Tăng cường nguồn lực để doanh nghiệp giữ vững thị trường trong nước
Phát biểu mở đầu phiên thảo luận chiều 27/10, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và thảo luận thêm nội dung liên quan đến tài chính, ngân sách như đã gợi ý trong phiên thảo luận sáng cùng ngày.
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đồng tình với hai giải pháp của Chính phủ đề ra; đồng thời nhấn mạnh, kinh tế Việt Nam là nền kinh tế sản xuất, Việt Nam có sẵn thị trường nội địa sẽ cán mốc 100 triệu dân vào năm 2023. Đây là "bệ đỡ" vô cùng quan trọng cho các doanh nghiệp ngay cả trong bối cảnh kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, thị trường thế giới bị thu hẹp. Do vậy, ngay từ bây giờ cần tăng cường nguồn lực để doanh nghiệp giữ vững thị trường trong nước. Các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là hàng tiêu dùng, nếu khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra, thị trường sẽ bị thu hẹp nhưng không bị đóng cửa tuyệt đối như thị trường tư liệu sản xuất. Do vậy, phải khai thác các thế mạnh của các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Theo đại biểu, sau hai năm đại dịch COVID-19, nợ của các doanh nghiệp đang là một thách thức rất lớn nhưng rất may nợ công của Việt Nam lại duy trì ở mức khá thấp (khoảng 43- 44% GDP) với trần nợ công là 60%. Sang năm 2023, thời hạn hỗ trợ các chính sách tài khóa kết thúc, các doanh nghiệp vừa phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính hiện tại, vừa phải trả nợ dần các khoản tiền được giãn, hoãn trong hai năm. Cộng vào đó là thanh toán các khoản nợ phải trả.... Với những khó khăn trên, ngay từ bây giờ chúng ta phải chuẩn bị phương án hỗ trợ các doanh nghiệp. Chính sách tài khóa ngược là giải pháp phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Đại biểu đồng tình với mục tiêu thu ngân sách năm 2023 không nên đặt quá cao so với thực hiện năm 2022 để có dư địa thực hiện các chính sách tài khóa. Tuy nhiên, ông Cường cũng bày tỏ băn khoăn với chỉ tiêu kế hoạch bội chi cân đối ngân sách năm 2023 chỉ đặt ở mức 2,89%, thấp hơn ở mức 3,75% của năm 2022. Đây là điều khó khả thi và là yếu tố làm hạn hẹp chính sách tài khóa. Kiểm soát bội chi thấp là mục tiêu dài hạn nhưng trong bối cảnh sử dụng chính sách tài khóa ngược thì việc chấp nhận tăng bội chi để có nguồn lực cho phát triển là giải pháp cần phải tính đến.
Đại biểu cho rằng, chúng ta đã chuẩn bị nguồn lực đủ lớn để tăng đầu tư công năm 2023 hơn 38% so với năm 2022 trong bối cảnh giải ngân đầu tư công khó... thì đầu tư thường phải hướng vào khu vực sản xuất cuối cùng. Do vậy, cần tập trung đầu tư dứt điểm các công trình hạ tầng đang dở dang, hạn chế khởi công các công trình mới, dành một phần đầu tư công để đặt hàng hỗ trợ các tập đoàn kinh tế mạnh phát triển một số ngành trụ cột cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ.
Ông Cường nhấn mạnh, có ba lĩnh vực cần ưu tiên đặt hàng là công nghệ đường sắt; hậu cần vận tải biển; công nghiệp thông tin phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Chính phủ cần đặt hàng để hình thành các tổ hợp đầu tư phát triển hậu cần vận tải biển. Việt Nam cũng cần phải có hạ tầng công nghệ kỹ thuật số của riêng mình để kiểm soát, đảm bảo an toàn trong quá trình chuyển đổi số quốc gia. Nếu được Chính phủ đặt hàng, đội ngũ kỹ sư của Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng để sản xuất ra các sản phẩm công nghệ phục vụ công tác dịch vụ công và dành lại thị phần thương mại điện tử đang nằm trong tay các nhà cung cấp nước ngoài...
Đánh giá về tình hình phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian vừa qua, tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho rằng, từ những kết quả khả quan đạt được trong năm 2022, có thể thấy rõ bài học kinh nghiệm về chuẩn bị từ sớm, từ xa cần được tiếp tục áp dụng để đạt được những mục tiêu mà Đại hội Đảng XIII đã đề ra. Để đạt được các chỉ tiêu cao liên tục trong nhiều năm, cần chú trọng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường để không tốn chi phí khắc phục ô nhiễm môi trường và tiết kiệm tài nguyên... Đại biểu cho biết, "điểm nghẽn" hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng thủy lợi, hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế. Vì vậy, đại biểu đề nghị báo cáo của Chính phủ cần làm rõ vấn đề này, đặc biệt là hạ tầng cấp thoát nước. Đồng thời, cần có cơ chế tốt hơn để thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực xử lý nước thải, giao thêm trách nhiệm xử lý nước thải cho các địa phương cho đến khi có Luật về xử lý, thoát nước được ban hành. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm nội dung hoàn thiện hạ tầng thiết yếu phục vụ nhu cầu dân sinh, bên cạnh việc hoàn thiện hạ tầng về giao thông tại phần phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2023.
Xem xét việc tinh giản biên chế trong ngành giáo dục cho phù hợp hơn
Liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đào tạo, đại biểu Trần Thị Thanh Hương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cho biết, theo số liệu thống kê, trong 10 năm qua học sinh cả nước tăng 4 triệu, tương đương 22,51%, trong khi đó số giáo viên tăng 8,7%... Cả nước hiện còn thiếu 95 nghìn giáo viên các cấp, đồng thời thừa giáo viên cục bộ ở các cấp học. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều nỗ lực nhưng chưa đạt kết quả như mong đợi.
Từ đó, đại biểu Trần Thị Thanh Hương đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành sớm quan tâm xem xét việc tinh giản biên chế trong ngành giáo dục cho phù hợp hơn. Cùng với các ngành, các cấp, ngành giáo dục cũng thực hiện lộ trình giảm 10% biên chế mỗi năm. Tuy nhiên, đối với ngành giáo dục, đặc biệt đối với giáo dục phổ thông thì hầu hết các trường đều có đặc thù nhất định, xác định rõ định mức giáo viên đối với từng cấp học. Chính vì vậy, việc thực hiện giảm 10% biên chế viên chức hàng năm đối với hệ thống giáo dục phổ thông gây ra tình trạng bất hợp lý và rất khó khăn cho ngành giáo dục. Đại biểu kiến nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo việc đảm bảo lực lượng lao động trong ngành giáo dục theo định mức quy định với tinh thần có học sinh có lớp học thì phải có đủ giáo viên; cân nhắc thêm việc giảm 10% biên chế, không nên thực hiện cứng nhắc đối với ngành giáo dục như đối với các ngành khác
Ngoài ra, đại biểu Trần Thị Thanh Hương cũng đề xuất điều chỉnh quy định đóng bảo hiểm y tế theo hướng có lợi nhất cho học sinh và hộ gia đình. Nêu thực tế ở vùng nông thôn, các gia đình đông người nếu đóng bảo hiểm y tế cho con em ở trường mặc dù được hỗ trợ mức đóng nhưng vẫn cao hơn mức đóng giảm trừ tại các hộ gia đình. Nhiều phụ huynh mong muốn đóng bảo hiểm y tế cho con em tại hộ gia đình nhưng không được chấp nhận do vi phạm quy định của luật, từ đó gây khó khăn cho ngành giáo dục trong tổ chức thực hiện. Đại biểu Thanh Hương kiến nghị Chính phủ sớm chỉ đạo các ngành liên quan xem xét, thống nhất điều chỉnh các quy định cho phù hợp theo hướng có lợi nhất cho học sinh và các hộ gia đình, góp phần nhanh chóng khắc phục những bất cập này trong thực tế.
Đại biểu cũng đề xuất tiếp tục triển khai tổ chức dạy học văn hóa, hệ giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông trong các trường Trung cấp, Cao đẳng. Theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mỗi năm cả nước có khoảng 350.000 học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở theo học Trung cấp, trong đó có khoảng 80% muốn vừa học nghề, vừa tiếp tục học văn hoá. Đây là nhu cầu chính đáng của học sinh và tỷ lệ này đang tăng mạnh trong những năm gần đây ở nhiều địa phương. Từ năm 2020 đến nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhiều lần làm việc, đồng thời có văn bản cho phép trường trung cấp đủ điều kiện tiếp tục tổ chức dạy văn hoá hệ giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông. Tuy nhiên đến nay những khó khăn bất cập này vẫn chưa được giải quyết tháo gỡ…
Từ đó, đại biểu Trần Thị Thanh Hương kiến nghị Chính phủ sớm có chỉ đạo thống nhất về vấn đề này theo hướng tiếp tục cho phép tổ chức dạy văn hóa trong các trường trung cấp, cao đẳng theo đúng quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi người có thêm cơ hội để học tập suốt đời, đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện nay tại các địa phương.