Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hải Phong phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Tại hội nghị này, để có cơ sở tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ ba, các đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại diện các cơ quan, các chuyên gia đã tập trung cho ý kiến vào một số nội dung cụ thể gồm: Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; nguyên tắc bồi thường và giải quyết bồi thường nhà nước; xác định cơ quan giải quyết bồi thường; bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị giữ nguyên tắc bồi thường như luật hiện hành. Theo đó, bên cạnh cơ chế giải quyết bồi thường tại cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại thì cho phép kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết khiếu nại, trong quá trình tố tụng hành chính, tố tụng hình sự; đồng thời bổ sung quy định người bị thiệt hại khi đã có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện tại Tòa án yêu cầu bồi thường. Có ý kiến tán thành nguyên tắc bồi thường và giải quyết bồi thường như dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội, theo đó thống nhất một cơ chế giải quyết bồi thường tại cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại, không cho phép kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết khiếu nại, trong quá trình tố tụng.
Có đại biểu đề nghị phải bồi thường cho người đi tố cáo đúng sự thật; nên quy định cả nhà nước và cá nhân làm sai trong tham gia bồi thường. Theo ý kiến đại biểu nêu ra tại hội nghị, muốn bồi thường nhanh chóng, minh bạch, phải xác định được trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong xác định thiệt hại, vì thời gian xác minh ảnh hưởng đến thời gian chi trả.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị, trường hợp áp dụng biện pháp ngăn chặn, giữ người trong trường hợp khẩn cấp trong hoạt động tố tụng hình sự, sau này kết luận bị oan sai thì người đó phải được bồi thường.
Vì hiện nay việc áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính trái pháp luật được bồi thường, còn trong trường hợp giữ người khẩn cấp trong hoạt động tố tụng hình sự không được bồi thường. Cho nên, việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp về sau xác định là oan sai thì phải được bồi thường để phù hợp với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Ông Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị, bồi thường cho người thân của người bị oan. Hiện chỉ quy định bồi thường cho người thân của người bị oan trong trường hợp người bị oan chết. Thực tế người thân thích có bị tổn thất về tinh thần, tổn hại sức khỏe do người thân của mình bị oan; nếu quy định người bị oan chết mới được bồi thường thì chưa thỏa đáng.
Phát biểu kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, trong buổi chiều thảo luận, 16 đại biểu có ý kiến đóng góp, phần lớn cho rằng dự thảo Luật được tiếp thu khá nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến đại biểu Quốc hội.
Tổng hợp các vấn đề nêu trong hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, khi Quốc hội xem xét thông qua Luật này phải đáp ứng được yêu cầu: Quyền được bồi thường do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra, bảo đảm đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật; nâng cao tinh thần trách nhiệm, kỷ luật kỷ cương của cán bộ, công chức khi giải quyết công vụ và bảo đảm hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội và hệ thống chính trị, hệ thống tư pháp.
Phó Chủ tịch Quốc hội giao Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phối hợp với Bộ Tư pháp, cùng các cơ quan hữu quan tiếp thu các ý kiến tại hội nghị lần này, hoàn thiện dự thảo Luật để báo cáo tại phiên họp sắp tới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV.