Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Thống Nhất/TXVN |
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh công trình sách "Ký ức người lính" là việc làm có tính nhân văn và ý nghĩa chính trị, xã hội rộng lớn, đặc biệt là đối với việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân và quân đội ta; đồng thời đây cũng là những tư liệu quý về lịch sử dân tộc.
Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ Thông tin và Truyền thông, từ năm 2012, công trình sách "Ký ức người lính" đã được các cơ quan, ban, ngành tổ chức thực hiện với nhiều hoạt động hết sức ý nghĩa như: Phát động phong trào viết và kể lại những chiến công, kỳ tích, kỷ niệm sâu sắc trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước; tập hợp, xuất bản sách “Ký ức người lính”, triển lãm, giao lưu truyền hình và hỗ trợ nhân đạo thông qua quỹ Nghĩa tình đồng đội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và cán bộ Ban chỉ đạo. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Công trình sách "Ký ức người lính" là việc làm có tính nhân văn và ý nghĩa xã hội rộng lớn, nhằm lưu giữ và làm phong phú thêm giá trị lịch sử và văn hóa của dân tộc, truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân và quân đội ta trong các cuộc kháng chiến. Cũng qua đó, đóng góp vào công tác nghiên cứu lịch sử, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ tiếp tục phát huy truyền thống và bản sắc tốt đẹp của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tồ quốc trong thời đại mới.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, đến hết năm 2017, Ban Chỉ đạo đã xuất bản được 5 tập "Ký ức người lính", mỗi tập phát hành 2.000 cuốn trên phạm vi cả nước và sẽ xuất bản 2 tập tiếp theo trong năm 2018. Ban tổ chức công trình đã cùng với Ban liên lạc Hội bạn chiến đấu Cựu Chiến binh Sư đoàn 5 Miền Đông Nam bộ tiến hành xây 44 nhà Nghĩa tình đồng đội tặng 40 cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn 12 tỉnh, thành phố phía Bắc và 4 gia đình có công giúp bộ đội trong chiến tranh ở 3 tỉnh phía Nam; cùng với thân nhân liệt sỹ tìm và đưa 42 hài cốt liệt sỹ từ chiến trường về quê và nhiều hoạt động nghĩa tình khác.
Từ nay đến 2025 và những năm tiếp theo, Ban Chỉ đạo phấn đấu mỗi năm xuất bản ít nhất 2 tập sách "Ký ức người lính"; triển khai phiên bản điện tử để bạn đọc trong và ngoài nước thuận lợi hơn trong tiếp cận với tác phẩm. Cùng với đó là tiếp tục kêu gọi, tổ chức và thực hiện các hoạt động nhân đạo và tìm liệt sỹ trên phạm vi cả nước.
Tại buổi gặp mặt, các tướng lĩnh, Anh hùng lực lượng vũ trang, các cựu chiến binh thành viên Ban Chỉ đạo nhắc lại nhiều câu chuyện cảm động được viết, được kể về những con người “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc thông qua các câu chuyện trong hành trình các tập sách “Ký ức người lính". Cũng qua những tập sách đặc biệt này, giới thiệu nhiều gương sáng trong cuộc sống hiện tại vẫn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, giữ vững niềm tin, động viên, giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn, cùng với thế hệ trẻ hôm nay viết tiếp bản hùng ca người lính trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bày tỏ cảm động gặp gỡ những tướng lĩnh, cựu chiến binh, những Anh hùng Lực lượng vũ trang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Ban chỉ đạo đã thực hiện thành công công trình sách “Ký ức người lính” với hệ thống tổ chức bài bản và bước đầu đã sưu tầm, xuất bản được những tác phẩm đáng quý, góp phần tôn vinh những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong kháng chiến cũng như trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng cũng đánh giá cao sự vượt khó, quyết tâm của các thành viên Ban Chỉ đạo trong việc tìm kiếm, gặp gỡ phục vụ sưu tầm những trang ký ức, kỷ niệm của người lính và nhân dân trên khắp các vùng miền của cả nước để hình thành nên các tập sách. Thủ tướng cho rằng, chính hoạt động của Ban Chỉ đạo cũng là việc làm thể hiện chính sách hậu phương quân đội của Đảng, Nhà nước ta.
Với ý nghĩa to lớn đó, Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo công trình sách "Ký ức người lính" cần tiếp tục triển khai sâu rộng hơn, đa dạng hơn hoạt động liên quan đến công trình; trong đó, chú ý thẩm định kỹ nội dung, đảm bảo tính trung thực, điển hình phục vụ mục đích giáo dục truyền thống.
Ghi nhận và tán thành phương hướng hoạt động của Ban Chỉ đạo đến năm 2025, Thủ tướng đề nghị các ngành chức năng, địa phương, đặc biệt là Bộ Quốc phòng tạo điều kiện hơn nữa, ủng hộ Ban Chỉ đạo trong việc triển khai các hoạt động liên quan. Đồng ý với các kiến nghị tại buổi gặp gỡ, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ xem xét, thực hiện trên tinh thần xã hội hóa mạnh mẽ nhằm đưa công trình đem lại ý nghĩa chính trị, xã hội cao nhất.