Các đại biểu đều tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở, từ đó thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nhà ở. Các đại biểu cũng nêu một số nội dung liên quan đến vấn đề nhà ở xã hội, chính sách phù hợp cho các đối tượng tái định cư, vấn đề sở hữu nhà ở của cá nhân, tổ chức nước ngoài.
Chú trọng chất lượng công trình nhà ở xã hội
Nêu ý kiến về tên gọi của các khu nhà ở cho người nghèo, người thu nhập thấp sau này là khu tái định cư, khu nhà ở xã hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, cần có những chính sách cùng sự quan tâm đúng mực, có trách nhiệm, nhân ái cho người dân thuộc những trường hợp kể trên. Về nguyên tắc chung, phải có nhà cho những người này để họ yên tâm làm việc; các trường hợp tái định cư lại càng quan trọng, bởi Nhà nước lấy đất của dân thì phải có chỗ cho người dân ở. Đồng thời, chất lượng xây dựng của những khu nhà đó phải đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí đề ra.
Đề cập chất lượng các công trình nhà ở dành cho người nghèo, người thu nhập thấp, khu tái định cư, khu nhà ở xã hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí mong muốn, những khu nhà trên phải đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí về an toàn, chất lượng do Nhà nước quy định.
Đại biểu cũng đề nghị không nên ghi tên hoặc treo biển tên của tòa nhà, khu chung cư bằng những tên gọi theo chức năng như: Khu nhà ở cho người nghèo, khu nhà ở cho người thu nhập thấp, khu nhà tái định cư... Đại biểu giải thích, những tên gọi theo chức năng đó chỉ được sử dụng trên văn bản, giấy tờ để có quỹ đất, kinh phí xây dựng. Nhà ở xét về bản chất là một loại hàng hóa. Khi nhà gắn với những tên gọi theo chức năng sẽ mất giá khi chuyển nhượng. Đại biểu cũng cho rằng, việc đặt tên gọi các khu nhà theo chức năng như vậy có thể dẫn đến sự phân biệt, thiếu tôn trọng, phản cảm đối với cư dân sinh sống tại đó. Đại biểu đề nghị đặt tên những khu nhà này bằng những cái tên đẹp, có ý nghĩa như về các loài hoa, các địa danh...
Đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Anh Trí, đại biểu Nguyễn Hữu Chính cho rằng, bằng mắt thường cũng có thể nhìn thấy, nhà ở tái định cư và nhà ở thương mại có chất lượng hoàn toàn khác. Do đó, theo đại biểu, trong Luật Nhà ở (sửa đổi), về vấn đề tái định cư cần quy định rõ về chất lượng, tránh trường hợp khi người dân bị giải tỏa và bố trí tái định cư ở những nơi có chất lượng kém. Đại biểu cũng đánh giá, chính sách của Nhà nước ta đối với những người được hỗ trợ tái định cư còn rất thấp; cần có điều chỉnh về chất lượng các khu nhà tái định cư.
Nêu nội dung Khoản 1, Điều 51: Người dân "được tái định cư ngoài bảo đảm có điều kiện bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ", đại biểu cho rằng, về lý thuyết là rất tích cực, tuy nhiên khái niệm này rất trừu tượng. "Nhà nước cho rằng diện tích ở đó, khu nhà ở đó là phù hợp, nhưng đối với người dân đang ở nơi chôn rau, cắt rốn, quen nếp sống sinh hoạt, nhưng bị buộc phải tái định cư rõ ràng là tâm lý không ai thích. Thứ hai, nhu cầu như thế nào là bằng hoặc hơn? Có người thích rộng, có người thích buôn bán... Quỹ nhà của chúng ta không thể đáp ứng được nhiều yêu cầu khác nhau của người dân", đại biểu nói. Do đó, cần xem xét lại việc chuyển cụm từ "bằng hoặc hơn" theo hướng sát với thực tế, đảm bảo phù hợp với điều kiện của Nhà nước.
Nhà nước cần duyệt giá bán nhà ở xã hội
Nêu ý kiến đối với vấn đề nhà ở xã hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết nhà ở xã hội có 2 loại, do Nhà nước đầu tư và từ nguồn vốn xã hội hóa (do doanh nghiệp đầu tư).
Nếu nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư, theo Bộ trưởng, trong dự thảo luật cần ghi rõ UBND tỉnh giao chủ đầu tư thực hiện, đồng thời UBND tỉnh chịu trách nhiệm quy định giá bán và giá thuê. "Vì đất làm nhà ở xã hội không thu tiền, đương nhiên Nhà nước đầu tư làm thì quy định giá bán cho đối tượng được mua", Bộ trưởng lý giải.
Với loại nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư, Bộ trưởng cho biết, chưa có quy định giá bán do ai duyệt. "Đã là nhà ở xã hội thì tôi cho rằng, giá bán phải do Nhà nước duyệt. Bởi doanh nghiệp đầu tư, nhưng chỉ đầu tư vốn, còn đất là Nhà nước giao, không thu tiền sử dụng đất, giao đất sạch, đương nhiên Nhà nước phải khống chế mức bán tối đa", Bộ trưởng nêu ý kiến.
Theo Bộ trưởng, quy định Nhà nước quyết định giá bán thì mới bán đúng đối tượng, cho thuê đúng đối tượng, nếu không sẽ rơi vào “kênh” nhà ở thương mại.
Bộ trưởng nhấn mạnh lại, dù là dạng nhà ở xã hội do Nhà nước hay doanh nghiệp đầu tư thì đều cần do Nhà nước quyết giá. Ông cũng đề xuất: "Đối với nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư thì bán đúng giá, còn với doanh nghiệp đầu tư thì phải quy định giá tối đa để khuyến khích đầu tư của doanh nghiệp, nguồn vốn xã hội”.
Về hạ tầng nhà ở xã hội, Bộ trưởng Tài chính cho rằng, phí bảo trì và quản lý nhà phải giao cho UBND tỉnh ban hành, nếu không mỗi khu chung cư sẽ đặt ra một loại phí.
Ông phân tích thực tế, nhà ở xã hội trước đây quy định không quá 5 tầng (tức là chỉ đi cầu thang bộ), nhưng hiện nay phải đi thang máy, với hạ tầng hiện đại hơn, đòi hỏi bộ máy quản lý phải chuyên nghiệp hơn. “Muốn chuyên nghiệp thì phải bỏ phí ra, phải có kinh phí bảo trì. Kinh phí bảo trì ai trả, chính là người lao động trả, hay chính là đối tượng sử dụng nhà ở xã hội trả. Đối tượng này là những đối tượng nghèo, yếu thế, cho nên địa phương phải duyệt giá, không thể để chủ đầu tư tự nâng giá lên thế nào cũng được", Bộ trưởng phân tích.
Cũng đề xuất giống Bộ trưởng Tài chính, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) cho rằng, cần quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn trong chính sách nhà ở xã hội để dễ thực thi trong thực tế, nhất là về quy trình, trình tự thủ tục đầu tư, phân phối, cũng như tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật nhà ở xã hội...
Đại biểu cũng đề nghị, doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp tập trung, khu kinh tế dứt khoát phải có các dự án nhà ở xã hội với mục đích phi lợi nhuận; thậm chí có thể thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội ở các đô thị có nhiều khu, cụm công nghiệp tập trung quy mô lớn.
Nêu một khía cạnh khác, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến (Tây Ninh) đưa ra ý kiến, một trong những vấn đề đang khó gỡ cho nguồn đất đai xây dựng nhà ở cho người có công, thu nhập thấp là do giá đất đai quá cao. Dẫn kinh nghiệm của Trung Quốc, đại biểu cho biết: “Trung Quốc muốn có 100 ha để xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp thì họ giải phóng 200 ha, trong đó 100 ha cho nhà thu nhập thấp, 100 ha cho nhà ở thương mại đấu giá để có tiền thực hiện”. Đại biểu đề xuất việc lập các doanh nghiệp công ích thực hiện các dự án công ích, đồng thời có chính sách miễn giảm thuế, giải pháp đặc thù cho doanh nghiệp này.
Tính toán kỹ vấn đề sở hữu nhà của tổ chức, cá nhân nước ngoài
Về số lượng nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tại Việt Nam, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến cho rằng tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 19 của Luật này quy định “chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư, nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 250 căn nhà” là chưa ổn, chưa nêu rõ chế tài xử lý.
Tại Điều 19, khoản 1, mục 1 về đối tượng được sở hữu nhà ở và hình thức được sở hữu tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài: “Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam, cần rà soát để quy định đảm bảo chặt chẽ”, đại biểu đề nghị việc mở cửa cho các cá nhân nước ngoài cần có chọn lọc, tôn trọng cuộc sống của người bản địa.
Cùng băn khoăn, đại biểu Chẩu Văn Lâm (Đoàn Tuyên Quang) chỉ ra rằng, ở nhiều nước, đối tượng được mua nhà ở phải có “thẻ xanh”; đồng thời cần làm rõ hơn trong dự thảo Luật đối tượng được mua và đối tượng được thuê để tránh lợi dụng. Đại biểu cũng đề nghị cần có đánh giá tác động toàn diện hơn, rà soát để tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các Luật khác như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản…
Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh (Tuyên Quang) cũng đề nghị xem xét, quy định chặt chẽ hơn về quy định người nước ngoài được sở hữu nhà ở; những người vào tạm thời chỉ nên dừng ở việc cho thuê tạm thời.