Dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, đơn vị liên quan.
Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thế giới nói chung, ngay như các nước chung quanh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... có biện pháp chống dịch rất quyết liệt, có nền y học tiên tiến, song cũng bị tác động bởi chủng virus mới Omicron, Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Trong những biện pháp phòng, chống dịch thì vaccine, thuốc điều trị và ý thức của người dân có tính chất rất cơ bản, quan trọng. Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai chiến lược vaccine trong nhiều tháng nay, vừa qua bổ sung thêm vấn đề thuốc điều trị. Công việc này có khối lượng, quy mô lớn, lại tiến hành trong thời gian ngắn, chưa có tiền lệ nên có khó khăn, lúng túng.
Cuộc họp này nhằm đánh giá toàn diện về vấn đề nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19 ở trong nước; đồng thời bàn giải pháp, nhiệm vụ tiếp tục triển khai bài bản, khoa học, kịp thời hơn nữa trong vấn đề chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine và thuốc điều trị COVID-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chủ trương, chính sách của Chính phủ đều nhất quán, quyết liệt, tích cực; việc thực hiện phải đảm bảo an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả; tổ chức thực hiện phải đồng bộ, thông suốt, liên thông, mang lại hiệu quả.
“Chính phủ rất sốt ruột về vấn đề trên trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Chúng ta phải rút ngay kinh nghiệm trong đợt tiêm chủng vừa qua từ bảo quản, vận chuyển, tổ chức tiêm, liên quan hạn sử dụng vaccine”, Thủ tướng bày tỏ.
Thủ tướng yêu cầu, đến ngày 15/12 này phải kết thúc cơ bản tiêm xong mũi 2 cho người 18 tuổi trở lên; tính toán, xác định đối tượng cần phải tiêm mũi 3; tính toán khi nào hoàn thành tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên, khi nào bắt đầu tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi vì không phải loại vaccine nào cũng tiêm được cho trẻ em như hiện nay...
Theo Bộ y tế, tổng số vaccine đã nhận và dự kiến tiếp nhận đến hết năm 2021 từ các nguồn mua, viện trợ, tài trợ đã có cam kết là khoảng 211 triệu liều; số vaccine đã tiếp nhận đến hết ngày 3/12 là hơn 150 triệu liều. Hiện nay, Việt Nam đang chuyển giao công nghệ nghiên cứu, thử nghiệm các loại vaccine phòng COVID-19 gồm: Nanocovax, COVIVAC, ARCT-154, HIPRA, Sputnik V, Shionogi và một số loại vaccine của Cuba, Ấn Độ...
Cùng với đó việc nghiên cứu thuộc điểu trị COVID-19 cũng đã được tiến hành từ năm 2020 cả các nghiên cứu thuốc điều trị đặc hiệu và điều trị triệu chứng. Đáng chú ý hiện có 06 nhà máy trong nước nộp hồ sơ đăng ký thuốc điều trị COVID-19 với năng lực sản xuất ít nhất 1 triệu liều/ngày, nếu được cấp phép đáp ứng nhu cầu thuốc Molnupiravir cho công tác phòng, chống dịch của cả nước.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận sâu sắc về nhu cầu vaccine, khả năng đáp ứng vaccine (gồm nguồn nhập khẩu, viện trợ và sản xuất trong nước); kế hoạch tiêm vaccine cho từng đối tượng; nhu cầu, khả năng sản xuất thuốc điều trị COVID-19; những khó khăn, vướng mắc, đề xuất cơ chế để nhập khẩu, sản xuất vaccine và thuốc điều trị COVID-19 đảm bảo đủ nguồn phục vụ phòng, chống dịch.
Báo Tin tức tiếp tục cập nhật thông tin về cuộc họp này.