Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII

Sáng 21/11, tại Thủ đô Hà Nội, dưới sự chứng minh của Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam khóa VII và các Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam khóa VII, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2017 – 2022) đã khai mạc trọng thể.

Đoàn Chủ tịch Đại hội. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

1.250 đại biểu tăng ni, cư sĩ, phật tử ưu tú đại diện cho các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, các ban, viện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu về dự Đại hội.

Dự lễ khai mạc có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương; đại diện Đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các Đoàn đại biểu Phật giáo nước ngoài cùng đông đảo đồng bào phật tử Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi lẵng hoa chúc mừng.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thay mặt Thủ tướng Chính phủ tặng bức trướng “Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc” và tặng hoa chúc mừng Đại hội.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cũng tặng hoa, chúc mừng Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tặng hoa chúc mừng Pháp Chủ Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thích Phổ Tuệ. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Phát biểu khai mạc, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ VII, Trưởng ban Chỉ đạo Đại hội cho biết, mục tiêu của Đại hội VIII Giáo hội Phật giáo Việt Nam là: “Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển”, thể hiện quyết tâm của toàn thể tăng ni, phật tử Việt Nam tiếp tục phát huy trí tuệ tập thể, giữ vững kỷ cương, giới luật, nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp, bản lĩnh nhập thế, hội nhập của Phật giáo Việt Nam để xây dựng Giáo hội phát triển vững mạnh trong lòng dân tộc, kiên định theo lý tưởng: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. Đại hội đi sâu phân tích và làm sâu sắc về 9 mục tiêu mà Đại hội VIII (nhiệm kỳ (2017 - 2022) đề ra, tiếp tục tu chỉnh Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho phù hợp với Luật tín ngưỡng, Tôn giáo và định hướng phát triển tầm nhìn đến năm 2030 của Phật giáo Việt Nam.

Trải qua 36 năm trưởng thành và phát triển, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu phật sự quan trọng, đặc biệt là trong nhiệm kỳ VII (2012-2017). Giáo hội đã thành lập Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; nâng cao hiệu quả hoạt động phật sự, phát huy tính chủ động sáng tạo trong công tác phật sự của các Ban, Viện Trung ương, nhất là các Ban mới thành lập trong nhiệm kỳ VII. Giáo hội tổ chức thành công nhiều sự kiện, lễ hội Phật giáo trọng đại với nội dung hoằng pháp và hội thảo khoa học như: Đại lễ kỷ niệm 50 năm Bồ tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân; Hội thảo khoa học: Năm mươi năm phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam (1963 - 2013); Đại lễ Tưởng niệm 705 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn, khánh thành, an vị Thánh tượng Phật hoàng tại Yên Tử…

Giáo hội đã tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc với chủ đề “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc”; khánh thành quần thể chùa tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, tiếp tục cử chư tăng ra trụ trì các chùa tại các đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn; cử nhiều đoàn gồm chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội và tăng ni, phật tử ra thăm quân và dân ở quần đảo Trường Sa; khánh thành chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc, chùa Trúc Lâm Tà Lùng 2015 ( tỉnh Cao Bằng), chùa Tân Thanh  (tỉnh Lạng Sơn), đền chùa sông Bắc Luân, Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh)... được coi như cột mốc tâm linh quốc gia…

Giáo hội đã tổ chức các đoàn đi hoằng pháp phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Ngoài các Hội Phật tử Việt Nam tại các nước châu Âu đã thành lập, trong nhiệm kỳ vừa qua, Giáo hội tiếp tục thành lập các Hội Phật tử Việt Nam tại nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Angola, Mozambichque; củng cố Hội Phật tử Việt Nam tại Lào và Campuchia; kết nối và mời về thăm Việt Nam chư tăng của hệ phái Phật giáo Việt tông đang trụ trì 21 ngôi chùa Việt Nam tại Thái Lan. Công tác từ thiện xã hội, chăm lo an sinh cho cộng đồng của Giáo hội trong nhiệm kỳ qua đạt hàng nghìn tỷ đồng.

Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát biểu khai mạc Đại hội. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong gần 2.000 năm gắn bó và đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo Việt Nam đã góp phần to lớn vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước. Phật giáo luôn lấy đức từ bi, hỷ xả, lấy chân - thiện - mỹ để giáo hoá chúng sinh, lấy trí tuệ làm sự nghiệp và phương châm hành đạo. Từ xa xưa, giáo lý Phật giáo đã thấm nhuần trong đời sống của đông đảo người Việt Nam. Giá trị tốt đẹp của Phật giáo đã góp phần hun đúc nên những giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam. Lịch sử Việt Nam đã ghi nhận thời nào Phật giáo cũng có những người đóng góp xứng đáng cho việc bảo vệ và xây dựng đất nước, gắn bó với dân tộc để “Hộ quốc an dân”.

Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017 - 2022 khẳng định sự phát triển về nhiều mặt, sự đoàn kết thống nhất và lớn mạnh của Phật giáo Việt Nam. Đại hội tiến hành vào thời điểm rất có ý nghĩa chính trị và xã hội, là năm thứ hai toàn Đảng, toàn dân ta thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm về của đất nước giai đoạn 2016 - 2021. Để thực hiện mục tiêu này, cùng với toàn Đảng, toàn dân ta, tăng ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam đã và đang đóng góp nhiều công sức, trí tuệ với những việc làm lợi đạo, ích đời, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, giúp đỡ người già cả, neo đơn, trẻ tàn tật, mồ côi, người khó khăn…; thực hiện các Chương trình tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống mới văn minh, tiến bộ.

“Kết quả của những việc làm đó ngày càng khẳng định Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn là một tổ chức tôn giáo có truyền thống yêu nước, gắn bó với dân tộc. Đảng và Nhà nước ta đánh giá cao và tin tưởng ở vai trò, sức mạnh và hiệu quả đóng góp của Phật giáo Việt Nam trong kháng chiến giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong sự nghiệp đổi mới ngày nay trên nền tảng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết và bình đẳng tôn giáo”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Phó Thủ tướng mong muốn quý vị chức sắc và toàn thể đồng bào Phật tử tiếp tục khẳng định những giá trị tốt đẹp của Phật giáo và bày tỏ niềm tin sâu sắc vào những đóng góp xứng đáng mà Phật giáo đã, đang và sẽ đem lại cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn.


Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII là sự kiện quan trọng trong đời sống tôn giáo của đồng bào theo đạo Phật không chỉ ở Việt Nam mà còn thu hút sự quan tâm của đông đảo kiều bào theo Phật giáo ở nước ngoài. Sự hiện diện của các chư tôn đức giáo phẩm, tăng, ni, phật tử, các vị đại biểu là minh chứng sống động, biểu hiện cao nhất của tinh thần hòa quyện, gắn bó giữa đạo với đời, giữa Giáo hội với đất nước. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới của Phật giáo Việt Nam, cũng như thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với tôn giáo có truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.

Phó Thủ tướng mong các đại biểu dự Đại hội sáng suốt lựa chọn và suy tôn, suy cử những vị chức sắc có đạo hạnh và trí tuệ, đủ uy tín và năng lực, xứng đáng là “thạch trụ tùng lâm” đảm trách các vị trí lãnh đạo trong bộ máy tổ chức của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, động viên tăng ni, Phật tử cùng toàn thể nhân dân tiếp tục thực hiện tốt các chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân, sống hài hoà, đoàn kết hòa hợp giữa Phật giáo với các tôn giáo bạn và các tầng lớp nhân dân. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục là cầu nối quan trọng giữa các Hội Phật tử Việt Nam, cũng như kiều bào ta ở nước ngoài hướng về quê hương, cùng đồng bào trong nước chung tay xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Theo Phó Thủ tướng, Đảng và Nhà nước ta thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, bảo đảm sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật, giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực trong truyền thống dân tộc, tôn vinh những người có công với Tổ quốc và nhân dân, không ngừng chăm lo phát triển kinh tế xã hội, tạo điều kiện cho đồng bào có đạo và chức sắc các tôn giáo thực hiện tốt việc tu hành chân chính và làm tròn bổn phận của công dân đối với Tổ quốc. Phó Thủ tướng đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa tới công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, để tăng ni và phật tử trong và ngoài nước cùng mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ về quan điểm tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và đoàn kết tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện để các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng hoạt động theo đúng pháp luật, tạo một môi trường sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ổn định, lành mạnh.

Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đánh giá cao và biểu dương những kết quả hoạt động của toàn thể tăng ni, phật tử Phật giáo Việt Nam ở trong và ngoài nước đối với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong nhiệm kỳ qua. Ông mong muốn Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò là thành viên tích cực của MTTQ Việt Nam, luôn đoàn kết, đồng hành cùng dân tộc, hưởng ứng và tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Giáo hội cần quan tâm hơn nữa đến việc tăng cường đoàn kết, mở rộng và trang nghiêm Giáo hội; có chương trình và kế hoạch luân chuyển tăng ni hỗ trợ cho công tác Phật sự của Phật giáo các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Phật giáo Nam tông Khmer ở khu vực Tây Nam bộ và sinh hoạt Phật sự của các Hội phật tử Việt Nam ở nước ngoài, góp phần xây dựng ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng hòa hợp theo đúng tinh thần của Đại hội đề ra là: “Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển”.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong phụng sự đạo pháp và dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, Chủ tịch nước đã quyết định tặngHuân chương Độc lập các hạng Nhất, Nhì, Ba cho 14 cá nhân; Huân chương Lao động hạng Ba cho hai cá nhân là các chư tôn đức giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chủ tịch nước quyết định thưởng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc tặng 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen 8 tập thể và 9 cá nhân thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ủy ban Trung ương  MTTQ Việt Nam tặng Bằng khen 41 cá nhân.

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trao Huân chương Độc lập và Huân chương Lao động, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trao Huân chương Đại đoàn kết dân tộc và Bằng khen của MTTQ tặng các cá nhân được khen thưởng.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Ngày 21/11, khai mạc Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII
Ngày 21/11, khai mạc Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII

Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2017 - 2022) sẽ chính thức khai mạc sáng 21/11, tại Cung Văn hóa Hữu nghị (Hà Nội).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN