Đoàn đã đến kiểm tra thực địa tại dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn nối giữa tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, cao tốc Cam Lộ - Vạn Ninh và Vạn Ninh - Bùng nối Quảng Trị với Quảng Bình đang được xây dựng.
Tại tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài hơn 98km đi qua 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, được đưa vào khai thác từ ngày 1/1/2023, phần lớn có 2 làn xe với mặt cắt ngang rộng 12m. Trừ một số đoạn cho phép vượt có quy mô 4 làn xe, cung đường còn lại là 2 làn xe với tốc độ tối đa 80km/giờ, không có dải phân cách cứng, đường hẹp nên phương tiện vượt nhau dễ gây tai nạn giao thông. Tại một số điểm cho phép vượt chỉ dài từ 1,5km-2km rồi lại nhập 2 làn thành một làn như “nút cổ chai”, thiếu nhiều điểm dừng khẩn cấp và thiếu hệ thống đèn chiếu sáng. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn gia tăng trong thời gian vừa qua.
Để hạn chế tại nạn giao thông, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã yêu cầu tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị cần sớm lắp đặt thêm hệ thống chiếu sáng, bổ sung các biển báo về tốc độ, khoảng cách, cấm vượt, sóng viễn thông… trên toàn tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn; ngành giao thông cần nghiên cứu tổ chức giao thông lại tại các nút giao, bổ sung các điểm dừng khẩn cấp, lắp đặt hệ thống camera giám sát, camera xử phạt…
Cùng ngày, đoàn đã có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo 2 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Bộ Giao thông Vận tải và các ban, ngành có liên quan. Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo hai tỉnh đã đưa ra nhiều đề xuất, ý kiến, kiến nghị như: Tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn từ khi đưa vào sử dụng đã bộc lộ nhiều bất cập, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, hiện hai tỉnh đã cơ bản đã giải phóng mặt bằng đủ điều kiện để thi công nâng cấp lên 4 làn xe và đề nghị sớm được nâng cấp tuyến cao tốc này lên 4 làn xe. Đối với cao tốc Cam Lộ - Vạn Ninh, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh đã quy hoạch các mỏ đất đắp nhưng do vướng thủ tục cấp phép nên nhiều mỏ đất chưa đưa vào khai thác, dẫn đến tình trạng các khu tái định cư thiếu đất san lấp. Tỉnh kiến nghị các bộ, ngành Trung ương và Quốc hội tháo gỡ về cấp phép mỏ đất đắp…
Ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết: Hiện, bộ đã giao Ban Dự án đường Hồ Chí Minh lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng mở rộng cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn lên 4 làn xe. Do tình hình giao thông trên tuyến phức tạp, bộ kiến nghị triển khai theo dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của Luật Đầu tư công với tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng. Bộ đang kiến nghị Chính phủ bố trí từ nguồn thu và thực hiện đầu tư công trình theo lệnh khẩn cấp. Nếu được chấp thuận các cơ chế chính sách này, dự án sẽ triển khai khởi công vào cuối năm 2024 và cơ bản hoàn thành trong năm 2025, điều này sẽ giúp tuyến cao tốc trên giảm tai nạn giao thông…
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao những nỗ lực của hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế trong việc giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư, phối hợp các nhà thầu triển khai xây dựng các tuyến cao tốc.
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã đưa vào khai thác nhưng bộc lộ nhiều bất cập, liên tục xảy ra tai nạn giao thông, thiếu các tuyến đường ngang đấu nối với các khu kinh tế, khu công nghiệp nên hiệu quả khai thác không cao. Đây là bài học cho những dự án sau.
Đối với Dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ qua tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị đang triển khai, cần phải đầu tư đồng bộ, đảm bảo tiêu chuẩn để khi đưa vào khai thác có hiệu quả. Dự án này hiện nay chậm tiến độ nên cần làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan đơn vị, địa phương, ban quản lý, nhà thầu thi công…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị phối hợp triển khai dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, tập trung bố trí tái định cư đảm bảo sinh kế cho người dân. Đồng thời, đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội của hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị ghi nhận lại những đề xuất, ý kiến, kiến nghị trong buổi làm việc, trên cơ sở đó sẽ tổng hợp lại để sắp tới Đoàn sẽ có buổi làm việc với Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ. Qua buổi giám sát, Đoàn cũng đã rút ra nhiều vấn đề quan trọng trong việc xây dựng cao tốc là cần đồng bộ giữa kế hoạch, chiến lược, đầu tư có tầm nhìn dài hạn, hiệu quả cả về trước mắt lẫn lâu dài, hiện đại và hiệu quả kinh tế...