Thông cáo chung Hội nghị APPF-26

Chiều 20/1, tại Hà Nội, Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26) kết thúc tốt đẹp. Các nghị viện thành viên tham dự APPF-26 đã ra Thông cáo chung. TTXVN trân trọng giới thiệu toàn văn Thông cáo:

Theo lời mời của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26) được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam, từ ngày 18 đến 21/1/ 2018 với sự tham dự của 354 đại biểu từ 20 quốc gia thành viên và 1 nước quan sát viên.

Hội nghị Nữ nghị sĩ APPF lần thứ 2 được tổ chức vào buổi sáng 18/1, trước khi khai mạc Hội nghị thường niên. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đã có bài phát biểu khai mạc, nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội nghị Nữ Nghị sĩ, một mạng lưới quan trọng gắn kết các nữ nghị sĩ để cùng thảo luận về bình đẳng giới, các vấn đề cùng quan tâm khác vì lợi ích phụ nữ và trẻ em gái.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với tuyên bố chung vừa được các quốc gia ký. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Cuộc họp lấy chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới vì phát triển bền vững và thịnh vượng chung”. Bà Trương Thị Mai, đại biểu Quốc hội Việt Nam đã có bài phát biểu đề dẫn. Các thành viên nhấn mạnh rằng các nghị sĩ cần phát huy vai trò của mình trong quá trình hoạch định chính sách, ở cấp toàn cầu, khu vực hay quốc gia, trong nhiều lĩnh vực nhằm thúc đẩy thực hiện Mục tiêu số 5 về Bình đẳng giới trong số 17 Mục tiêu Phát triển bền vững.

Cuộc họp Ban Chấp hành được tổ chức ngày 18/1/2018 đã thông qua chương trình nghị sự và chương trình hoạt động của Hội nghị thường niên. Bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam được thống nhất làm chủ tọa thay cho Chủ tịch Quốc hội phải vắng mặt. Ông Vũ Hải Hà, đại biểu Quốc hội Việt Nam được bầu làm Chủ tọa Ủy ban soạn thảo. Các thành viên thống nhất Fiji sẽ thay thế New Zealand đại diện cho tiểu khu vực ở Ban Chấp hành trong nhiệm kỳ tới.

Ngày 18/1/2018, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khai mạc Hội nghị thường niên, chào mừng các đại biểu đến Việt Nam, chúc các đại biểu có chuyến thăm Việt Nam tốt đẹp. Trong bài phát biểu, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh một số thách thức, cơ hội đặt ra đối với APPF và kêu gọi các nghị viện thành viên APPF hợp tác chặt chẽ hơn nhằm nâng cao việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững.

Tại Phiên khai mạc, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang đã có bài phát biểu chào mừng, nêu bật vai trò đặc biệt của APPF và các thành viên trong 25 năm qua trong việc giải quyết các thách thức chung. Chủ tịch nước nhấn mạnh APPF cần hợp tác với các diễn đàn khác trong khu vực nhằm xây dựng tầm nhìn hợp tác chung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bà Jiko Luveni, Chủ tịch Quốc hội Fiji, nước đăng cai APPF lần thứ 25, đã cảm ơn nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam vì sự chào đón thân tình và chuẩn bị chu đáo cho Hội nghị. Với vai trò là khách đặc biệt của nước chủ nhà, bà Gabriela Cuevas Barron, Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới bày tỏ lòng cảm ơn chân thành đối với Quốc hội Việt Nam đã mời bà và các đồng nghiệp tới dự Hội nghị, là minh chứng cho sự phát triển của ngoại giao nghị viện.

Bà Cuevas Barron nhấn mạnh vai trò của liên kết, hội nhập và phát triển bao trùm tạo nên sự đối lập với thông điệp về chủ nghĩa biệt lập, và những lời chỉ trích chủ nghĩa đa phương, đặc biệt khi mà thế giới đang phải đối mặt với những thách thức quan trọng như bất bình đẳng, giải trừ quân bị, biến đổi khí hậu... Bà nhấn mạnh tinh thần "biến lời nói thành hành động" của Tuyên bố Hà Nội thông qua dịp Đại hội đồng IPU lần thứ 132.

Ông Takuji Yanagimoto, Thượng Nghị sĩ và Trưởng đoàn Nhật Bản chuyển thông điệp của Chủ tịch danh dự APPF, ông Yasuhiro Nakasone, bày tỏ sự ủng hộ đối với APPF. Thông điệp nhấn mạnh rằng Hội nghị thường niên APPF sẽ trở thành biểu tượng giương cao ngọn đuốc hy vọng cho không chỉ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mà còn cho cả thế giới.

Các Trưởng đoàn tham dự Hội nghị APPF lần thứ 26 đã chào xã giao Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Tổng Bí thư đánh giá cao hợp tác APPF ngày càng phát triển và cho rằng các nghị sĩ APPF là cầu nối giữa nhân dân và chính phủ, đại diện cho nguyện vọng của người dân.

Hội nghị thường niên lần này gồm 4 phiên toàn thể. Rất nhiều đại biểu đã tham gia trình bày tại các phiên toàn thể.

Trong phiên toàn thể đầu tiên về các vấn đề chính trị và an ninh, bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam đã có bài phát biểu đề dẫn về hòa bình và an ninh, nhấn mạnh một tầm nhìn chung cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương vì lợi ích của người dân. Nguyên Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), ông Saber H. Chowdhury được mời phát biểu tại phiên họp này. Các đoàn đại biểu chia sẻ nhận định hòa bình, hợp tác, phát triển là xu thế chính ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

Mặt khác, khu vực cũng phải đối mặt với những nguy cơ xung đột, các mối đe dọa về an ninh và vấn đề toàn cầu khác như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, chủ nghĩa khủng bố... Các đại biểu lên án mạnh mẽ chủ nghĩa khủng bố, chia sẻ quan điểm khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia cần được giải quyết hiệu quả thông qua nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế bằng cách tăng cường hợp tác giữa các chính phủ và các cơ quan liên quan khác trong việc chia sẻ thông tin tình báo, nâng cao năng lực cho các lực lượng thực thi pháp luật.

Tại phiên toàn thể thứ hai về các vấn đề kinh tế và thương mại, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có phát biểu đề dẫn về những điểm sáng trong hợp tác kinh tế và hội nhập kinh tế ở khu vực. Đại diện của Việt Nam đã báo cáo Hội nghị về kết quả của năm APEC 2017, trong đó có Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 tại Đà Nẵng, Việt Nam tháng 11/2017.

Các đoàn đại biểu đều thống nhất rằng mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới, có tốc độ tăng trưởng cao và liên kết kinh tế sâu rộng. Các diễn giả cho rằng APPF cần tăng cường hợp tác để đẩy mạnh thương mại, đầu tư tự do và mở, hướng tới hình thành khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương; xây dựng một khu vực châu Á - Thái Bình Dương liên kết, gắn kết toàn diện; thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng, có khả năng chống chịu, kết nối tiểu vùng và các vùng sâu vùng xa.

Hội nghị cũng nhất quán khi đề cập tới việc phát triển các chuỗi giá trị toàn cầu. Các đại biểu nhấn mạnh các biện pháp để nâng cao khả năng cạnh tranh, tính sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), tạo điều kiện cho các MSMEs tiếp cận tài chính, công nghệ, trình độ quản lý; thúc đẩy các chính sách, hệ thống quy định tạo thuận lợi cho khởi nghiệp và các MSMEs do phụ nữ lãnh đạo, đặc biệt kêu gọi các chính phủ đẩy nhanh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.


Các đại biểu nhấn mạnh tăng cường hợp tác về quản lý bền vững, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bao gồm các nguồn nước xuyên biên giới, tài nguyên đất, rừng, biển... góp phần xây dựng nguồn cung lương thực bền vững và lâu dài. Hơn nữa, cần thúc đẩy phát triển nông thôn - đô thị bền vững, các cộng đồng có sức chống chịu trước thiên tai, đa dạng hóa lĩnh vực nông nghiệp, tăng đầu tư nhằm tăng năng suất, chất lượng, mở rộng thị trường nông sản.

Trong phiên toàn thể thứ ba về hợp tác khu vực, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có phát biểu đề dẫn về hành động chống biến đổi khí hậu, hợp tác du lịch và văn hóa. Các đoàn đại biểu bày tỏ lo ngại sâu sắc về biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan, vốn cần hợp tác mạnh hơn nữa để ứng phó với biến đối khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai, đồng thời đề xuất tăng cường hợp tác về văn hóa và du lịch vì phát triển bền vững. Tổng Thư ký IPU ông Martin Chungong đã có bài phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác nghị viện và hợp tác khu vực.

Liên quan tới các hoạt động của APPF, các đoàn đại biểu nhấn mạnh vai trò của APPF trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương bởi các nghị sĩ APPF đại diện cho ước vọng, lợi ích của người dân trong khu vực vì lợi ích chung.

Trong phiên cuối cùng, Hội nghị thường niên lần thứ 26 đã nhất trí hoan nghênh lời mời của Quốc hội Campuchia tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 27 tại Siem Reap vào tháng 1/2019.

Hội nghị đã nghe báo cáo của Ủy ban Soạn thảo và 4 nhóm công tác trong quá trình diễn ra Hội nghị thường niên. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Hà Nội, Quy chế hoạt động mới của APPF và các nghị quyết.

Tại phiên Bế mạc, Trưởng đoàn Campuchia đã có bài diễn văn nhậm chức Chủ tịch tiếp theo của APPF vào năm 2019. Hội nghị thường niên bày tỏ trân trọng, biết ơn cao đối với Quốc hội Việt Nam vì đã chuẩn bị hết sức chu đáo, đặc biệt đối với bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam vì vai trò Chủ tọa xuất sắc tại Hội nghị thường niên lần thứ 26 và các cán bộ đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, chăm sóc chu đáo các đại biểu, góp phần vào thành công của Hội nghị thường niên.

Trong diễn văn Bế mạc, Chủ tịch Hội nghị thường niên lần thứ 26 đã chúc mừng các đại biểu, tuyên dương những đóng góp quan trọng tại các phiên toàn thể, Ủy ban Soạn thảo, các nhóm công tác, góp phần vào một Hội nghị thường niên hợp tác, hiệu quả và bao trùm.

TTXVN/Báo Tin tức
Họp báo về kết quả Hội nghị APPF-26
Họp báo về kết quả Hội nghị APPF-26

Ngay sau khi bế mạc Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26) đã diễn ra buổi họp báo về kết quả Hội nghị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN