Toàn Đảng, toàn dân ta đang tiếp tục ra sức thi đua “Học tập và làm theo tấm gương Đạo đức Hồ Chí Minh” để xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Nhân dịp kỷ niệm 123 năm Ngày sinh của Bác, xin phát biểu một vài suy nghĩ về những lời dạy của Người.
Bác Hồ kính yêu đã đi xa nhưng tư tưởng, đạo đức, tình cảm, tác phong của Người vẫn mãi mãi gần gũi, sáng soi dẫn lối cho chúng ta học tập, rèn luyện đạo đức và tác phong công tác, tinh thần phục vụ nhân dân.
Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh chính là Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư.
Hồ Chủ tịch gặp gỡ các đại biểu dự Hội nghị đại biểu Phụ nữ theo đạo thiên chúa toàn miền Bắc ngày 6/1/1960. Ảnh: Tư liệu - TTXVN |
Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư chính là phẩm chất trung tâm của đạo đức cách mạng trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh,(1) là cái lõi, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là nền tảng của đời sống mới, là mối quan hệ “với tự mình”.
Bác Hồ của chúng ta không chỉ vô cùng uyên bác về Triết học Mác - Lênin mà còn vô cùng uyên bác về Triết học cổ đại Phương Đông. Người quan niệm: Cần, Kiệm, Liêm, Chính là bốn đức tính của con người, như Trời có 4 mùa, Đất có 4 phương.(1) Đó là quy luật của vũ trụ, là mối quan hệ Thiên - Nhân - Địa (Có người nói : Thiên - Địa - Nhân). Trên là Trời, giữa là Người, dưới là Đất. Con người là Tiểu vũ trụ. Vì vậy con người cũng phải nằm trong quy luật của Vũ trụ : Trời có 4 mùa, đất có 4 phương thì con người phải có bốn đức tính đó. Nếu không thì không phải là con người
Bác so sánh bốn đức tính đó với cái vĩ đại của Thiên nhiên, của Vũ trụ để cho ta thấy được ý nghĩa, tầm vóc (1) vô cùng to lớn của bốn đức tính đó trong một con người. Thật là sâu sắc!
Và, Người đã giải thích cặn kẽ, cụ thể, dễ hiểu và khoa học nội dung từng khái niệm của “Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công, vô tư”. Riêng đối với chữ Chính, Bác đã nói khá kỹ. Bác dạy:
- Chính là ngay thẳng, không gian tà, là đúng đắn chính trực. Bác nói thêm: Điều gì không đúng đắn thẳng thắn tức là tà (Chẳng hạn như quan liêu, hách dịch, cửa quyền, thiếu dân chủ, xa dân, coi thường dân, tham nhũng, lãng phí, dối trên lừa dưới v.v…).
Đó là về khái niệm. Còn về hành động, việc làm cụ thể của Chính, Bác nêu 3 yêu cầu: Đối với mình, đối với người và đối với việc.
- Đối với mình, Bác dạy : Không tự cao, tự đại.
- Đối với người, Bác dạy 3 điều: Không nịnh trên, khinh (1) dưới; không dối trá, lừa lọc; luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết.
- Đối với việc, Bác cũng dạy 3 điều: Để việc công lên trên, lên trước việc tư, việc nhà; được giao nhiệm vụ gì thì quyết làm cho kỳ được; việc thiện thì nhỏ mấy cũng làm; việc ác thì nhỏ mấy cũng tránh.
Nếu chúng ta đọc kỹ và ngẫm nghĩ từng chữ, từng câu trong lời dạy của Bác, ta mới thấy ý nghĩa hết sức sâu xa của những lời Bác dạy.
Bác không nói nịnh trên, nạt dưới, mà nói nịnh trên khinh dưới. Trong chế độ cũ, bọn quan lại thường với trên thì ra sức luồn cúi, nịnh nọt, tâng bốc để mưu cầu mau được thăng quan, tiến chức, còn đối với dưới thì lại hống hách, hạch sách, quát nạt không coi ra gì. Vì vậy, Bác đã dạy không được khinh dưới. “Dối trá, lừa lọc” cũng là ngôn ngữ quần chúng, ngôn ngữ nhân dân. Bác nói rất dễ hiểu, ai cũng có thể hiểu được. Cán bộ không được dối trên, lừa dưới. Thế mới là Chính.
Bác cũng không nói: luôn tỏ ra, mà Bác dạy ta phải luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết. Tỏ ra, tức là trong bụng thì không thế, nhưng bề ngoài thì làm ra vẻ như thế. Luôn giữ thái độ tức là trong lòng phải thực sự như vậy. Mà, Bác dạy, trước tiên là phải chân thành, chứ không giả tạo, dối trá. Khiêm tốn, đoàn kết thật lòng.
Bác không nói việc tốt, việc xấu mà Bác nói việc thiện, việc ác.(2) “Thiện” “ác”, không còn chỉ là khái niệm nói lên tích chất của việc làm mà đã từ khái niệm, Bác nâng lên thành phạm trù đạo đức. Thiện là thuộc về lương tâm, lòng nhân ái, lòng thương người, là trái tim nhân hậu. (Ta thường nói : Việc làm từ thiện…) Cán bộ làm việc thiện, tức là người cán bộ có đạo đức cách mạng, là người biết thương dân, gần dân, tin dân, luôn đặt lợi ích của dân lên trên, lên trước hết. (3) Nói “ác” là nói tới “tội” rồi: “tội ác” ! Mà cán bộ, nếu làm điều ác tức là có tội với Nước, với Dân, với Đảng!
Đối với việc cũng vậy, từng từ, từng chữ, từng ý của Bác đều bao hàm ý nghĩa thật sâu sắc. Lời đầu tiên Bác dạy là phải “Để việc công lên trên, lên trước việc tư, việc nhà”. Tức là cán bộ, là công bộc của dân thì trước hết phải “Một lòng vì Nước, vì Dân, vì Đảng”. Đó là Chí công vô tư, mà có “Chí công, vô tư” thì mới thực hiện được “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”. Nhớ lại thời kỳ sau cách mạng tháng Tám, đầu kháng chiến chống Pháp, chúng ta có khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết”. Lợi ích, quyền lợi của Tổ Quốc là cao nhất, không cái gì sánh bằng. Ở đây, Bác nói “Để việc công lên trên, lên trước…” là muốn nhấn mạnh ý việc công tức là việc Nước, việc Dân, việc Đảng là cao nhất, là trước nhất.
Đến điều thứ hai, Bác dạy : “Được giao nhiệm vụ gì thì quyết làm cho kỳ được”. Bác không nói: thì quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc như nhiều người chúng ta thường nói. Ở đây, lại một lần nữa ta thấy Bác dùng ngôn ngữ, dùng cách diễn đạt của nhân dân, của quần chúng, đặc biệt của quần chúng lao động. “Làm cho kỳ được”, “Làm cho bằng được” là cách nói của bà con nông dân, của ông cha ta thường dùng, đã diễn tả một cách sinh động, đầy đủ cái quyết tâm cao độ dù khó khăn đến mấy cũng nhất định phải làm bằng được mới thôi!.
Nói về việc thiện và việc ác, Bác đã có một so sánh rất hay, rất dễ hiểu:
- Trên quả đất có hàng muôn triệu người. Song số người ấy có thể chia làm hai hạng : Người thiện và người ác.
- Trong xã hội tuy có trăm công, nghìn việc. Song những việc ấy có thể chia làm hai thứ : Việc chính và việc tà.
- Làm việc chính là người thiện,
- Làm việc tà là người ác !
- Siêng năng (Cần), tằn tiện (Kiệm), trong sạch (Liêm), và Chính là Thiện.
- Lười biếng, xa xỉ, tham lam là tà, là ác.
Bác kết luận: Liêm, Chính là phẩm chất của người cán bộ khi thi hành công vụ. Bác không nói là phẩm chất của người cán bộ chung chung mà Bác chỉ rõ: “Khi thi hành công vụ”. Bởi vì khi thi hành công vụ, khi làm việc công là lúc có điều kiện dễ nảy sinh lòng tham, lòng gian tà. Cho nên phải Liêm, Chính thì mới hoàn thành sứ mệnh vì Dân, vì Nước, vì Đảng.
Bác lại nhấn mạnh về mối quqn hệ biện chứng của “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” như sau: “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” có quan hệ chặt chẽ với nhau và với “Chí công, vô tư”. Ngược lại đã “Chí công, vô tư”, một lòng vì Nước, vì Dân, vì Đảng thì nhất định sẽ thực hiện được “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”.
Cuối cùng, để nhấn mạnh một lần nữa vai trò của phẩm chất đạo đức cao quý này (Chính) trong mối quan hệ chặt chẽ của bốn đức tính Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Bác đã dùng một hình ảnh so sánh rất sinh động: “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” là gốc rễ của Chính. Nhưng, một cây cần có gốc rễ, lại cần phải có ngành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải có Cần, kiệm, liêm nhưng còn phải Chính mới là người hoàn toàn”.
Nguyễn Chu Công