Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Kính thưa các vị Chủ tịch Quốc hội, các vị Trưởng đoàn Nghị viện các nước thành viên APPF và quan sát viên,
Kính thưa các vị khách quý,
Thưa các quý bà, quý ông, Sau ba ngày làm việc khẩn trương, sôi nổi và trong bầu không khí hữu
nghị, hiểu biết và tin cậy, với tinh thần trách nhiệm của những người
đại diện cho nhân dân, chúng ta đã hoàn thành 4 phiên họp toàn thể trước
đó là Hội nghị Nữ Nghị sỹ, Họp Uỷ ban Chấp hành; họp Uỷ ban Soạn thảo
văn kiện với nhiều cuộc thảo luận, trao đổi ý kiến thẳng thắn và bổ ích
về những vấn đề cùng quan tâm chung của khu vực và trên thế giới.
Tại
kỳ Hội nghị lần này, chúng ta đã thông qua 14 nghị quyết về những vấn
đề quan trọng, Tuyên bố APPF Hà Nội về “Tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác
nghị viện Châu Á-Thái Bình Dương”, Thông cáo chung APPF-26 và sửa đổi
Quy chế hoạt động của APPF . APPF-26 đã hoàn thành tốt đẹp các công việc
đề ra trong Chương trình nghị sự. Tôi xin bày tỏ lời cảm ơn chân thành
tới các quý vị về sự đóng góp đầy trách nhiệm, hiệu quả được thể hiện
trong những ngày qua.
Thay mặt cho các Đại biểu tham dự
Hội nghị, tôi xin cảm ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ, cộng tác đắc lực của
toàn thể đội ngũ chuyên gia, cán bộ của Quốc hội và các ngành hữu quan
của Việt Nam, các trợ lý của các đoàn giúp việc cho các nghị sỹ trong
thời gian tiến hành hội nghị, đặc biệt cảm ơn chính quyền Thành phố Hà
Nội và các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Hội nghị, tạo
điều kiện tốt nhất cho các hoạt động của Hội nghị và bên lề Hội nghị.
Thưa các quý vị đại biểu, Cùng
với những kết quả đã đạt được của những Hội nghị trước, APPF-26 là bước
tiến tiếp theo quan trọng trong quá trình thực hiện tôn chỉ, mục đích
của Diễn đàn đã được đề ra trong Tuyên bố Vancouver và Tuyên bố New
Tokyo. Các Nghị quyết đã được thông qua, cũng như các cuộc trao đổi,
thảo luận đã cho thấy vai trò quan trọng của các Nghị viện trong việc
tham gia vào tiến trình thực hiện những cam kết quốc tế để bảo đảm hòa
bình, ổn định, an ninh và phát triển bền vững, vì lợi ích của nhân dân
trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Hội nghị nhận thức
rằng tình hình chính trị, an ninh trên thế giới và khu vực còn rất
nhiều diễn biến phức tạp, bất ổn khó lường. Các quốc gia khu vực đang
phải đối mặt với những vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống,
cùng với những thách thức về chất lượng phát triển của mỗi quốc gia.
Những vấn đề này đặt ra một yêu cầu quan trọng đối với APPF là phải cải
cách để thích ứng với tình hình, phải xây dựng một tầm nhìn chiến lược.
Hòa bình, ổn định và an ninh là điều kiện tiên quyết, nền tảng vững chắc
cho sự phát triển bền vững. Bất bình đẳng, nghèo đói, thất học… khiến
cho chủ nghĩa khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, tư tưởng cực
đoan ngày càng trở nên phức tạp, do vậy không một quốc gia đơn lẻ nào có
thể tự mình đối phó mà đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các quốc
gia và các nghị viện, tăng cường năng lực cho các cơ quan thực thi pháp
luật.
Về kinh tế thương mại, APPF là một cơ chế hợp tác
mở, ủng hộ, bổ trợ và không thể tách rời khỏi cơ chế APEC. APPF có một
nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục thúc đẩy mở rộng tự do hóa thương mại,
đổi mới hình thức liên kết kinh tế, thương mại phù hợp với tình hình
mới. Hội nghị đã đánh giá cao kết quả của Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ
25 tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam tháng 11 vừa qua. APPF cam kết sẽ
tiếp tục thúc đẩy một Châu Á-Thái Bình Dương kết nối và liên kết toàn
diện, một hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, tự do, công
bằng, minh bạch và bao trùm, vì lợi ích của mọi người dân để không ai bị
bỏ lại phía sau.
Qua những thảo luận về hợp tác phát
triển của khu vực, chúng ta biết rằng những quan tâm lo ngại ngày càng
trở nên gay gắt, đòi hỏi phải hành động thiết thực, cùng với những sáng
kiến mới về các vấn đề biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, gia tăng
các dịch bệnh, thách thức đối với chất lượng phát triển bền vững của mọi
quốc gia và toàn khu vực. Hội nghị đã nhấn mạnh sự cần thiết phải “biến
lời nói thành hành động”, kêu gọi sự hỗ trợ của các quốc gia phát triển
đối với các nước đang phát triển trong việc chung tay thực hiện Chương
trình nghị sự về Phát triển bền vững 2030 và Thỏa thuận Paris. Các đại
biểu khẳng định sự cần thiết phải đẩy mạnh đối thoại và hành động chung
nhằm ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, trong đó có an
ninh lương thực, an ninh năng lượng, quản lý bền vững các nguồn tài
nguyên, gia tăng nỗ lực phòng ngừa và chống chủ nghĩa khủng bố, chủ
nghĩa cực đoan; tăng cường đối thoại giữa các nền văn hóa và tôn giáo…
Thưa toàn thể quý vị, Thành
công của Hội nghị là chúng ta đã thông qua bản Tuyên bố Hà Nội về “Tầm
nhìn mới của quan hệ đối tác nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương”. Kế
thừa các bản Tuyên bố dấu ấn khác của APPF, Tuyên bố Hà Nội có ý nghĩa
quan trọng, xác định một tầm nhìn mới của APPF sau một phần tư thế kỷ
hình thành và phát triển. Tuyên bố đã điểm lại những thành tựu nổi bật
của APPF, kiên trì thực hiện mục tiêu chung góp phần thúc đẩy mạnh mẽ
hợp tác và đối thoại vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
APPF đã đóng góp vào các nỗ lực chung của các cơ chế toàn cầu và khu
vực, như: Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội đồng liên nghị viện
ASEAN (AIPA), Liên hợp quốc, Diễn đàn APEC, Hiệp hội các quốc gia Đông
Nam Á (ASEAN)...
Tuyên bố cũng đã đưa ra một bức tranh
phát triển hiện nay của khu vực và quốc tế, trong đó có những thay đổi
căn bản, với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, cùng những tác động hết
sức sâu rộng. Trong bối cảnh đó, Hội nghị đã nhận định tầm nhìn mới cho
quan hệ đối tác nghị viện, đề ra những nhiệm vụ mà APPF cần phải thực
hiện, cũng như thúc đẩy APPF triển khai các hành động nhằm mục tiêu phát
triển bền vững, bao trùm và tăng cường liên kết kinh tế khu vực sâu
rộng. Trong giai đoạn tới, APPF cần phải tiếp tục đổi mới nội dung nghị
sự, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các thể chế đa phương, như: APEC và
các cơ chế hợp tác khác.