Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là một trong số các đơn vị đang lưu giữ nhiều kỷ vật quý giá về Bác Hồ. Những hiện vật, tài liệu nơi đây đều chứa đựng trong đó câu chuyện về từng chặng đường hoạt động cách mạng và những câu chuyện xúc động về tình cảm của Người với nhân dân và tấm lòng của nhân dân Việt Nam, bạn bè quốc tế dành cho Bác. Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn Bức ảnh nổi tiếng "Bác Hồ bắt nhịp bài ca Kết đoàn" của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long, nguyên phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã ghi lại hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng trên bục nhạc trưởng, cầm đũa chỉ huy, bắt nhịp dàn hợp xướng hát bài ca "Kết đoàn" tại công viên Bách Thảo, Hà Nội ngày 3/9/1960. Đây là một phần quan trọng của buổi dạ hội do Đoàn thanh niên Hà Nội tổ chức chào mừng 15 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam.
Bác Hồ bắt nhịp bài ca “Kết đoàn”. |
Nhắc đến sự kiện Bác Hồ bắt nhịp bài ca "Kết đoàn", không thể không nhắc đến chiếc đũa chỉ huy Người dùng trong buổi dạ hội đó. Hiện nay, chiếc đũa chỉ huy này đang được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam lưu giữ, trưng bày trong hệ thống trưng bày thường xuyên của bảo tàng. Chiếc đũa làm bằng gỗ, dài 48 cm. Người đặt làm chiếc đũa đó là ông Nguyễn Quang Thiện, lúc đó là Giám đốc Nhà hát giao hưởng hợp xướng nhạc vũ kịch Việt Nam.
Theo lời kể của ông Nguyễn Quang Thiện và cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia: Khi đó, ông Nguyễn Quang Thiện không khỏi lo lắng về tiết mục biểu diễn của đơn vị mình tại buổi dạ hội, điều khiến ông trăn trở là phải làm một chiếc đũa chỉ huy dàn nhạc thật tốt, đúng kiểu và quan trọng là không bị gãy trong lúc chỉ huy. Do đó, ông cho làm 2 chiếc đũa, sau 10 ngày đã hoàn thành. Hai chiếc đũa được ông Nguyễn Quang Thiện cất kĩ vào tủ, đúng ngày diễn ra dạ hội mới đem cả 2 chiếc đũa đặt lên trên bục chỉ huy của nhạc trưởng để chuẩn bị cho buổi biểu diễn trước đông đảo quan khách và nhân dân.
Đúng 20 giờ 30 phút tối 3/9/1960, Bác Hồ và các vị khách quốc tế đến. Bác thật giản dị, hiền từ trong chiếc áo lụa trắng, quần đen và đôi dép cao su, đôi mắt sáng ngời và chòm râu bạc trắng như cước. Theo nguyện vọng của đông đảo nhân dân, Bác Hồ bước lên bục chỉ huy, cầm đũa nhạc trưởng và Người hỏi các nghệ sĩ có hát được bài Kết đoàn hay không? Mọi người nói có và Người bắt đầu bắt nhịp bài ca "Kết đoàn". Bác cầm đũa chỉ huy, hướng về phía dàn nhạc và dàn hợp xướng như một nhạc trưởng thực thụ. Các nhạc công và ca sĩ nhìn vào người nhạc trưởng đặc biệt và đồng thanh cất lên với một giọng trầm hùng: "Kết đoàn chúng ta là sức mạnh...”.
Cây bút chì xanh đỏ Đó là một cây bút chì có 2 đầu xanh và đỏ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng để gạch trên phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa II, thực hiện quyền công dân như mọi người dân Việt Nam vào ngày 8/5/1960. Hiện cây bút chì này đang được bảo quản cẩn thận tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia với số đăng kí BTCM 41/ĐM.9 cùng với bức ảnh chụp khoảnh khắc Hồ Chí Minh bỏ phiếu với nhân dân phường Trúc Bạch.
Trong kì Đại hội này, Bác là ứng cử viên khu vực Ba Đình (Hà Nội), được 99,91% số phiếu bầu. Riêng về phần mình, Bác Hồ bỏ phiếu tại tổ bầu cử 52, khu vực Trúc Bạch, đơn vị bầu cử số 1 của khu Ba Đình. Sau khi thực hiện nghĩa vụ công dân, Bác Hồ đã ân cần hỏi thăm sức khỏe cán bộ, nhân dân, nhắc nhở ban tổ chức khu vực bầu cử làm việc chu đáo, trách nhiệm để cử tri đi bỏ phiếu đúng giờ. Tại địa điểm bầu cử này, các cử tri đều dùng cây bút chì xanh đỏ 2 mầu để gạch tên các đại biểu mà mình không đồng ý chọn.
Nói về cây bút chì đặc biệt này, các cán bộ của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết: Đây là một cây bút chì đã được dùng nhiều lần trong đợt bầu đại biểu Quốc hội tại điểm bầu cử số 1, khu vực Ba Đình. Do đó, cây bút chì đã bị mòn đi rất nhiều, chiều dài chỉ còn 14,5 cm. Hai mầu sơn xanh, đỏ đã bị bong tróc đôi chỗ. Cây bút chì này là hiện vật nhỏ, rất giản dị nhưng là kỉ vật thiêng liêng gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Cây bút chì này đã được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia mang đi trưng bày nhiều lần và lần nào cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của du khách trong nước, quốc tế, bởi ý nghĩa sâu sắc của nó. Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính tay dùng chiếc bút chì này như mọi người dân bình thường khác để thực hiện quyền công dân, lựa chọn những người có tài, có đức, vì dân để giữ trọng trách đại biểu của nhân dân trong Quốc hội khóa II.
Bác Hồ, vị lãnh tụ kiệt xuất nhưng hết sức gần gũi, bình dị, gắn bó với người dân Việt Nam. Mỗi kỉ vật của Người lúc sinh thời là di sản vô giá, sống mãi với thời gian, để các thế hệ người Việt Nam sau này hiểu hơn về cuộc đời của Bác, người chiến sĩ cộng sản đã dành trọn cuộc đời mình cho dân tộc.
Thanh Giang