Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn khẳng định: Thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám 1945 là kết quả quá trình vận động cách mạng của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây là bước nhảy vọt vĩ đại trong tiến trình lịch sử dân tộc, đập tan ách phát xít Nhật, lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp hơn 80 năm, đưa Việt Nam trở thành một nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Từ đây, nhân dân Việt Nam trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.
Với tầm vóc lớn lao đó, Cách mạng tháng Tám không chỉ nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế mà còn ghi dấu ấn vào lịch sử nhân loại thế kỷ XX như một trong những sự kiện có ý nghĩa thời đại vô cùng sâu sắc.
“Cách mạng tháng Tám năm 1945 là cuộc hồi sinh vĩ đại của một dân tộc biết nương tựa vào nhau, chung sức đồng lòng vì lẽ phải, lương tri và những giá trị làm người cơ bản mà giá trị số một là quyền được sống trong một quốc gia độc lập, có chủ quyền”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức nhấn mạnh.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ một số vấn đề: Khẳng định giá trị, tầm vóc thời đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945; vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam và của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình lãnh đạo Cách mạng tháng Tám; khẳng định những vấn đề có tính chiến lược, sách lược, thời cơ, những bài học về đường lối cách mạng, lực lượng cách mạng, bạo lực cách mạng, vấn đề khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng, vai trò của Mặt trận Việt Minh trong Cách mạng tháng Tám.
Bên cạnh đó, các tham luận cần làm rõ sự vận dụng, phát triển sáng tạo những bài học kinh nghiệm trong Cách mạng tháng Tám vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc và những vấn đề đặt ra trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay; phê phán các quan điểm, nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ; kiên quyết đấu tranh với các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch, phủ nhận giá trị lịch sử và hiện thực của Cách mạng tháng Tám.
Các đại biểu cho rằng: Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng, có ý nghĩa quyết định là sự lãnh đạo đúng, sáng suốt, khéo léo của Đảng; thể hiện sự vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta một cách đúng đắn, độc lập, tự chủ và sáng tạo. Đồng thời, Cách mạng tháng Tám thành công còn do tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quật cường của các tầng lớp nhân dân ta.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 để lại nhiều bài học quý báu, trong đó có bài học về sử dụng bạo lực cách mạng để giành chính quyền. Theo Trung tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hồi, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân, nội dung của bài học này thể hiện qua ba vấn đề cơ bản: Kiên quyết sử dụng bạo lực cách mạng để đập tan chính quyền của giai cấp thống trị, bóc lột; sử dụng bạo lực cách mạng một cách thích hợp, bao gồm bạo lực chính trị và bạo lực vũ trang; sử dụng bạo lực cách mạng đúng lúc để đập tan bộ máy nhà nước cũ, lập ra nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự đánh giá: Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Sau Cách mạng tháng Tám, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội được Đảng tiếp tục bổ sung, phát triển, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Tiến bước trên hành trình hướng tới mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” được mở ra từ Cách mạng tháng Tám 1945, qua hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Khẳng định công cuộc đổi mới càng mạnh mẽ càng đặt ra yêu cầu khách quan phải kiên định và giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên nêu rõ: Đó chính là lý tưởng, mục tiêu, đồng thời là nguồn gốc sức mạnh của cách mạng và dân tộc Việt Nam, đã được kiểm nghiệm từ thực tiễn phong phú của quá trình đấu tranh cách mạng.
Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Bạo, Giám đốc Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) nhấn mạnh: Hội thảo là hoạt động khoa học lý luận chính trị có ý nghĩa thiết thực, là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, khẳng định sức sống mãnh liệt, giá trị trường tồn của Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng thời vận dụng sáng tạo các giá trị, kinh nghiệm vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế.
Lịch sử tuy đã lùi xa, nhưng những giá trị của Cách mạng tháng Tám năm 1945 tiếp tục là hành trang để dân tộc Việt Nam bước tiếp trên con đường xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thông qua những kết quả đạt được từ hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Văn Bạo đề nghị cán bộ, giảng viên, học viên ở Học viện Chính trị nêu cao tinh thần trách nhiệm, vận dụng các nội dung, kết quả vào giảng dạy, nghiên cứu khoa học đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.