Nhân sự dự kiến không trúng cấp ủy
Trung tuần tháng 7 vừa qua, dư luận xôn xao khi ông Đỗ Huy Chiến, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai (thành phố Hà Nội) nhiệm kỳ 2016 - 2021 không trúng cử Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Quốc Oai khóa XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Trước đó, vào tháng 2/2018, theo quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, ông Đỗ Huy Chiến, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên được chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Huyện ủy Quốc Oai nhiệm kỳ 2015 - 2020, phụ trách công tác chính quyền, được giới thiệu để HĐND huyện Quốc Oai bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Tại Kỳ họp bất thường HĐND huyện Quốc Oai tháng 3/2018, 100% đại biểu HĐND huyện đã tán thành bầu ông Đỗ Huy Chiến, Phó Bí thư Huyện ủy Quốc Oai giữ chức Chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2016 - 2021 thay ông Nguyễn Hồng Lâm.
Trường hợp như ông Đỗ Huy Chiến không phải là cá biệt. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, nhiệm kỳ 2020-2025, hồi cuối tháng 5/2020, ông Lê Thanh Thuận, đương kim Bí thư Đảng ủy xã nhiệm kỳ 2015-2020 và ông Vũ Văn Vân, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã, đã trượt khỏi Ban Chấp hành Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 do không đủ số phiếu bầu.
Hay Đảng bộ phường Đồng Phú, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 vào trung tuần tháng 6/2020. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ phường nhiệm kỳ mới gồm 15 người. Ông Hà Xuân Hiền, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Đồng Phú được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ phường nhưng không trúng cử vào Ban Thường vụ Đảng ủy phường nhiệm kỳ 2020-2025.
Nhìn nhận về vấn đề này, GS.TSKH Phan Xuân Sơn, Viện Chính trị học (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đánh giá có hai khả năng dẫn đến tình huống nhân sự dự kiến bầu không trúng cấp ủy, đó là do không được tín nhiệm hoặc có thể có sự mất đoàn kết, chia rẽ trong nội bộ.
Trong trường hợp đơn vị đó có sự mất đoàn kết, chia rẽ thì phải thu thập tài liệu, nghiên cứu, điều tra và xử lý vấn đề này. GS.TSKH Phan Xuân Sơn cho rằng, việc nhân sự dự kiến không trúng cấp ủy không phải điều bất thường bởi trên cơ sở ý kiến của cấp ủy khóa cũ giới thiệu nhân sự nhưng quyền quyết định thuộc về Đại hội.
Ở một góc độ khác, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình Bùi Mai Hoa cho rằng, việc nhân sự dự kiến bầu không trúng cấp ủy là sự không thành công của đại hội. Để xử lý tình huống này, bà Bùi Mai Hoa nêu ý kiến: Người chủ trì đại hội phải rất bình tĩnh, xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy cấp trên và tiếp tục điều hành đại hội theo chương trình đã được thông qua. Sau đại hội sẽ căn cứ nhân sự cụ thể để xin ý kiến cấp trên và kiện toàn tại phiên họp Ban Chấp hành trong nhiệm kỳ mới.
Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, các đồng chí chủ chốt không trúng cử thể hiện sự tín nhiệm không cao. Nguyên tắc xử lý tình huống này là phải tôn trọng kết quả của Đại hội. Cũng cùng quan điểm này, Bí thư thành ủy Hải Dương Lê Đình Long nhấn mạnh, cho dù kết quả thế nào cũng phải đảm bảo đúng nguyên tắc bầu cử.
Theo ông Lê Đình Long, vấn đề đặt ra là sắp xếp vị trí cho các đồng chí không trúng cử vào Ban Chấp hành như thế nào. Với Hải Dương, ông Lê Đình Long cho biết những đồng chí uy tín giảm sút, ngay từ đầu đã được các đồng chí trong cấp ủy làm việc, trao đổi, vận động, tuyên truyền. Theo đó, có đồng chí cho nghỉ theo quy định, có đồng chí bố trí các vị trí công tác khác, thậm chí vẫn cho tham gia dự đại hội nhưng sau đại hội sẽ phân công công việc. Có những vị trí nhân sự chưa đảm bảo điều kiện sẽ bầu khuyết và sau đại hội, Ban Thường vụ sẽ xem xét để chỉ định bổ sung...
Chỉ định chức danh chủ chốt tại Đại hội
Qua đại hội đảng bộ các cấp, có thực tế là một số đảng bộ không tiến hành bầu chức danh chủ chốt (bí thư, phó bí thư); tại phiên họp thứ nhất của Ban Chấp hành khóa mới thực hiện việc chỉ định bí thư, phó bí thư.
Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra trong 3 ngày: 9,10 và 11/8. Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã bầu 2 Phó bí Huyện ủy nhiệm kỳ mới và để khuyết vị trí Bí thư Huyện ủy.
Trong phiên bế mạc đại hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy công bố Quyết định về việc chỉ định bà Hà Thị Hương thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy Quan Sơn; thôi giữ chức Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quan Sơn, tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Huyện ủy Quan Hóa, nhiệm kỳ 2020-2025.
Trước đó, tháng 5/2020, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Cẩm Thủy lần thứ XXVI, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng đã công bố Quyết định chỉ định ông Lê Văn Trung thôi giữ chức Bí thư Tỉnh đoàn, tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Huyện ủy Cẩm Thủy, nhiệm kỳ 2020-2025.
Cuối tháng 7 vừa qua, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Càng Long (Trà Vinh) nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng bầu khuyết vị trí Bí thư Huyện ủy. Sau đó, cũng ngay tại Đại hội, Tỉnh ủy Trà Vinh công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc điều động bà Huỳnh Thị Hằng Nga, Bí thư Tỉnh đoàn tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, chỉ định bà Nga giữ chức Bí thư Huyện ủy Càng Long nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Câu chuyện của Đảng bộ huyện Quan Hóa, Cẩm Thủy (Thanh Hóa) hay Đảng bộ huyện Càng Long (Trà Vinh) tuy không trái với quy định, nhưng cần tránh gây băn khoăn cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Trao đổi về vấn đề này, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến cho rằng, trước khi thực hiện chỉ định bí thư tại đại hội, các cơ quan chức năng phải tham mưu cho Ban Thường vụ để tiến hành trao đổi, tạo sự thống nhất về nhân sự tại cơ sở. Bà Hoàng Yến nhận định, khi hiểu rõ vấn đề, việc triển khai sẽ đồng thuận, mang lại hiệu quả.
Chú trọng vào khâu trọng yếu là công tác cán bộ của Đảng, đặc biệt khi các Đảng bộ cấp trên cơ sở trong cả nước khẩn trương tiến hành đại hội, tại Hội nghị giao ban trực tuyến Ngành Tổ chức xây dựng Đảng mới đây, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, nhất là người đứng đầu phải thật sự công tâm, khách quan, trong sáng, chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động, các quy chế, quy định của Đảng trong quá trình giới thiệu, lựa chọn nhân sự, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, đúng người, đúng việc; tránh tình trạng “làm đúng quy trình, quy định nhưng không chọn đúng người, đúng việc”.
Bám sát nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đúc rút kinh nghiệm từ thực tế tiến hành đại hội đảng bộ cơ sở và cấp trên cơ sở, trong thời gian tới các cấp ủy đảng sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác chuẩn bị và tiến hành đại hội. Trong đó, công tác nhân sự phải được tiến hành từng bước, từng việc, chắc chắn, thận trọng, chặt chẽ, đúng quy trình, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, phải thực sự đúng người, đúng việc. Đây sẽ là cơ sở để tổ chức thành công đại hội đảng bộ cấp tỉnh, thành phố, tiến tới Đại hội XIII của Đảng.