hệ thống giao thông, điện...
Đánh giá về Chương trình xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Chương trình đã hình thành được một hệ thống bộ máy chỉ đạo, điều hành, quản lý, giúp việc đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đồng thời đã hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách thực hiện, tạo nền tảng vững chắc để tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình trong giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, Chương trình đã huy động được sự tham gia mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và đặc biệt là sự hưởng ứng rộng khắp của cộng đồng dân cư nông thôn; Tạo nền tảng và cơ hội để gắn kết thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và đặc biệt là thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp nói riêng.
Đáng chú ý, Chương trình đã mang lại diện mạo mới cho khu vực nông thôn, nhiều vùng quê nông thôn trở thành nơi đáng sống. "Chương trình đã trở thành nhiệm vụ chính trị của tất cả các địa phương trên cả nước, gắn chặt với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và là cơ sở thúc đẩy đô thị hóa nông thôn, tăng cường kết nối nông thôn - đô thị. Chương trình được triển khai là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đóng vai trò quyết định trong việc không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn" - Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nổi bật nhất là hạ tầng giao thông nông thôn, sau hơn 9 năm, cả nước đã xây dựng mới và nâng cấp được trên 206.743 km đường giao thông, nâng tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa lên 68,7%; Hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn thiện, đồng bộ góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất và thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở các địa phương.
Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập của người dân đô thị, tăng 2,78 lần từ mức 12,8 triệu đồng/người (năm 2010) lên mức 35,88 triệu đồng/người (năm 2018); khoảng cách về thu nhập giữa nông thôn và thành thị cũng giảm từ 2,1 lần (năm 2010) xuống còn 1,8 lần (năm 2018). Đồng thời, tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh (giảm bình quân 1,5%/năm), và đến nay chỉ còn 7,38%...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2020 là cả nước có ít nhất 15 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Có 40% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; không còn xã dưới 10 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
80% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí nông thôn mới áp dụng đối với cấp thôn theo quy định. Đặc biệt, chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng kiến nghị với Quốc hội ưu tiên bố trí tăng nguồn lực hỗ trợ thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 để đảm bảo hỗ trợ được các địa phương vùng khó khăn, đặc thù có đủ nguồn lực để đạt chuẩn nông thôn mới, cũng như hỗ trợ các địa phương đã đạt chuẩn tiếp tục phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.