Thông tin về tình hình hoạt động của Samsung tại Việt Nam, ông Shim Wonhwan cho biết, kim ngạch xuất khẩu của Samsung hiện đạt 44 tỷ USD, kỳ vọng cuối năm sẽ đạt mức 52 – 53 tỷ USD. Hiện số lao động đang làm việc trực tiếp trong nhà máy của Samsung tại Việt Nam là 160.000 người, nếu tính cả lao động gián tiếp, con số này lên đến 180.000 người, không bao gồm các nhân viên làm việc trong các đơn vị cung ứng của Samsung.
Nếu như năm 2014, chỉ có 4 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung (cung ứng trực tiếp), thì đến năm 2017 đã là 29 doanh nghiệp và Samsung đặt mục tiêu đến năm 2020 con số này sẽ là 50 doanh nghiệp. Samsung đã xây dựng chương trình chi tiết, cụ thể nhằm bồi dưỡng doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung ứng của mình bằng việc tổ chức các cuộc hội thảo, triển lãm công nghiệp hỗ trợ để tìm kiếm doanh nghiệp cung ứng, cử các chuyên gia Hàn Quốc trực tiếp sang tư vấn về mặt kinh doanh, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp có tiềm năng trở thành nhà cung ứng. Để có nhiều doanh nghiệp được tư vấn, hỗ trợ, Samsung đặt mục tiêu đến 2019 sẽ đào tạo chuyên gia tư vấn là người Việt Nam và đang làm việc với Bộ Công Thương để triển khai công việc này.
Bên cạnh đó, Samsung cũng coi trọng đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề kỹ thuật thông qua các khóa đào tạo cho nhân viên trong Công ty; đưa người có tay nghề kỹ thuật sang đào tạo tại Hàn Quốc để có thể dự thi kỳ thi tay nghề thế giới.
Phát biểu tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng trước sự lớn mạnh của Samsung tại Việt Nam. Với các dự án tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và Thành phố Hồ Chí Minh, Samsung đã trở thành nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, với tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới 17,3 tỷ USD, góp phần tích cực vào tăng trưởng và cán cân thương mại tổng thể của Việt Nam. Hoạt động của Samsung tại Việt Nam đã góp phần tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động của Việt Nam, nhất là ở những địa phương có dự án.
Phó Thủ tướng đánh giá cao chương trình phát triển doanh nghiệp cung ứng, tạo điều kiện phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của Samsung tại Việt Nam. Đề nghị Samsung tích cực triển khai đầu tư các sản phẩm theo đúng kế hoạch, lộ trình đã dự kiến ở các địa phương có dự án đứng chân, sớm triển khai dự án trung tâm nghiên cứu phát triển tại Việt Nam, Phó Thủ tướng nêu rõ Chính phủ Việt Nam sẽ hỗ trợ tích cực để Samsung thực hiện dự án.
Là Tập đoàn đa ngành, đa quốc gia, Phó Thủ tướng cũng mong muốn Samsung mở rộng phạm vi đầu tư sang các lĩnh vực khác mà Samsung có thế mạnh như năng lượng, hạ tầng cảng, biển, khoa học, công nghệ, y tế, phát triển các công ty thanh toán; đẩy mạnh chương trình phát triển doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng của Samsung, tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa, lưu tâm sử dụng lao động nữ ngoài 35 tuổi.
Phó Thủ tướng mong muốn Samsung là mẫu mực thành công trong đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, là tấm gương trong kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài, tác động lan tỏa đến phát triển công nghiệp phụ trợ của Việt Nam.