Tại hội nghị trực tuyến tổng kết ngành năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 3/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2019, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP trên 3%, giá trị sản xuất trên 3,11%. Kim ngạch xuất khẩu trên 43 tỷ USD. Có 50% xã và ít nhất 70 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ che phủ rừng trên 41,85%. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải quán triệt toàn ngành, tìm mọi cách, phát huy mọi sáng tạo, xóa bỏ những thể chế lạc hậu để toàn ngành đạt kết quả cao hơn các mục tiêu đã đề ra.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải cơ cấu lại ngành mạnh mẽ hơn gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; trong đó, chú trọng phát triển cơ cấu sản phẩm theo 3 trục sản phẩm. Cùng với đó là làm tốt hơn nữa việc phát triển thị trường, dự báo tốt cung - cầu, đặc biệt là xây dựng thương hiệu, thị trường nông lâm thủy sản Việt Nam. Trong xây dựng nông thôn mới, các địa phương không được chú trọng hình thức, phải chú trọng tiêu chí thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Cơ cấu sản xuất gắn với thị trường
Năm 2018, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã hoàn thành và vượt 5/5 chỉ tiêu. Đó là, GDP nông lâm thủy sản tăng 3,76%, đạt mức cao nhất trong 7 năm gần đây. Giá trị sản xuất tăng 3,86%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,65%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 42,4%, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 40,02 tỷ USD.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, kết quả trên là thành quả của đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ cơ chế, cải cách thủ tục hành chính, khai thông thị trường. Điều này đã tạo môi trường thuận lợi, tăng niềm tin, phát huy cao độ tinh thần lao động của nông dân, thu hút doanh nghiệp đầu tư và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp hướng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn… và nỗ lực, hành động quyết liệt, sáng tạo, đổi mới, bứt phá, sát thực tiễn trong thực hiện cơ cấu lại và xây dựng nông thôn mới của Bộ và toàn ngành ngay từ những ngày đầu năm.
Năm 2018, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu. Đồng thời, kịp thời nhận định, linh hoạt thích ứng với diễn biến thị trường nông sản; kiểm soát sản xuất an toàn. Ngành đã từng bước khắc phục những yếu kém nội tại của sản xuất nhỏ trước đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Do đó, ngành đã đạt được kết quả cao, toàn diện, tạo sự chuyển biến rõ nét, thực chất hơn về 3 đột phá chiến lược, cơ cấu lại ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới.
Cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh phù hợp, hiệu quả hơn và gắn với nhu cầu thị trường. Mùa vụ, cơ cấu giống chất lượng cao, cơ cấu sản phẩm chủ lực có lợi thế của địa phương, vùng miền chuyển dịch theo nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc sản xuất được tổ chức theo chuỗi giá trị. Vì vậy, sản lượng nhiều loại nông sản chủ lực giá trị gia tăng cao tăng mạnh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và gia tăng xuất khẩu.
Với đặc điểm của địa phương, ông Nguyễn Đình Khang, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Nam cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong chuyển đổi, đưa hộ nông dân vào những liên kết chuỗi với sự tham gia của doanh nghiệp. Hiện Hà Nam đã có nhiều chuỗi trong chăn nuôi lợn, gia cầm… gắn với tiêu thụ, chế biến sản phẩm. Để thu hút được doanh nghiệp có uy tín vào nông nghiệp như Vinaseed, Vingroup..., Hà Nam đã tập trung thí điểm tập trung đất đai.
Một điểm nhấn trong năm 2018 của ngành nông nghiệp là các địa phương đã tổ chức các biện pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản kịp thời thông qua các hội nghị, lễ hội, diễn đàn kết nối tiêu thụ và quảng bá nông sản. Cùng đó, đã giảm thiểu tình hình ứ đọng sản phẩm, giảm thiệt hại cho người sản xuất.
Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản tiếp tục được nâng cao năng lực, chế biến sâu. Năm 2018, có 16 nhà máy chế biến rau quả, thịt lợn, gia cầm hiện đại với tổng mức đầu tư khoảng 8.700 tỷ đồng được khởi công và khánh thành. Điều này đã giúp sản xuất cung ứng nông sản với chất lượng cao hơn, mức tổn thất nông sản đã giảm đáng kể.
Năm qua, thị trường tiêu thụ nông sản được mở rộng, xuất khẩu đạt kỷ lục mới, thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Nhờ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thị trường, nhất là những thị trường lớn và các mặt hàng thịt bò, sữa vào Malaysia; thịt lợn, gà, trứng vào Singapore; thịt lợn, sữa, thủy sản, gạo vào Trung Quốc; thịt gà vào Nhật Bản, thịt lợn đông lạnh vào Myanmar; vú sữa vào Hoa Kỳ; chôm chôm vào New Zealand; chanh leo vào EU...
Năm 2018, có 2.200 doanh nghiệp nông nghiệp thành lập mới, tăng 12,3% so với năm 2017, tổng số doanh nghiệp nông nghiệp cả nước 9.235 doanh nghiệp. Cả nước có 13.400 hợp tác xã nông nghiệp. Nhờ đó, các hình thức tổ chức sản xuất liên kết chuỗi được tăng cường.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nông nghiệp, nông thôn nước ta vẫn còn những hạn chế, yếu kém và nhiều thách thức cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương. Việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngành cũng chưa giải quyết dứt điểm việc gỡ “thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản. Thiên tai, bão, lũ, sạt lở bờ sông, bờ biển tiếp tục được dự báo diễn ra nghiêm trọng hơn, trong khi nguồn lực còn rất hạn chế sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, duy trì tăng trưởng ngành và nâng cao giá trị xuất khẩu.
Phát triển thị trường tiêu thụ
Năm 2019 là năm có ý nghĩa quan trọng, bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2016 – 2020. Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, ngành nông nghiệp xác định và hướng tới “Xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biển đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh”.
Để đạt được mục tiêu đề ra, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở cửa thị trường và tận dụng những ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do đem lại.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ ra bài học từ ngành hàng sữa đã vào được thị trường Trung Quốc thì không có lý do gì các ngành hàng khác không vào được. Do vậy, chất lượng sản phẩm là điều kiện tiên quyết để chúng ta chinh phục thị trường, thậm chí ngay tại thị trường trong nước chứ không phải thị trường khai thác.
“Xây dựng thương hiệu dựa trên chất lượng sản phẩm phải được coi là yếu tố hàng đầu. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao hay tổ chức lại sản xuất tất cả đều phải hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn manh.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành sẽ tiếp tục cơ cấu lại và đẩy mạnh sản xuất, chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Ngành rà soát, đánh giá lợi thế, tiềm năng để xây dựng, phát triển cơ cấu sản phẩm theo 3 trục sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu để có giải pháp chỉ đạo phù hợp; đồng thời, chú trọng phát triển thị trường tiêu thụ kịp thời, hiệu quả.
Phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản, ưu tiên chế biến tinh, chế biến sâu, nhất là các sản phẩm chủ lực như trái cây, cây công nghiệp, gỗ và lâm sản, tôm, cá tra, thịt lợn... và sản xuất các sản phẩm từ phụ phẩm nông nghiệp tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.
Để phát triển mạnh thị trường tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu, ngành tích cực xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường xuất khẩu. Cùng đó, triển khai hiệu quả cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do đem lại, nâng cao chất lượng phân tích dự báo thị trường, đặc biệt là những thị trường trọng điểm; tập trung đàm phán tháo gỡ các rào cản thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Ngành cũng sẽ đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước, dự báo và xây dựng phương án hỗ trợ tiêu thụ kịp thời nông sản cho người dân.