Bày tỏ vui mừng về thay đổi mạnh mẽ trong bộ mặt nông thôn qua chương trình xây dựng nông thôn mới và các công trình xây dựng, phát triển đô thị quy mô lớn trên cả nước, Thủ tướng cho rằng, sự thay đổi không chỉ ở thành thị mà thay đổi cả nông thôn. Đó là một đóng góp rất lớn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Xây dựng cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét: Trong nhiệm kỳ 5 năm qua, ngành Xây dựng có bước phát triển mạnh trên nhiều lĩnh vực từ thiết kế đến thi công xây lắp, sản xuất vật liệu xây dựng phát triển với tốc độ nhanh theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu cả về khối lượng, chất lượng, chủng loại cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Doanh nghiệp xây dựng phát triển cả về số lượng và chất lượng, làm chủ được nhiều công nghệ tiên tiến với các loại hình khác nhau từ công trình ngầm dưới lòng đất cho tới các tòa nhà cao tầng thi công với các loại vật liệu, thiết bị, máy móc hiện đại. Tốc độ tăng trưởng của ngành Xây dựng đạt khoảng 8,7% năm. Gần như các thị tứ, thị trấn, thành phố, những đô thị lớn như Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng... tốc độ phát triển rất lớn. Thủ tướng cũng vui mừng vì tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung ước đạt 90 %.
Công tác quản lý đầu tư xây dựng có chuyển biến tích cực như chất lượng thẩm định dự án, thiết kế và dự toán xây dựng. Đặc biệt, Bộ đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổ chức thực hiện Đề án hoàn thiện hệ thống định mức giá xây dựng và Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, qua đó tạo ra sự đột phá trong việc nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng, tiết kiệm nguồn vốn đầu tư, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đầu tư xây dựng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng ghi nhận thành tích của Bộ Xây dựng trong quản lý thị trường bất động sản, đảm bảo phát triển đúng hướng. Trong nhiệm kỳ vừa qua, không có tình trạng "bong bóng bất động sản" – một trong những nguyên nhân gây khủng hoảng kinh tế trong quá khứ. Lĩnh vực công nghiệp vật liệu, xây dựng phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu. Trên thị trường vật liệu xây dựng đã xuất hiện một số sản phẩm vật liệu xây dựng được gắn sản phẩm xanh, thân thiện môi trường. Năng lực của đội ngũ quản lý kỹ thuật xây dựng ngày càng nâng cao. Đội ngũ doanh nghiệp trong ngành phát triển nhanh, làm chủ nhiều công trình tiến bộ; có năng lực khoa học công nghệ, đủ sức thiết kế thi công công trình dân dụng, công nghiệp có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Chỉ ra những điểm còn hạn chế của ngành Xây dựng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Ngành Xây dựng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn tình trạng khan hiếm nhà ở cho người lao động, cho công nhân. Còn cótình trạng một số đồ án quy hoạch chất lượng thấp, tầm nhìn công tác dự báo chưa hợp lý; một số dự án xây dựng còn vội vàng, phương án quy hoạch chưa được tính toán cụ thể. Tại một số địa phương, việc điều chỉnh quy hoạch đô thị chưa được kiểm soát chặt chẽ. Hệ thống đô thị cả nước phát triển nhanh về số lượng nhưng chất lượng còn thấp, chủ yếu là các đô thị loại nhỏ. Liên kết giữa các đô thị còn rời rạc, ảnh hưởng đến hiệu quả phát triển tổng thể của vùng và các hành lang kinh tế. Thủ tướng cũng lưu ý, việc quản lý vật liệu xây dựng khi xây dựng các công trình trong nội đô chưa ngăn nắp, gọn gàng, ảnh hưởng đến môi trường.
Giao nhiệm vụ cho ngành Xây dựng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến nội dung dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó xác định phương hướng của ngành Xây dựng giai đoạn 2021-2025 là: Nâng cao năng lực ngành Xây dựng, bảo đảm đủ sức thiết kế, thi công các công trình xây dựng hiện đại, phức tạp trong các lĩnh vực với mọi quy mô và có khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường hoạt động ra nước ngoài.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện thể chế về xây dựng là một công tác then chốt, xuyên suốt, đột phá. Vì vậy, cần có thể chế để “ngành Xây dựng bung lên, phát triển đúng hướng, mạnh mẽ hơn, từ đô thị phát triển đến xuất khẩu xây dựng”. Cùng với đó, là nhiệm vụ bảo đảm an toàn về nhà ở cho người dân trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia chịu hậu quả nặng nề từ biến đổi khí hậu. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì, cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng kết, đúc rút kinh nghiệm về triển khai xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam để chống lãng phí.
Nhấn mạnh chủ trương thay thế cát xây dựng, sử dụng tro xỉ các nhà máy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nếu không có vật liệu xây dựng thay thế thì tình hình sạt lở lòng sông, thiếu cát nghiêm trọng. Cần phát triển vật liệu xây dựng, tiết kiệm tài nguyên năng lượng, bảo vệ môi trường, có sản phẩm đa dạng, có chất lượng; hạn chế tối đa việc xuất khẩu vật liệu xây dựng, sử dụng tài nguyên không có khả năng tái tạo như xi măng.
Thủ tướng nhấn mạnh, xây dựng, phát triển nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến, hiện đại, có bản sắc văn hóa và kiến trúc dân tộc; triển khai thi hành Luật Kiến trúc, coi trọng kiến trúc đô thị, kiên trúc nông thôn. Đồng thời, xây dựng đội ngũ kiến trúc sư có tài năng, bản lĩnh và các công trình kiến trúc tiêu biểu, có giá trị cao; xây dựng Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030. Chống tham nhũng và tiêu cực trong ngành Xây dựng cần tiếp tục đẩy mạnh, nhất là các chủ đầu tư, các nhà thầu.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn ngành Xây dựng tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ quản lý xây dựng đô thị vì đô thị phát triển là xu hướng, là ngành kinh tế đô thị rất nổi tiếng, “không có đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thì chúng ta thất bại”.
Theo báo cáo, Bộ Xây dựng đã cơ bản hoàn thành 5 nhóm chỉ tiêu đề ra trong Kế hoạch 5 năm 2016-2020; trong đó, tốc độ tăng trưởng ngành Xây dựng bình quân 8,5 - 8,7%/năm. Tỷ lệ đô thị hóa ước đạt khoảng 40% vào cuối năm 2020. Đến thời điểm hiện tại, toàn quốc có 862 đô thị (năm 2015 là 787 đô thị). Khu vực đô thị đã thực sự trở thành động lực, đầu tàu phát triển kinh tế-xã hội của các vùng và cả nước, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước, chiếm tỷ trọng chi phối trong thu ngân sách, xuất khẩu, sản xuất công nghiệp.
Bộ Xây dựng đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thị trường bất động sản ổn định, lành mạnh; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đề án, thực hiện các giải pháp tái cơ cấu và kiểm soát thị trường bất động sản. Lần đầu tiên trong gần 6 năm liền, thị trường bất động sản phát triển ổn định, không có hiện tượng phát triển nóng, “bong bóng” hoặc trầm lắng, suy thoái, đóng góp quan trọng vào mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Thị trường bất động sản có sự phát triển, tăng trưởng cả về quy mô, cơ cấu hàng hóa và doanh nghiệp.
Hiện nay số vốn đăng ký và đang triển khai ở các dự án bất động sản khoảng 4,5 triệu tỷ đồng; thu hút vốn FDI trong 5 năm trở lại đây đạt khoảng 17,63 tỷ USD; đóng góp khoảng 0,4 điểm phần trăm trong tăng trưởng kinh tế; tổng thu liên quan đến xây dựng và bất động sản khoảng 11% GDP. Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc ước năm 2020 đạt 24 m2 sàn/người (xấp xỉ mục tiêu của kế hoạch đề ra là 25m2 sàn/người). Trong đó, phát triển nhà ở xã hội đạt 5,21 triệu m2, bằng khoảng 41,7% so với mục tiêu đề ra đến năm 2020 (tại Kế hoạch mục tiêu đến năm 2020 đạt 12,5 triệu m2).