Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Đa số đại biểu ủng hộ bổ sung vốn điều lệ cho Agribank

Chiều 10/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về việc bổ sung vốn điều lệ 3,5 nghìn tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2019 cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).

Ngay sau phiên thảo luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng giải trình một số ý kiến của đại biểu Quốc hội đối với nội dung trên. 

Chú thích ảnh
 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Ủng hộ chủ trương

Tán thành sự cần thiết phải tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) nêu ba lý do chính. Theo đó, Agribank là một ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ. Ngoài hoạt động kinh doanh thuần túy, Agribank còn thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước; đặc biệt là đối với các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bên cạnh đó, đầu tư vào lĩnh vực này, theo đại biểu là có hiệu quả cao, một vốn bốn lời. Theo báo cáo của Chính phủ, nếu bổ sung vốn điều lệ là 3,5 nghìn tỷ đồng, đến năm 2021, Agribank sẽ tăng nộp ngân sách 1 nghìn tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận còn lại sẽ là 1-1,2 nghìn tỷ đồng. Điều này cho thấy sự hiệu quả khi đầu tư lĩnh vực này. Cùng với đó, đối với Agribank, ngoài việc giúp tăng năng lực về tài chính, việc tăng vốn điều lệ còn giúp doanh nghiệp ngân hàng tăng năng lực cạnh tranh, đặc biệt là tăng xếp hạng tín nhiệm trong hệ thống ngân hàng của khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, đại biểu cũng nêu băn khoăn về việc tăng nguồn vốn điều lệ bằng nguồn tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2019. Điều này cần có sự tính toán khi bối cảnh dịch COVID-19 được dự báo sẽ còn ảnh hưởng. Bên cạnh đó, hiện nay, thu ngân sách Nhà nước đang gặp nhiều khó khăn. Nếu theo kịch bản tăng trưởng GDP dự kiến 4,5% thì dự kiến thu ngân sách nhà nước năm 2020 sẽ giảm từ 158-163 nghìn tỷ đồng. Nếu tăng trưởng kinh tế thấp hơn, từ 3-4% như dự báo của một số tổ chức quốc tế thì giảm thu ngân sách Nhà nước của năm 2020 còn lớn hơn nữa.

Đề cập đến vấn đề cân đối ngân sách, theo đại biểu Tạ Văn Hạ, trong điều kiện thu ngân sách giảm, sau khi sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2019 chuyển sang, cùng với các giải pháp tích cực cắt giảm nhiệm vụ chi thì ngân sách Trung ương sẽ thiếu từ 70 đến 75 nghìn tỷ đồng. Đại biểu nêu câu hỏi, trong bối cảnh thu ngân sách khó khăn như vậy, việc sử dụng nguồn tăng thu và tiết kiệm ngân sách của năm 2019 để bổ sung vào vốn điều lệ cho Agribank có hợp lý hay không?

Đồng quan điểm với đại biểu Tạ Văn Hạ về việc cần thiết phải tăng vốn điều lệ cho Agribank, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) tán thành với đề xuất của Chính phủ và cho rằng, việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ ngân sách nhà nước là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, đại biểu cũng nêu ý kiến đối với chủ trương dùng ngân sách Nhà nước để tăng vốn điều lệ. Theo đại biểu, đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến chính sách đối với các ngân hàng thương mại Nhà nước. Đó là việc có dùng ngân sách Nhà nước để bổ sung vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại hay không. Việc bổ sung 3,5 nghìn tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2019 cho Agribank, nếu xét về thực chất, đây là việc dùng ngân sách Nhà nước để bổ sung vốn điều lệ cho một ngân hàng thương mại cụ thể.

Đại biểu nêu ý kiến: “Để đảm bảo tính minh bạch, cụ thể của chính sách, cần thể hiện rõ, tại thời điểm hiện nay, chúng ta mới chỉ xem xét, bổ sung vốn điều lệ cụ thể cho một ngân hàng thương mại cụ thể chứ không phải là việc thay đổi chính sách, theo đó có thể áp dụng ổn định theo hướng dùng ngân sách Nhà nước để bổ sung vốn cho các ngân hàng thương mại Nhà nước”.

Agribank thuộc đối tượng được Nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ

Giải trình trước Quốc hội đối với một số vấn đề đại biểu quan tâm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết một số thông tin về hoạt động của Agribank. Theo đó, những năm gần đây, hiệu quả hoạt động của Agribank có những cải thiện rõ nét; vốn chủ sở hữu được bảo toàn tăng trưởng hàng năm, nợ xấu được kiểm soát, tăng nộp ngân sách Nhà nước. Đến 31/12/2019, tổng tài sản của Agribank đạt 1.451 nghìn tỷ đồng. Tăng trưởng giai đoạn 2014-2019 đạt bình quân 13,7%. Về hoạt động tín dụng, đến cuối 2019, dư nợ cho vay đạt 1.150 nghìn tỷ đồng; dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt trên 782 nghìn tỷ đồng…

Theo ông Lê Minh Hưng, Agribank là ngân hàng thuộc sở hữu 100% vốn Nhà nước. Việc Nhà nước đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng này được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn luật cũng như Nghị định 91 của Chính phủ. Cùng với đó, Agribank thuộc đối tượng được Nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ. Agribank cung cấp tín dụng cho nền kinh tế, đặc biệt là cho khu vực nông thôn; có tổng vốn đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho nhiều ngành, lĩnh vực.

Về quy định tại khoản 7 điều 4 Nghị quyết 25 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020: Không sử dụng ngân sách Nhà nước để cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại, ông Lê Minh Hưng cho rằng, đối với việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank thì Chính phủ phải báo cáo Quốc hội. Sau khi Chính phủ xem xét, có chủ trương thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng nhà nước và các bộ, ngành liên quan thực hiện các quy trình, thủ tục theo quy định. Sau khi Quốc hội đồng ý chủ trương này sẽ được triển khai. Cũng theo ông Lê Minh Hưng, Agribank là ngân hàng duy nhất có 100% vốn Nhà nước do đó việc cổ phần hóa cũng gặp những khó khăn vướng mắc nhất định nên phải có hướng tăng vốn điều lệ từ nguồn nhà nước.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: Đa số các đại biểu Quốc hội đều nhất trí bổ sung dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2020, bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2019, tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp của Agribank, tối đa không vượt quá 3,5 nghìn tỷ đồng.

Cũng trong phiên làm việc chiều nay tại Hội trường, Quốc hội làm việc về công tác nhân sự. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Vương Đình Huệ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với bà Nguyễn Thanh Hải.

Các đại biểu Quốc hội cũng thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Vương Đình Huệ; miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với bà Nguyễn Thanh Hải.

Thu Phương (TTXVN)
Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp
Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp

Chiều 10/6, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp với 449 đại biểu tán thành, tương đương 92,96% tổng số đại biểu Quốc hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN