Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được lãnh đạo
Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm, chú trọng. Đây là thuận lợi lớn đối
với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao). Cùng
với đó, kiều bào cũng thể hiện niềm tự hào đối với vị thế của đất nước
năm 2017, năm ghi dấu ấn của Việt Nam về đối ngoại với việc tổ chức
thành công Năm APEC Việt Nam 2017.
Nhân dịp đón Xuân Mậu Tuất 2018, chiều 7/2, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt kiều bào tiêu biểu về dự Chương trình Xuân quê hương 2018. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất
2018, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng
Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
về những kết quả đạt được trong công tác kiều bào năm qua và phương
hướng đẩy mạnh hoạt động thời gian tới.
Xin Thứ trưởng cho biết kết quả công tác vận động người
Việt Nam ở nước ngoài năm 2017 và những yếu tố tác động đến hiệu quả
công tác kiều bào thời gian qua?
Năm 2017 được coi là một năm thành công của
ngành ngoại giao Việt Nam với việc tổ chức thành công Năm APEC Việt Nam
2017 trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang biến đoàn đổi
nhanh chóng. Đóng góp vào thành tựu chung của đối ngoại Việt Nam, công
tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài được triển khai toàn diện, thu
nhiều được kết quả tích cực.
Với sự hỗ trợ của Ủy ban và các cơ quan đại
diện, các tổ chức hội đoàn kiều bào tiếp tục được củng cố, mở rộng. Năm
2017, có khoảng 20 hội, đoàn tổ chức đại hội, 10 hội được thành lập
mới. Đặc biệt, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng tăng lên, nhất là tại
một số địa bàn khó khăn thì năm vừa qua đã được cơ bản giải quyết. Lớp
kiều bào trẻ, doanh nhân bắt đầu tham gia vào bộ máy lãnh đạo các hội,
đoàn, tạo niềm tin, phấn khởi trong cộng đồng. Công tác đại đoàn kết dân
tộc, vận động các nhân vật có ảnh hưởng trong cộng đồng tại Mỹ,
Australia, Canada được triển khai hiệu quả.
Đối với những chính sách mới của các quốc gia, vùng lãnh thổ về di
trú, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực phối hợp
với các cơ quan liên quan bám sát tình hình, báo cáo kịp thời và tham
mưu lên lãnh đạo các cấp để kịp thời triển khai giải pháp, góp phần tạo
sự an tâm, bình ổn trong cộng đồng.
Đảng và Nhà nước rất coi trọng và có chính sách cụ thể nhằm thu hút,
phát huy nguồn lực trí tuệ của trí thức, doanh nhân kiều bào. Từ đó,
kiều bào tham gia ngày càng nhiều hơn vào các hoạt động do Ủy ban Nhà
nước về người Việt Nam ở nước ngoài và các nhóm trí thức, doanh nhân
kiều bào tổ chức.
Năm 2017, số lượng trí thức, kiều bào về nước khoảng
300 lượt, tham dự nhiều dự án trong các lĩnh vực mới như: Hệ sinh thái
dữ liệu mở - AVSE, Đồng hồ nước thông minh, Hội nghị thường niên các nhà
kinh tế học 2017… Tại các hoạt động này, nhiều trí thức, doanh nhân
kiều bào đã có những đóng góp tâm huyết, đa dạng, từ các vấn đề kinh tế,
xã hội, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển công nghệ thông tin, công nghệ
kỹ thuật cao đến giáo dục, y tế, môi trường…
Về kinh tế, đầu tư, kiều hối năm 2017 đạt 9,5 tỷ USD, cao hơn so với năm 2016. Đến nay, đã có 51/63 tỉnh, thành phố có các dự án đầu tư của kiều bào với hơn 3.600 doanh nghiệp đóng góp số vốn 8,6 tỷ USD. |
Cùng đó, phong trào giữ gìn văn hóa - tiếng Việt trong cộng đồng nở
rộ, được triển khai thành nền nếp, đạt kết quả tích cực ở nhiều quốc
gia, khu vực. Đến nay, Ủy ban Nhà nước đã cung cấp 60.000 bộ sách tiếng
Việt cho các cơ sở giáo dục, tổ chức tập huấn cho hơn 200 giáo viên kiều
bào về nghiệp vụ sư phạm, tổ chức liên tục 14 trại hè Việt Nam cho
thanh niên, học sinh kiều bào.
Nhận thức về công tác người Việt Nam ở nước ngoài ở các cơ quan
Trung ương, địa phương trong năm 2017 có sự thống nhất và được nâng cao
hơn. Đặc biệt, trong công tác hỗ trợ kiều bào hội nhập, bảo đảm quyền
lợi chính đáng và đáp ứng nhu cầu của bà con khi về nước.
Trong điều kiện hiện nay, để thực hiện tốt công tác về
người Việt Nam ở nước ngoài, theo Thứ trưởng cần những yếu tố gì?
Theo tôi, công tác đối với người Việt Nam ở
nước ngoài cần được quán triệt đầy đủ để người dân Việt Nam ở trong và
ngoài nước đều phát huy tốt truyền thống đại đoàn kết dân tộc. Bên cạnh
đó, cần có tính đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong
nước trong việc tham mưu, xây dựng và triển khai các chính sách liên
quan đến người Việt Nam ở nước ngoài.
Chúng ta cũng cần tăng cường hơn nữa nhận thức của các cơ quan chức
năng, chính quyền địa phương, người dân về công tác người Việt Nam ở
nước ngoài. Vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng
cần được nâng cao để thực sự là địa chỉ tin cậy của bà con, là cầu nối,
tổ ấm của người Việt ở nơi xa xứ.