Bước vào năm 2020, đại dịch COVID-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là sự bùng phát trở lại từ cuối tháng 7, với tính chất nguy hiểm hơn, tác động sâu sắc mọi mặt đời sống đất nước. Trong bối cảnh đó, các cấp ủy Đảng đã nỗ lực vượt qua khó khăn để tổ chức tốt đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở theo đúng tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị. Đến cuối tháng 8/2020, các đảng bộ trên cả nước đã cơ bản hoàn thành đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở, nghiêm túc thực hiện các quy định, hướng dẫn của Trung ương, bảo đảm phát huy dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm. Đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở được tổ chức chu đáo, trang trọng và thành công, đã khơi dậy không khí sôi nổi, phấn khởi trong từng đảng bộ cơ quan, đơn vị, địa phương, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị quan trọng của Đảng, của đất nước.
Bám sát Chỉ thị 35 trong chuẩn bị đại hội
Tính tới thời điểm này, nhiều địa phương trong cả nước như Ninh Bình, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Quảng Nam, Ðà Nẵng, Hà Nội, Cao Bằng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Bến Tre, Tây Ninh... đã hoàn thành đại hội cấp trên cơ sở. Công tác chuẩn bị đại hội được các cấp ủy triển khai bám sát Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, trong đó hai nội dung quan trọng nhất của mỗi kỳ đại hội là chuẩn bị văn kiện và chuẩn bị nhân sự cho cấp ủy khóa mới được đặc biệt chú trọng.
Các Đảng bộ đã sớm chủ động xây dựng các văn kiện bảo đảm quy trình theo hướng dẫn của Trung ương và Tỉnh ủy; huy động sự đóng góp ý kiến rộng rãi của các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc, ý kiến tham gia của nhân dân. Nội dung báo cáo chính trị đánh giá được những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phù hợp với đặc điểm tình hình của từng đảng bộ, địa phương.
Công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy khóa mới được thực hiện chặt chẽ, kỹ lưỡng, đúng quy trình, phát huy dân chủ, bảo đảm yêu cầu về tiêu chuẩn, cơ cấu và số lượng. Tại một số địa phương nguồn nhân sự được tổ chức khảo sát lấy ý kiến trong cấp ủy, cán bộ chủ chốt, nơi cư trú theo đúng quy trình hướng dẫn và trên cơ sở nguồn quy hoạch cán bộ; cơ bản đảm bảo cơ cấu 3 độ tuổi trong Ban Chấp hành; có chú ý phát hiện những nhân tố mới có đức, có tài, có triển vọng về lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc…
Công tác tuyên truyền, bảo đảm an ninh và cơ sở vật chất phục vụ đại hội được chuẩn bị chu đáo với tinh thần trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả. Những bài học kinh nghiệm được rút ra từ các đại hội sẽ giúp các cấp ủy tổ chức thành công đại hội đảng bộ cấp tỉnh, thành phố, tiến tới Đại hội XIII của Đảng.
Vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng
Từ ngày 19/5 đến ngày 30/6, Tỉnh ủy Lào Cai đã chỉ đạo 14 Đảng bộ trực thuộc (trong đó có 9 Đảng bộ huyện, thị xã, thành phố) tổ chức xong đại hội đại biểu nhiệm kỳ 2020-2025, theo quy định Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị. Con số ấn tượng này đã giúp Lào Cai ghi dấu mốc hoàn thành đại hội đại biểu đảng bộ cấp trên cơ sở sớm nhất cả nước.
Đến cuối tháng 7/2020, toàn thành phố Cần Thơ đã tổ chức xong đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở, sớm hơn 2 tuần so với kế hoạch, bao gồm: 9 Đảng bộ quận, huyện; 5 đảng bộ khối, ngành trường học và 1 đảng bộ cơ sở được giao quyền cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy với tổng số trên 52.000 đảng viên.
Tính đến ngày 18/8, 50/50 đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội đã hoàn thành đại hội nhiệm kỳ 2020-2025. Nỗ lực này đưa Hà Nội cùng với Yên Bái, Quảng Ninh... là những địa phương hoàn thành đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở sớm trong cả nước, là tiền đề quan trọng hướng tới tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ tỉnh, thành phố.
Theo đánh giá của Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh, tuy đại dịch COVID-19 đã gây rất nhiều khó khăn trong quá trình chuẩn bị cũng như tiến hành đại hội, nhưng vượt lên những trở ngại, các đơn vị, địa phương đã nỗ lực, tích cực, sáng tạo để tháo gỡ khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Trong đó nổi bật là quy trình nhân sự được chuẩn bị chặt chẽ, công tác tuyên truyền, khánh tiết trong điều kiện ảnh hưởng đại dịch nhưng không để xảy ra sơ suất.
Đồng chí Vũ Đức Bảo, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho biết, không chỉ bảo đảm về tiến độ, các đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở của thành phố Hà Nội còn bảo đảm về chất lượng. Đại bộ phận các đảng bộ đều chuẩn bị rất kỹ về văn kiện, cụ thể hóa phù hợp với đặc điểm, tình hình đảng bộ và phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể thông qua việc lấy ý kiến cán bộ lão thành, các ngành, các giới...
Báo cáo chính trị trình Đại hội đánh giá kết quả sát thực tiễn, từ đó xác định cụ thể những phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, các khâu đột phá, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu có tính khả thi cao. Chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội của cấp ủy, là nội dung mới trong nhiệm kỳ đại hội 2020-2025 nhưng đã được 50/50 cấp ủy chuẩn bị nghiêm túc, bám sát nghị quyết của cấp ủy, rõ phương hướng mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu. Các nội dung, giải pháp thực hiện rõ ràng, có tính khả thi cao gắn với phân công “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ" nhằm sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Tại Cần Thơ, Ban Thường vụ Thành ủy đánh giá văn kiện đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở được chuẩn bị khá chu đáo, nhất là dự thảo báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm của cấp ủy, nghị quyết đại hội và dự thảo chương trình hành động của cấp ủy khóa mới. Việc thảo luận các dự thảo văn kiện trình đại hội được thực hiện nghiêm túc trước và trong đại hội. Công tác chuẩn bị nhân sự được tiến hành chặt chẽ, đúng quy trình, quy định từ khâu rà soát quy hoạch đến việc xây dựng đề án, phương án nhân sự cấp ủy và các chức danh chủ chốt của cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra cấp ủy; gắn với chuẩn bị nhân sự lãnh đạo Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.
Đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở thực hiện đầy đủ 4 nội dung theo Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị và các hướng dẫn của Trung ương, Thành ủy Cần Thơ. Công tác điều hành đại hội đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, bám sát quy định của Đảng. Đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở đã bầu 450 cấp ủy viên đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn, cơ cấu theo quy định; bầu 337 đại biểu dự Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó có 309 đại biểu chính thức và 28 đại biểu dự khuyết.
Một số kinh nghiệm từ thực tiễn
Chia sẻ kinh nghiệm tổ chức thành công đại hội cơ sở và cấp trên cơ sở, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo nhận định yếu tố mấu chốt là chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Qua thực tế bước đầu triển khai đã khẳng định những chỉ đạo đó góp phần vào thành công của các đại hội, trong đó có công tác nhân sự. Theo ông Vũ Đức Bảo, công tác nhân sự phải có sự chuẩn bị từ trước khi đại hội, từ quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng.
Cùng với đó là việc xử lý các điểm nóng, đơn thư, các vấn đề bất cập… để bước vào đại hội thực hiện đúng tinh thần công khai, dân chủ. Đặc biệt 16 đoàn công tác, 16 đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy luôn sâu sát cơ sở, nắm bắt chính xác diễn biến tình hình, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc; hướng dẫn từng nội dung đại hội theo đúng tinh thần chỉ đạo. Đồng thời, Ban Thường vụ Thành ủy đã lựa chọn chính xác, tổ chức sớm và thành công 3 đại hội điểm đảng bộ cấp trên cơ sở; ngay sau khi hoàn thành tổ chức đã rút kinh nghiệm, phổ biến tài liệu, hướng dẫn, lưu ý những vấn đề liên quan.
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng Đào Khánh Hà, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên bổ khuyết những điều nắm chưa rõ. Việc tuyên truyền phải bám sát hơi thở cuộc sống, chi tiết về chuẩn bị nhân sự, kết quả bầu, những hoạt động chào mừng… Nhấn mạnh nếu tuyên truyền mà chờ đại hội mới làm thì không kịp mà phải làm sớm hơn và kỹ hơn, rõ hơn với tinh thần cầu thị, dân chủ, đặc biệt chú ý tới trách nhiệm người đứng đầu, đồng chí Đào Khánh Hà cho rằng các nội dung về công tác chuẩn bị, tiến hành đại hội được tuyên truyền kịp thời sẽ tạo tâm lý vui tươi, phấn khởi trong đông đảo quần chúng nhân dân.
Để thu hút sự quan tâm của nhân dân đối với sự kiện chính trị quan trọng của địa phương và toàn quốc, các hình thức tuyên truyền khác như triển lãm, tọa đàm, các phong trào thi đua cũng cần được đẩy mạnh đồng thời với việc tăng dần thời lượng và tần suất, tạo không khí hưởng ứng sôi nổi, tin tưởng trong toàn dân, hướng tới đại hội đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Cùng quan điểm cần tuyên truyền sớm về việc tổ chức đại hội, Bí thư Thành ủy Hải Dương Lê Đình Long chia sẻ câu chuyện của thành phố Hải Dương khi được công nhận là đô thị loại 1. Từ thực tiễn đã trải qua, Thành ủy Hải Dương luôn quan tâm công tác tuyên truyền, đặc biệt đối với sự kiện chính trị quan trọng này, công tác tuyên truyền được xác định là nhiệm vụ đầu tiên, để đại hội thực sự là ngày hội, thu hút sự quan tâm của người dân. Theo Bí thư Lê Đình Long, việc tuyên truyền không chỉ chú trọng trước, trong mà sau đại hội vẫn phải tiếp tục triển khai để tăng cường niềm tin của người dân với Đảng.
Nhấn mạnh chuẩn bị nội dung văn kiện là một trong những nhiệm vụ quan trọng để đại hội thành công, Bí thư Lê Đình Long nêu rõ báo cáo chính trị phải chuẩn bị kỹ lưỡng, cẩn trọng. Tiểu ban văn kiện tiếp thu giải trình và báo cáo rõ vấn đề nào tiếp thu, vấn đề nào không tiếp thu. Trong quá trình đó, Thành ủy đã nhận nhiều đóng góp, nhận được ý kiến quý báu từ các chuyên gia, nhà quản lý, các nhà khoa học, đại biểu các tầng lớp nhân dân…
Điều quan trọng nữa, theo ông Lê Đình Long là phải đưa được nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Muốn làm được điều đó thì công tác cán bộ đóng vai trò quan trọng. Chính cán bộ tạo niềm tin để nhân dân triển khai nghị quyết của Đảng. Và lần này, Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Dương ghi thẳng vào Nghị quyết là phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ quy trình. "Hiện, chúng tôi cũng đang xây dựng quy chế và chuẩn bị trình báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ, trong đó có thêm quy định, bất cứ đồng chí nào trong một năm có ba nhiệm vụ không hoàn thành thì để người khác làm. Đáng chú ý, Nghị quyết cũng ghi rõ việc tạo điều kiện cho cán bộ đi học nhưng sau khi học về phải đưa ra sáng kiến áp dụng hiệu quả vào thực tiễn thành phố thì mới thanh toán tiền học. Vấn đề này được coi là đốt cháy giai đoạn nghiên cứu để áp dụng luôn vào thực tiễn"- Bí thư Lê Đình Long chia sẻ.
Theo đồng chí Bùi Mai Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình, trên cơ sở phải tổ chức nghiêm túc việc nghiên cứu, quán triệt nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên, các cấp ủy phải chủ động tập trung triển khai sớm, chặt chẽ các nội dung liên quan đến đại hội. Đồng thời, nắm chắc tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là vấn đề nhân sự, để giải quyết kịp thời những vấn đề khó khăn, vướng mắc, phát sinh trước khi bước vào đại hội. Các văn kiện, văn bản phục vụ đại hội phải được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, đầy đủ, chi tiết và đúng quy định.
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh Vũ Quyết Tiến chia sẻ, để tổ chức thành công đại hội đảng bộ cấp huyện và tương đương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan tham mưu thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, giám sát quy trình, công tác chuẩn bị đại hội một cách bài bản, kỹ lưỡng, làm đến đâu chắc đến đó. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức duyệt đại hội đối với từng Đảng bộ, định hướng chặt chẽ các nội dung đại hội, nhất là việc xây dựng dự thảo văn kiện và nhân sự tại đại hội, bảo đảm cơ cấu, số lượng, chất lượng, tỷ lệ theo quy định.
Các đảng bộ cấp trên cơ sở đã nghiêm túc triển khai Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị trong tổ chức đại hội, đồng thời có những cách làm sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương, đơn vị để hoàn thành đại hội đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, là tiền đề vững chắc để tổ chức thành công đại hội đảng bộ cấp tỉnh, thành phố, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Bài 2: Phát huy dân chủ trong Đảng qua bầu trực tiếp Bí thư cấp ủy tại Đại hội