Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (2/2/1908 - 2/2/2018), ngày 1/2, tại Thái Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Thái Bình tổ chức Hội thảo khoa học chủ đề “Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thái Bình”.

Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình cùng một số trường đại học và các nhà nghiên cứu khoa học dự Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, người chiến sỹ cộng sản kiên trung, bất khuất, nhà lãnh đạo mẫu mực của phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam; là người đồng chí, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Nguyễn Công Hải/TTXVN

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí đã để lại dấu ấn sâu đậm đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, giai cấp công nhân và Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh cũng là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng của một cán bộ lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Với 24 năm cuộc đời, trong đó có 7 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh luôn thể hiện tư tưởng kiên định lý tưởng cộng sản, đại diện giai cấp công nhân Việt Nam và hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc nhân dân.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Phạm Văn Sinh khẳng định, Hội thảo khoa học là dịp để tri ân những công lao, cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc; đồng thời góp phần khơi dậy truyền thống yêu nước, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, hăng hái thi đua lao động sáng tạo, phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, kế hoạch đặt ra.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã phân tích, làm rõ những nội dung cơ bản về cuộc đời, sự nghiệp, cống hiến của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thái Bình như: Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam; nhà lãnh đạo xuất sắc của phong trào công nhân và công đoàn Việt Nam; người học trò xuất sắc của lãnh tụ Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức cách mạng cao đẹp, trong sáng; đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là người con ưu tú của quê hương Thái Bình.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 2/2/1908, tại làng Diêm Điền, tổng Hổ Đội, huyện Thụy Anh (nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, từ những năm 1925-1926, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã tham gia nhiều phong trào yêu nước khi còn là học sinh trường Thành Chung Nam Định. Sau đó, đồng chí xin gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên; đây là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.

Đầu năm 1928, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được cử vào Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ, trực tiếp là Bí thư Tỉnh bộ Hải Phòng. Đồng chí đã cùng đồng chí Ngô Gia Tự đề nghị Hội nghị Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ tổ chức tháng 9/1928 thông qua chủ trương “vô sản hóa”, đưa các hội viên thâm nhập sâu rộng vào phong trào công nhân. Với chủ trương này, phong trào công nhân đã phát triển vượt bậc.

Đến năm 1929, phong trào công nhân có sự phát triển mạnh mẽ, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã có nhiều đóng góp cho sự ra đời của Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ (tổ chức tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).

Sự phát triển của cách mạng đòi hỏi phải có một tổ chức chính trị cao hơn, chặt chẽ hơn là Đảng Cộng sản để lãnh đạo phong trào. Tháng 3/1929, tại số nhà 5D phố Hàm Long (Hà Nội), Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam được thành lập gồm 8 đảng viên, trong đó có đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.

Tháng 6/1929, đồng chí được bầu làm Ủy viên Trung ương lâm thời của Đông Dương Cộng sản Đảng. Tháng 4/1931, trên đường đi công tác, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bị địch bắt. Mặc dù địch đã tra tấn dã man nhưng vẫn không lung lạc được người chiến sỹ cộng sản kiên trung. Đồng chí bị thực dân Pháp kết án tử hình và bị giết hại tại Hải Phòng vào ngày 31/7/1932.

Cùng ngày, tỉnh Thái Bình tổ chức lễ dâng hương và khánh thành nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại thị trấn Diêm Điền.

Hải Phòng trưng bày chuyên đề "Nguyễn Đức Cảnh - Người chiến sĩ cộng sản bất khuất, kiên trung"

Ngày 1/2, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng tổ chức trưng bày chuyên đề "Nguyễn Đức Cảnh - Người chiến sĩ cộng sản bất khuất, kiên trung", tại Bảo tàng Hải Phòng.

Các đại biểu tham quan khu trưng bày. Ảnh: Minh Thu/TTXVN

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2018) và 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (2/2/1908 - 2/2/2018).

Trưng bày chia làm hai phần. Phần I, giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với các nội dung: Thân thế; vai trò của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với việc vận động thành lập Đảng và Đảng bộ Hải Phòng; Nguyễn Đức Cảnh và phong trào công nhân. Phần II là chuyên đề “Sáng mãi tấm gương người cộng sản”, giới thiệu khái quát những đóng góp lớn lao của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đối với thành phố Hải Phòng, với việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và sáng lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ - tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày nay.

Với những hình ảnh, tư liệu lịch sử, chuyên đề góp phần giới thiệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh; đồng thời, giáo dục truyền thống cách mạng để nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ thêm hiểu biết sâu sắc hơn, tự hào hơn về công lao, đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh nói riêng và các bậc tiền bối cách mạng nói chung trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từ đó thêm tự hào, ra sức phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước.

Phát biểu tại lễ trưng bày, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng Lê Văn Quý đã khái quát về cuộc đời hoạt động của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và góp phần tích cực vào việc thành lập Đảng, thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ. Đồng chí là người sáng lập, đồng thời là Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương Hải Phòng và khu mỏ Hòn Gai. Sáng ngày 31/7/1932, đồng chí bị thực dân Pháp sát hại trước cửa Đề lao Hải Phòng khi mới 24 tuổi.       

Hải Phòng là quê ngoại của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh cũng là nơi đồng chí có nhiều hoạt động và gắn bó nhất. Trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Hải Phòng đã có nhiều hoạt động thiết thực tưởng nhớ công ơn và bày tỏ tri ân sâu sắc trước những đóng góp lớn của đồng chí với sự nghiệp cách mạng của thành phố.       

Trưng bày chuyên đề "Nguyễn Đức Cảnh - Người chiến sĩ cộng sản bất khuất, kiên trung" kết thúc vào ngày 30/4.
         
Thu Hoài - Minh Thu (TTXVN)
Lễ tưởng niệm 85 năm Ngày mất lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh
Lễ tưởng niệm 85 năm Ngày mất lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh

Tối 30/7, tại Hải Phòng, Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng tổ chức Lễ tưởng niệm 85 năm Ngày mất của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh (31/7/1932-31/7/2017).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN