Đồng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Đại sứ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam Gareth Ward, đại diện cho các quốc gia OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế).
Hội nghị được tổ chức với các điểm cầu: Trụ sở OECD tại Paris, Pháp; hai quốc gia đồng Chủ tịch Mạng lưới Thực hành Quy định tốt ASEAN - OECD là Malaysia và New Zealand; Vương quốc Anh, Hà Lan và 10 quốc gia Đông Nam Á.
Trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, Chính phủ các quốc gia Đông Nam Á đã nỗ lực cắt giảm gánh nặng thủ tục hành chính và coi đó là một trong những giải pháp thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại, tăng trưởng. Tuy nhiên, hoạt động đó thường ở dưới hình thức đơn giản hóa thủ tục kinh doanh, chủ yếu tập trung vào cắt giảm các thủ tục không cần thiết. Đại dịch đã cho thấy một thực tế là những quy định nặng nề có thể cản trở nỗ lực ứng phó với dịch COVID-19 của nhiều Chính phủ. Từ đó, các Chính phủ đã phải gỡ bỏ các quy định nhằm đẩy nhanh tốc độ cung cấp sản phẩm và giải pháp thiết yếu.
Hội nghị lần này nhằm chia sẻ những quan điểm về cắt giảm gánh nặng quy định với trọng tâm đặt vào mục tiêu phát triển hướng tới “Quy định tốt hơn” và tâm điểm là: những quy định được thiết kế tốt để vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa bảo vệ xã hội.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Việt Nam Mai Tiến Dũng đánh giá cao sáng kiến của OECD, ghi nhận những nỗ lực của Đại sứ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam trong quá trình tổ chức Hội nghị.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng tin tưởng Hội nghị trực tuyến thứ nhất với chủ đề tích cực: “Giảm gánh nặng đẻ nâng cao hiệu quả của quy định” cùng sự chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia OECD và ASEAN, sẽ góp phần lan tỏa tinh thần cải cách mạnh mẽ về các quy định hành chính, gỡ bỏ nhiều quy định không cần thiết, giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, phục hồi sản xuất và cung ứng sản phẩm, hàng hóa. Đây cũng là nỗ lực trong phòng, chống dịch COVID-19, thúc đẩy tăng trưởng tại Việt Nam cũng như các quốc gia khác.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: Sau 99 ngày kiểm soát tốt dịch bệnh, từ ngày 25/7 đến nay, liên tục xuất hiện các ca nhiễm mới trong cộng đồng tại Đà Nẵng và một số địa phương trên toàn quốc. Đến sáng 11/8, Việt Nam ghi nhận 847 người mắc COVID-19, trong đó có 15 ca tử vong. Mặc dù dịch có diễn biến phức tạp nhưng với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đoàn kết đồng lòng của nhân dân, Việt Nam quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép" là phòng chống dịch bệnh và khôi phục, duy trì tăng trưởng kinh tế.
Để đạt được mục tiêu này, các nhiệm vụ giải pháp cụ thể đã được đưa ra như: Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, đảm bảo an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội, phấn đấu đà tăng trưởng dương, lạm phát dưới 4%... Đồng thời, các cơ quan hành chính nhà nước chuyển đổi mạnh mẽ công tác chỉ đạo điều hành và cung cấp dịch vụ công sang phương thức điện tử. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã cắt giảm được 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, cắt giảm 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, cắt bỏ 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Tới đây, Việt Nam tiếp tục thực hiện thủ tục hải quan điện tử phù hợp với chuẩn quốc tế và cải cách kiểm tra chuyên ngành.
Cùng đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành quy định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025; đồng thời, tập trung cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm 30% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp; giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ.
Đặc biệt, sau hơn 8 tháng hoạt động, Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp gần 1.000 dịch vụ công trực tuyến so với 8 nhóm dịch vụ giai đoạn mới khai trương với 56,4 triệu lượt người truy cập. Gần đây, trung bình mỗi ngày, Cổng trực tiếp nhận xử lý khoảng 4.000 hồ sơ trực tuyến, hơn 22.000 cuộc gọi tới tổng đài; hơn 7.500 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp…
Với việc đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực để cùng nhau giải quyết những thách thức chung như việc khắc phục dịch COVID-19 vừa qua.
Phát biểu tại điểm cầu trụ sở OECD, Thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp, Phó Tổng Thư ký OECD Jeffrey Schlagenhauf nhấn mạnh, Mạng lưới Thực hành quy định tốt ASEAN - OECD là một chương trình hợp tác rất hữu hiệu giữa các quốc gia thành viên OECD với các quốc gia thành viên ASEAN nhằm cải cách các quy định cũng như các thủ tục hành chính, tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Ông Jeffrey Schlagenhauf cũng đưa ra dự báo: Cuộc khủng hoảng COVID-19 diễn ra trên thế giới có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia. Dự báo viễn cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho thấy GDP toàn cầu sẽ giảm 6% nếu làn sóng thứ hai của đại dịch này bùng phát. Đến năm 2021, đại dịch này có thể sẽ có hậu quả vượt xa những đại dịch đã xảy ra trước đó trên thế giới.
Bày tỏ ấn tượng với công tác phòng, chống dịch COVID-19 và những ứng phó của Việt Nam trong trạng thái bình thường mới, Đại sứ Gareth Ward đánh giá cao cách tiếp cận hiệu quả của các nước trong Khối OECD và ASEAN với dịch bệnh. Theo đó, những sự kiện quan trọng vẫn được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Điều này thể hiện rõ cam kết, quyết tâm của Việt Nam và các nước hướng đến mục tiêu chung là cải cách thủ tục hành chính, các quy định về cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay.
Bên cạnh đó, các nước cũng có những nỗ lực nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch nhưng đồng thời vẫn phục hồi và duy trì nền kinh tế. Trong khuôn khổ hợp tác giữa OECD và ASEAN về tăng cường các quy định tốt, hai bên đã có những hoạt động hiệu quả, điển hình là Hội nghị trực tuyến lần này với sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách của mỗi nước và đại diện của OECD. Đây là sự thể hiện rõ cam kết và quyết tâm của các nước hướng đến mục tiêu chung là cải cách thủ tục hành chính và các quy định về cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, tại thời điểm này, vấn đề cải cách thủ tục hành chính là thực tế cần thiết và cần nhiều nỗ lực để thực hiện.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đến từ các quốc gia thành viên đã cùng nhau chia sẻ về những điều chỉnh quy định để ứng phó với đại dịch COVID-19; quản lý và thực thi quy định bằng công nghệ số để ứng phó với đại dịch; hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua COVID-19 mà vẫn đảm bảo chống dịch và bảo vệ xã hội…