Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, ngày 7/6, Quốc hội họp toàn thể tại Hội trường nghe và thảo luận Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2012. Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp để nhân dân và cử tri cả nước cùng theo dõi. Phân bổ vốn Trái phiếu Chính phủ còn dàn trảiBáo cáo giám sát do ông Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội trình bày cho thấy: Chủ trương phát hành Trái phiếu Chính phủ đầu tư các công trình, dự án quan trọng giai đoạn 2006 - 2012 là đúng đắn, góp phần quan trọng nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Giai đoạn 2006 - 2012 trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, ký túc xá sinh viên, di dân tái định cư đã bố trí vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện 2.682 dự án với tổng mức đầu tư ban đầu trên 409.400 tỷ đồng. Tính đến thời điểm giao kế hoạch năm 2012, các dự án nêu trên đã điều chỉnh tổng mức đầu tư lên gần 684.800 tỷ đồng. Đến hết năm 2012 đã hoàn thành được 2.029 dự án. Các dự án, công trình hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng là những công trình quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu của quốc gia, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo ở các tỉnh khó khăn.
Báo cáo cũng chỉ rõ: Điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư quá lớn ở hầu hết các dự án dẫn đến mất cân đối về nguồn vốn. Việc phân bổ vốn Trái phiếu Chính phủ trong giai đoạn này còn dàn trải; nhiều dự án đang triển khai phải cắt, giảm, giãn, hoãn tiến độ, chuyển đổi hình thức đầu tư, gây lãng phí nguồn lực. Cơ chế phân bổ vốn Trái phiếu Chính phủ chưa hợp lý, không có tiêu chí phân bổ cụ thể dẫn tới chưa thực sự công bằng, dễ tạo ra cơ chế “xin - cho”…
Qua giám sát cho thấy, việc thực hiện các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ được triển khai khá đồng bộ. Trong đó, các cấp, các ngành, địa phương đã tập trung vào các biện pháp tiết kiệm trong khâu thẩm định dự toán, tổ chức đấu thầu, quyết toán công trình; không chỉ đem lại kết quả về hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng mà còn góp phần nâng cao kỷ luật tài chính trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước. Một số địa phương đã chú trọng công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công nhiều dự án, góp phần tiết kiệm thời gian, sớm đưa công trình vào sử dụng đem lại hiệu quả cao. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán được triển khai khá tích cực đã góp phần chống lãng phí…
Dù vậy, việc thực hiện Luật hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chưa nghiêm, bộc lộ những tồn tại, hạn chế như: Chất lượng quy hoạch phát triển hạ tầng ở một số bộ, ngành và địa phương chưa cao, thiếu sự phối hợp, lồng ghép và phù hợp với khả năng kinh tế và cân đối nguồn lực. Nhiều dự án trước khi quyết định đầu tư chưa đảm bảo thực hiện đúng quy định phải xác định rõ nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cân đối đủ nguồn vốn dẫn tới thiếu vốn nghiêm trọng, nợ đọng, dở dang, lãng phí. Một số địa phương, bộ, ngành cho phép đầu tư điều chỉnh, bổ sung quy mô dự án hoặc phê duyệt lại quy mô dự án quá mức, làm tăng tổng mức đầu tư, tăng mức bố trí vốn. Tình trạng các dự án dở dang, kéo dài, không bảo đảm tiến độ trong thực hiện, thi công, chậm đưa vào sử dụng. Công tác quản lý, phân bổ, cấp phát, thanh toán và quyết toán vốn có lúc, có nơi còn buông lỏng, chưa tuân thủ quy định...
Trên cơ sở phân tích thực trạng, nguyên nhân, Báo cáo cũng đưa ra những kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và địa phương để nâng cao hiệu quả việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản trong thời gian tới. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với phương án đề xuất của Chính phủ, trước mắt chưa phát hành thêm vốn Trái phiếu Chính phủ vì các bộ, ngành và địa phương đã rà soát, sắp xếp lại danh mục dự án theo mức kế hoạch vốn trung hạn được giao và huy động các nguồn vốn khác để bảo đảm hoàn thành dự án hoặc các hạng mục dự án, phát huy hiệu quả đầu tư.
Đề xuất đầu tư dứt điểm, không để lãng phí, thất thoát Thảo luận về nội dung này, đa số các Đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với những đánh giá, nhận định trong Báo cáo giám sát về kết quả và những tồn tại trong tổ chức thực hiện nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2006-2012 và việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực này. Đồng thời, đề xuất nhiều kiến nghị liên quan đến trách nhiệm trong vai trò quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện; giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý và hiệu quả sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ .
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Phương Thị Thanh phát biểu ý kiến. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN |
Đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) cho rằng Báo cáo chưa phân tích sâu nguyên nhân các dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, nhất là nguyên nhân chủ quan trong quá trình thực hiện các khâu của dự án; chưa đánh giá cụ thể việc thực hiện chủ trương cắt, giảm, giãn tiến độ một số dự án. Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, ưu tiên phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ hoặc tăng tổng mức ban hành vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 tiếp tục đầu tư vào các công trình dở dang để đưa vào sử dụng, nhất là ưu tiên các dự án đang bị cắt, giảm, giãn tiến độ tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bằng dân tộc thiểu số, miền núi. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm túc việc thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm thuộc trách nhiệm người có thẩm quyền.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Vũ Thị Hương Sen phát biểu ý kiến. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN |
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng việc điều chỉnh tăng mức đầu tư vốn Trái phiếu Chính phủ cần phải được nhìn nhận một cách khách quan để tìm ra nguyên nhân. Theo đại biểu, nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế quản lý vốn Trái phiếu Chính phủ là để ngoài cơ chế cân đối ngân sách nhà nước, vì vậy quản lý có phần bị buông lỏng hơn. Công tác chuẩn bị đầu tư của các địa phương trong thời gian ngắn, gấp gáp nên không có thời gian khảo sát, thiết kế, thẩm định. Bên cạnh đó, nếu các dự án sử dụng ngân sách tập trung, nguồn vốn ODA hầu như không có sự điều chỉnh tổng mức đầu tư, kiểm soát chặt chẽ thì dự án sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ lại có cơ chế điều chỉnh quá dễ dàng... Đại biểu kiến nghị cần tăng đầu tư cho các dự án dang dở, các dự án kích cầu nền kinh tế, đồng thời tăng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ để thực hiện các dự án đang triển khai.
Từ góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng Báo cáo giám sát cần bổ sung, phân tích sâu thêm về khía cạnh chức trách, nhiệm vụ của Quốc hội trong ban hành chủ trương và giám sát để từ đó làm rõ nguyên nhân, hướng khắc phục, đánh giá của Chính phủ, chính quyền địa phương. Đây sẽ là việc giúp Quốc hội thực hiện nhiệm vụ tốt hơn trong thời gian tới - đại biểu nhấn mạnh. Đại biểu cũng tán thành với kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án đề xuất của Chính phủ, trước mắt chưa phát hành thêm Trái phiếu Chính phủ khi chưa có đánh giá, tổng kết lại toàn bộ chương trình làm cơ sở để tính toán xem xét. Đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) nêu quan điểm: Cần thiết phải có cơ chế thống nhất, ổn định và tính toán kỹ thời điểm, thời gian, khối lượng trái phiếu phát hành. Đồng thời, tăng cường các biện pháp để không lãng phí nguồn lực, nhất là tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính và hiệu quả giám sát cho các cơ quan dân cử. Quốc hội cần kiên trì quan điểm về phân bổ Trái phiếu Chính phủ: Chỉ sau tổng kết mới đưa ra Nghị quyết hay quyết định tiếp theo. Nếu bổ sung, chỉ đảm bảo cho các dự án của cả Trung ương và địa phương ở các xã biên giới.