Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Phuông dự và chủ trì Hội thảo. Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học...
Hội thảo nhằm làm rõ những nội dung, giá trị lý luận, thực tiễn của tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”; góp phần thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; vận dụng trong giáo dục đạo đức cách mạng, đổi mới phong cách, lề lối làm việc cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam trong điều kiện xây dựng, phát triển đất nước thời kỳ hội nhập quốc tế.
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” là một văn kiện quan trọng, là nền tảng tư tưởng chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, đưa ra những bài học nhằm ngăn chặn, đẩy lùi những sai lầm, khuyết điểm trong Đảng; xây dựng phong cách công tác khoa học, dân chủ, quần chúng. Tác phẩm luôn có ý nghĩa to lớn đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, giúp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, để Đảng ngang tầm với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đồng bộ, toàn diện, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.
Khẳng định tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” qua 70 năm vẫn giữ được tính thời sự, Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, trong tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đề cập đến vấn đề đạo đức của cán bộ, đảng viên. Điều này xuất phát từ sự chiêm nghiệm thực tế, những dự báo về nguy cơ vi phạm khuyết điểm của đảng viên trong điều kiện đảng cầm quyền. Tác phẩm cũng chỉ rõ những vấn đề đặt ra cho công tác xây dựng Đảng, đó là những khuyết điểm, sai lầm của các đảng viên, cán bộ có trách nhiệm trong các tổ chức Đảng, chính quyền như bệnh chủ quan, bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, địa phương, bệnh kéo bè kéo cánh…
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, thấm nhuần, xuyên suốt tác phẩm là mối quan hệ giữa Đảng với dân được Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích thấu đáo về mặt lý luận, đem lại những chỉ dẫn cụ thể, thiết thực về phương pháp, biện pháp; giúp cán bộ, đảng viên, quần chúng cùng nhau gây dựng, phát triển mối quan hệ giữa Đảng với dân trong những công việc thực tế.
Các tham luận tại Hội thảo đã làm sáng tỏ hơn một số nội dung trọng tâm gồm: Khẳng định sửa đổi lối làm việc là nhiệm vụ thường xuyên, khách quan của cách mạng, là quy luật phát triển của Đảng cầm quyền; làm rõ sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, yêu cầu nâng cao hiểu biết lý luận và thực tiễn đối với cán bộ, đảng viên; khẳng định quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, nhấn mạnh tác phẩm hàm chứa những nguyên lý xây dựng Đảng về đạo đức, những chỉ dẫn quý báu về cán bộ, công tác cán bộ của Đảng; tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với dân. Tinh thần của tác phẩm đã mở ra hướng vận dụng sự đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng vào công cuộc cải cách bộ máy, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong điều kiện mới.