Khác với mọi năm, năm nay do dịch COVID-19, nên Lễ Thượng cờ tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải được rút gọn số lượng người tham gia, nhưng ý nghĩa thiêng liêng của buổi lễ vẫn vẹn nguyên.
Tại buổi lễ, trong không khí trang nghiêm, trên nền nhạc Quốc ca hùng tráng, lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên và tung bay phấp phới kiêu hãnh trên Kỳ đài của Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Không khí bên bờ sông Bến Hải - con sông giới tuyến, trở nên trang trọng và thiêng liêng.
Chính nơi đây, lịch sử mãi mãi khắc ghi sau Hiệp định Giơnevơ được ký kết vào ngày 21/7/1954, đất nước bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc, lấy vĩ tuyến 17 là dòng sông Bến Hải làm ranh giới ngăn cách. Dòng sông Bến Hải hiền hòa, thơ mộng trở thành giới tuyến quân sự tạm thời, cầu Hiền Lương trở thành biểu tượng của nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất của dân tộc. Tỉnh Quảng Trị trở thành tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa và hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam, cũng là chiến trường nóng bỏng, khốc liệt nhất. Kẻ thù đã thực hiện nhiều cuộc hủy diệt với hàng chục vạn tấn bom đạn, chất độc hóa học cùng chiến lược chiến tranh ác liệt nhằm đưa Quảng Trị trở thành “vành đai trắng", biến Quảng Trị trở thành vùng "đất lửa." Thế nhưng, vượt qua mọi khó khăn, tàn khốc của cuộc chiến, Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị đã bất khuất, kiên cường anh dũng bám trụ, chiến đấu và bảo vệ quê hương đến ngày đất nước thống nhất.
Ngay sau Lễ Thượng cờ tại Kỳ đài của Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị, đã đến viếng, dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ, tri ân các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị và Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn.