Vẫn còn nhiều mặt yếu kém
Nhìn lại kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch của năm 2018, mặc dù có những thành tựu đáng mừng, song theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngành nông nghiệp nước ta vẫn còn những hạn chế, yếu kém và nhiều thách thức cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.
Theo đó, vấn đề thứ nhất là cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương; tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa trở thành phổ biến, kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao và tiếp tục bộc lộ những hạn chế, yếu kém cản trở quá trình sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Công nghiệp chế biến sâu chưa phát triển, lợi thế cạnh tranh năng suất lao động thấp, tổn thất sau thu hoạch còn cao.
Thứ hai là thị trường tiêu thụ ngày càng biến động, nguy cơ rủi ro, trong khi năng lực quản trị, công tác dự báo cung, cầu còn bất cập. Việc “giải cứu” thịt lợn, giá thịt lợn có thời điểm tăng rất cao là bài học sâu sắc trong công tác chỉ đạo. Chưa giải quyết dứt điểm việc gỡ “Thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản.
Thứ ba, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, quản lý ATTP vẫn rất khó khăn, phức tạp.
Thứ tư, khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền khá lớn.
Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2019 là năm có ý nghĩa quan trọng, bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2016 – 2020. Trong năm nay, ngành nông nghiệp sẽ phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biển đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh.
Trong năm 2019, toàn ngành nông nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP trên 3,0%, giá trị sản xuất trên 3,11%; kim ngạch xuất khẩu trên 43 tỷ USD; có 50% xã và ít nhất 70 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng trên 41,85%.
Các chỉ tiêu chủ yếu đều vượt kế hoạch
Bên cạnh những hạn chế cần khắc phục, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, năm 2018, ngành nông nghiệp đã đạt được kết quả cao, toàn diện, tạo sự chuyển biến rõ nét, thực chất hơn về 3 đột phá chiến lược, cơ cấu lại ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới.
Các chỉ tiêu chủ yếu đều vượt kế hoạch cả năm và cao hơn năm trước. GDP nông lâm thủy sản tăng 3,76%, đạt mức cao nhất trong 7 năm gần đây. Giá trị sản xuất tăng 3,86%, tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,65%, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 42,4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 40,02 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2017, thặng dư thương mại đạt 8,72 tỷ USD.
Về lĩnh vực trồng trọt, các địa phương đã chuyển 105.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả và các cây màu, cây làm thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, một số sản phẩm chăn nuôi bước đầu đã xuất khẩu, như thịt lợn đông lạnh chính ngạch sang Myanmar, thịt gà sang Nhật Bản. Tổng sản lượng thịt hơi 5,36 triệu tấn, tăng 3,2% so với năm 2017. Giá trị sản xuất chăn nuôi tăng 3,98%, cao hơn mục tiêu đề ra (2,1%).
Ở lĩnh vực thủy sản, tổng sản lượng thủy sản đạt 7,75 triệu tấn, tăng 6,1%; trong đó khai thác đạt 3,6 triệu tấn, tăng 5,3%, nuôi trồng đạt 4,15 triệu tấn, tăng 6,7%. Giá trị sản xuất tăng 6,5%, vượt mục tiêu đề ra (5,29%).
Với ngành lâm nghiệp, Việt Nam và EU đã chính thức ký kết VPA/FLEGT về nguồn gốc gỗ hợp pháp. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC là 245.061 ha, tăng 110.081 ha so với năm 2015. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,65%; sản lượng gỗ khai thác trong nước đạt 12,8 triệu m3, là những chỉ tiêu đạt cao nhất từ trước đến nay. Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 6,10%.
Bên cạnh đó, trong năm, ngành nông nghiệp đã tổ chức 15 hội chợ triển lãm về nông nghiệp. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thị trường, nhất là những thị trường lớn và các mặt hàng thịt bò, sữa vào Malaysia; thịt lợn, gà, trứng vào Singapore; thịt lợn, sữa, thủy sản, gạo vào Trung Quốc; thịt gà vào Nhật Bản, thịt lợn đông lạnh vào Myanmar; vú sữa vào Hoa Kỳ; chôm chôm vào New Zealand; chanh leo vào EU... Hầu hết nông sản được tiêu thụ kịp thời, giá ở mức có lợi cho nông dân.
Trong xây dựng nông thôn mới, đã giải quyết dứt điểm nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, cả nước có 3.787 xã (42,4%) và 61 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 718 xã (8,05%) và 18 huyện so với năm 2017.