Thông cáo báo chí số 13, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

Thứ tư, ngày 10/6/2020, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 3, đợt 2 theo hình thức tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Chú thích ảnh
Các đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Bắc Ninh, Hà Nam, Phú Thọ, Bến Tre thảo luận ở tổ, sáng 10/6/2020. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở Tổ về những nội dung sau đây: 

1) Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi): Các đại biểu cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm tạo môi trường minh bạch, đồng bộ đối với hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; đồng thời, bảo đảm sự tương thích với pháp luật các nước và các công ước quốc tế về lao động di cư. Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã cho ý kiến về: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật; chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; chế độ bảo hiểm, chính sách đối với người lao động khi về nước; về quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước; về  cấp giấy phép và thời hạn giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; chuẩn bị nguồn lao động của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động;...

2) Dự án Luật Thỏa thuận quốc tế: Các đại biểu cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội về sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế, thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Tại phiên thảo luận, các đại biểu tập trung cho ý kiến về: đối tượng áp dụng; chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế; nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế; chấm dứt hiệu lực và tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế;...

3) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính: Các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật, đồng thời tại phiên thảo luận, các đại biểu đã cho ý kiến về các vấn đề sau: các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; biện pháp xử lý hành chính đối với người sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy, nhất là đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi; bổ sung quy định nâng mức phạt tiền tối đa đối với một số lĩnh vực nhằm tăng cường tính răn đe, phòng ngừa, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; về thẩm quyền, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính; về thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính; quy định đối với người dưới 18 tuổi vi phạm hành chính...

Chú thích ảnh
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 với tỉ lệ 95,24% số đại biểu tán thành. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. 

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua các nội dung sau:

1. Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 với kết quả: có 460 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,24%); trong đó, có 454 đại biểu tán thành (bằng 94,00% đại biểu có mặt biểu quyết); có 3 đại biểu không tán thành (bằng 0,62%); có 3 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,62%).

2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp với kết quả: 

- Về Điều 12, quy định về Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao: có 459 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,03%); trong đó, có 409 đại biểu tán thành (bằng 84,68% đại biểu có mặt biểu quyết), có 46 đại biểu không tán thành (bằng 9,52%), có 4 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,83%).

- Về Điều 25, quy định về trưng cầu giám định tư pháp, có 459 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,03%); trong đó, có 452 đại biểu tán thành (bằng 93,58% đại biểu có mặt biểu quyết), có 3 đại biểu không tán thành (bằng 0,62%), có 4 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,83%).

- Về Điều 26a, quy định về thời hạn giám định, có 458 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,82%); trong đó, có 457 đại biểu tán thành (bằng 94,62% đại biểu có mặt biểu quyết), có 1 đại biểu không tán thành (bằng 0,21%).

- Về toàn văn dự thảo Luật, có 457 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,62%); trong đó, có 449 đại biểu tán thành (bằng 92,96% đại biểu có mặt biểu quyết), có 5 đại biểu không tán thành (bằng 1,04%), có 3 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,62%).

3. Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp với kết quả: có 460 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,24%); trong đó, có 456 đại biểu tán thành (bằng 94,41% đại biểu có mặt biểu quyết), có 3 đại biểu không tán thành (bằng 0,62%), có 1 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,21%).

Cũng trong buổi chiều, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Tại phiên thảo luận đã có 10 đại biểu phát biểu ý kiến. Các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Agribank. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng phát biểu ý kiến về các nội dung sau: tính cấp bách của việc tăng vốn điều lệ cho Agribank; về nguồn vốn để bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Agribank; về việc tổng kết Nghị quyết 25/2016/QH14, cũng như các quy định khác liên quan đến tăng vốn của các ngân hàng thương mại nhà nước; về trách nhiệm của Chính phủ trong việc thực hiện việc tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Agribank; về xác định yêu cầu và lộ trình cổ phần hóa đối với Agribank; về việc ưu tiên mở rộng mạng lưới và việc đổi mới phương thức hoạt động của các chi nhánh Ngân hàng Agribank ở nông thôn và các biện pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Agribank; sử dụng hiệu quả nguồn vốn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn…

Chú thích ảnh
 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Sau thảo luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã phát biểu, giải trình làm rõ thêm các ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, Quốc hội nhất trí với sự cần thiết bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Về cơ bản, đa số các đại biểu Quốc hội nhất trí đưa nội dung bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Agribank vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Đồng thời, nhất trí bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 là bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Agribank từ nguồn tăng thu tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2019 tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp của ngân sách nhà nước năm 2020 của Agribank, tối đa không quá 3.500 tỷ đồng.

Tại phiên họp chiều nay, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã họp về công tác nhân sự. Quốc hội nghe Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhân sự bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia; Tờ trình của Chính phủ đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Vương Đình Huệ; Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với bà Nguyễn Thanh Hải. Sau đó tại Hội trường, Quốc hội thảo luận ở Đoàn đại biểu Quốc hội về nội dung này.

Thứ năm, ngày 11/6/2020, buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường xem xét, quyết định những nội dung sau: i) Bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia; phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Vương Đình Huệ và miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với bà Nguyễn Thanh Hải bằng hình thức bỏ phiếu kín; Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua các Nghị quyết về nhân sự nêu trên bằng hệ thống biểu quyết điện tử; ii) Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; iii) Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự thảo Nghị quyết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). 

Buổi chiều, i) Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; ii) Quốc hội thảo luận ở Đoàn đại biểu Quốc hội về phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia và dự kiến nhân sự bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

TTXVN/Báo Tin tức
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Thông qua hai Nghị quyết, một Luật và tiến hành công tác nhân sự
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Thông qua hai Nghị quyết, một Luật và tiến hành công tác nhân sự

Ngày 10/6, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 3, đợt 2 theo hình thức tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN