Tăng cường tính liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác tốt hơn các thế mạnh của các vùng

Ngày 14/9, tại Trung tâm Hội nghị thành phố Hải Phòng, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 54-NQ/TW phối hợp với Thành ủy Hải Phòng tổ chức Hội nghị "Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Kết luận số 13-KL/TW ngày 28/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW".

Chú thích ảnh
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo phát biểu.

Chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Tham dự còn có các Ủy viên Trung ương Đảng, thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập Tổng kết Nghị quyết; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành; đại diện Thường trực các Thành ủy, Tỉnh ủy vùng đồng bằng sông Hồng.

Trong quá trình tổng kết, Ban Kinh tế Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành Kế hoạch triển khai; đề nghị 20 bộ, ngành và 11 địa phương trong vùng tiến hành tổng kết theo Đề cương của Ban Chỉ đạo; đặt hàng nghiên cứu chuyên sâu các Viện, Trường Đại học, Trung tâm nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học và tổ chức khảo sát thực tế tại một số địa phương trong vùng.

Hội nghị đã nghe Báo cáo tổng kết tóm tắt và kết quả công tác soạn thảo, tổng hợp do đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW trình bày. Trong đó, nêu rõ: Vùng đồng bằng sông Hồng là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, gồm 11 tỉnh, thành phố, trong đó có hai thành phố trực thuộc Trung ương. Vùng có diện tích tự nhiên là 21.253 km2, chiếm 6,42% diện tích của cả nước; dân số 22,92 triệu người, chiếm 23,5% dân số cả nước.

Vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại của cả nước; là trung tâm về khoa học - công nghệ với đội ngũ trí thức trình độ cao; là trung tâm đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho cả nước với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu lớn; có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, nhiều cảnh quan, di tích nổi tiếng gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc; có Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ của cả nước và có vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là một trong bốn vùng động lực phát triển kinh tế của cả nước. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong vùng được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh xuống còn 0,86%. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước được nâng cao... 

Tuy nhiên, kinh tế - xã hội vùng còn những hạn chế, bất cập. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; phát triển không đồng đều các địa phương trong vùng. Chất lượng tăng trưởng chưa cao, vẫn phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động. Chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế còn chậm, sản phẩm chủ yếu ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị. Quy hoạch không gian phát triển còn bất cập. Tình trạng quy hoạch “treo” khá phổ biến. Các khu công nghiệp thiếu liên kết, chưa hình thành được các cụm liên kết ngành. Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực cho phát triển. 

Chú thích ảnh
Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy thành phố Hải Phòng phát biểu.

Với thành phố Hải Phòng, Bí thư Thành ủy Trần Lưu Quang nêu rõ, từ khi có Nghị quyết số 54, Ban Thường vụ Thành ủy luôn xác định và thống nhất quan điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đó là xây dựng, phát triển thành phố không chỉ cho Hải Phòng mà còn cho khu vực và cả nước; đồng thời, định hướng xây dựng, phát triển Hải Phòng không chỉ trong nội tại, địa giới hành chính thành phố mà phải đặt trong mối liên kết, tạo sự lan tỏa tới các tỉnh, thành phố lân cận. Hội nghị tổng kết có ý nghĩa vô cùng to lớn với nhiều nội quan trọng, nhất là việc đề xuất ban hành Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hải Phòng mong muốn thông qua Hội nghị này sẽ học tập được nhiều kinh nghiệm có giá trị, nhằm góp phần xây dựng chủ trương, định hướng mới để phát triển mạnh mẽ hơn nữa cho chính mình, cho các địa phương khác và cho cả vùng.

Tại Hội nghị, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương đã phát biểu tham luận về thành tựu đạt được, hạn chế, tồn tại, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm sau 17 năm thực hiện của toàn vùng và từng địa phương; bối cảnh tình hình sắp tới, tình hình quốc tế và khu vực, các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống tác động đến nước ta nói chung và toàn vùng nói riêng; quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trên cơ sở chủ trương, định hướng phát triển vùng và các ngành, lĩnh vực tại Nghị quyết Đại hội XIII, các Nghị quyết chuyên đề khác của Trung ương, các Nghị quyết Đại hội của các tỉnh, thành phố toàn vùng và bối cảnh tình hình mới…

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị. 

Phát biểu kết luận, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Chỉ đạo, đã đánh giá cao sự chuẩn bị nghiêm túc, chất lượng của Thường trực Tổ Biên tập; sự tham gia, đóng góp ý kiến tích cực, tâm huyết, trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy các địa phương trong vùng đặc biệt là sự phối hợp của Thành ủy Hải Phòng.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao các ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm, xuất phát từ thực trạng phát triển vùng, địa phương và từ thực tiễn công tác và kinh nghiệm chỉ đạo, quản lý điều hành của các đại biểu. Các ý kiến đã cung cấp thêm các thông tin và là nguồn tư liệu quý, góp phần quan trọng giúp Ban Chỉ đạo, Thường trực Tổ Biên tập tiếp tục bổ sung, hoàn thiện để Báo cáo phản ánh khách quan, toàn diện hơn về những thành tựu đã đạt được sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW; những khó khăn, hạn chế, bài học kinh nghiệm; đánh giá bối cảnh tình hình mới, từ đó đề xuất các ý kiến về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bằng sông Hồng trong thời gian tới. 

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, phát triển vùng là một chủ trương lớn của Đảng, được thể hiện rõ trong Văn kiện Đại hội Đảng qua các nhiệm kỳ nhằm xây dựng quy hoạch, tổ chức không gian lãnh thổ quốc gia một cách hợp lý, phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương và tăng cường tính liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác tốt hơn các thế mạnh của các vùng. Nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị chỉ đạo tiến hành tổng kết các Nghị quyết của cả 6 vùng kinh tế đã được ban hành cách đây gần 20 năm và sẽ ban hành các Nghị quyết mới nhằm định hướng cho phát triển các vùng đến 2030, định hướng đến 2045.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh tóm lược lại các vấn đề đã trao đổi, thảo luận và cơ bản được thống nhất và cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo để hoàn thiện Báo cáo tổng kết Nghị quyết 54 như: Hội nghị đã thống nhất cao về phương pháp tiếp cận, nghiên cứu, bố cục, kết cấu của Dự thảo Báo cáo. Dự thảo Báo cáo tổng kết phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra của Ban Chỉ đạo. 

Dự thảo Báo cáo cần làm sâu sắc hơn về những thành tựu đạt được của vùng đồng bằng sông Hồng, ngoài chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp của Đảng, Nhà nước là sự lãnh đạo chỉ đạo toàn diện của cấp ủy và sự tích cực chủ động, sáng tạo vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong vùng. 

Dự thảo Báo cáo cần làm rõ hơn vị trí, tầm quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng trong bối cảnh mới, tình hình mới nhất là vai trò động lực của vùng với cả nước; làm sâu sắc hơn về các xu thế phát triển kinh tế mới tác động đến vùng như: phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, giáo dục - đào tạo, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn... Trên cơ sở đó đề xuất Bộ Chính trị các chủ trương, định hướng và nhiệm vụ, giải pháp nhằm khắc phục hạn chế, phát huy thế mạnh tạo bước phát triển mới trong thời gian tới, đặc biệt là về các cơ chế, chính sách đặc thù trúng, đúng và kịp thời cho từng tiểu vùng, từng không gian lãnh thổ, từng lĩnh vực, từng địa phương.

Ban Chỉ đạo giao Thường trực Tổ Biên tập tiếp tục tổng hợp các ý kiến tham gia tại Hội nghị để chắt lọc, bổ sung, điều chỉnh để hoàn thiện dự thảo Báo cáo, Tờ trình và Nghị quyết mới và hoàn thiện trình Bộ Chính trị đảm bảo đúng thời gian, tiến độ theo Chương trình làm việc đã đề ra.

Tin, ảnh: Đoàn Minh Huệ (TTXVN)
Tạo động lực mới quan trọng cho quan hệ hai nước Việt Nam - Campuchia
Tạo động lực mới quan trọng cho quan hệ hai nước Việt Nam - Campuchia

Sáng 14/9, Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Samdech Heng Samrin cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Vương quốc Campuchia đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 12 - 14/9, theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN