Sáng 17/11 tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra phiên khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ VI với chủ đề "Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực" do Học viện Ngoại giao phối hợp với Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức.
Tham dự Hội thảo có hơn 200 chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Ý và Bỉ, Đài Loan (Trung Quốc) cùng đại diện các bộ, ban, ngành, các tỉnh ven biển và ngoại giao đoàn của các nước tại Việt Nam.
Hội thảo lần này là sự tiếp nối các nỗ lực tăng cường trao đổi, tìm hiểu quan điểm giới học giả và tư vấn chính sách trong và ngoài khu vực quan tâm đến vấn đề Biển Đông, nằm trong chuỗi Hội thảo quốc tế hàng năm về Biển Đông được tổ chức từ năm 2009. Hội thảo năm nay sẽ diễn ra trong hai ngày 17 và 18/11 với 7 phiên thảo luận. Hội thảo tập trung vào các nội dung: Các nhân tố ảnh hưởng tới vấn đề Biển Đông; các bên tham gia và các lực lượng hoạt động trên biển; tình hình Biển Đông và chính sách của các bên; quan hệ quốc tế trong vấn đề Biển Đông; luật pháp quốc tế về lục địa, đại dương và hàng không; luật pháp quốc tế về các yêu sách biển và giải pháp; các biện pháp xây dựng lòng tin trên biển và ngoại giao phòng ngừa.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Đại sứ Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao nhận định: “Năm qua có lẽ là một trong những năm tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp nhất trong nhiều thập kỷ qua”. Đại sứ cũng khẳng định: “tình hình càng phức tạp thì càng gia tăng sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Đi cùng với những phát triển đột biến trên Biển Đông là sự đột biến về số lượng các bài viết của các học giả, các phóng viên, các phát biểu của các nghị sỹ và người dân quan tâm đến hòa bình, ổn định ở khu vực này. Có thể nói, nguyên tắc giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng DOC và tiến tới COC, không tiến hành các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình đã trở thành tiếng nói và đòi hỏi chung của cộng đồng quốc tế đối với các bên liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông. Biển Đông càng phức tạp, chúng ta càng cần nỗ lực lớn hơn, sáng tạo hơn để công chúng quan tâm hơn tới Biển Đông; giới lãnh đạo các nước tính toán kỹ hơn lợi ích của chính mình, của dân tộc mình trước khi quyết định tiến hành các hoạt động ở Biển Đông và liên quan đến Biển Đông; để thiết lập các cơ chế kiểm soát hiệu quả tranh chấp, ngăn ngừa xung đột ở Biển Đông”.
Ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng cũng nhận định rằng: "Là một trong những địa phương của đất nước hướng ra Biển Đông, các diễn biến trên biển, căng thẳng hay hòa dịu tại đây đều tác động trực tiếp đến môi trường an ninh, phát triển kinh tế và ổn định xã hội của thành phố Đà Nẵng. Ông khẳng định: “Hơn lúc nào hết, tình hình Biển Đông hiện nay đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về một giải pháp lâu dài cho các tranh chấp trong khu vực này. Vấn đề Biển Đông chỉ có thể được giải quyết dựa trên nhận thức đầy đủ, hiểu biết sâu sắc về các thách thức cũng như cơ hội đặt ra hiện nay và với sự chủ động, nỗ lực tích cực dựa trên tinh thần hợp tác của tất cả các bên liên quan khi đối mặt với những thách thức và cơ hội đó.”
Cũng phát biểu tại phiên khai mạc, ông Mr. Myint Thu, Phó Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao Myanmar, nước Chủ tịch ASEAN đương nhiệm, nhận định rằng chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển ở Khu vực” là một chủ đề rất kịp thời và phù hợp vì duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Biển Đông là một mối quan tâm của tất cả chúng ta. Ông khẳng định, trong năm chủ tịch của Myanmar, vấn đề Biển Đông luôn là một ưu tiên cao của ASEAN. Lãnh đạo ASEAN đã ra nhiều tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải trong khu vực, cũng như tầm quan trọng của việc tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), Tuyên bố nguyên tắc Sáu Điểm của ASEAN trong vấn đề Biển Đông.
Ông Myint Thu nhắc lại yêu cầu của các Ngoại trưởng ASEAN về việc các bên liên quan cần kiềm chế, không đe dọa và sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp và đẩy nhanh đàm phán để hướng tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC. Tuyên bố Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25 vừa qua đã tiếp tục khẳng định mong muốn trên của ASEAN, đồng thời nhất trí thúc đẩy các biện pháp thu hoạch sớm nhằm kiểm soát tốt hơn tình hình ở Biển Đông. Ông khẳng định, hội thảo Biển Đông lần thứ 6 sẽ tạo ra diễn đàn và cơ hội cho các học giả trao đổi quan điểm và biện pháp giúp ASEAN và các bên liên quan tìm các giải pháp hữu hiệu cho các vấn đề nêu trên.
Với những nhận định này, Đại sứ Đặng Đình Quý mong muốn các đại biểu tham dự hội thảo tiếp tục phát huy tinh thần “thẳng thắn, khách quan, khoa học và cầu thị” của các hội thảo 5 năm qua để trao đổi sâu về những diễn biến gần đây; về lợi ích và chính sách của các bên liên quan và đưa ra những kiến nghị mới để đóng góp thiết thực hơn vào việc giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Ông Văn Hữu Chiến cũng đề nghị các học giả dành thêm thời gian thảo luận về các biện pháp giúp thúc đẩy hợp tác kinh tế biển; duy trì môi trường đầu tư và quan hệ kinh tế, thương mại, du lịch trong bối cảnh có các khác biệt, tranh chấp hay va chạm trên biển; các biện pháp đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu bè đi biển; về vai trò và các khả năng đóng góp của các địa phương ven biển của các nước liên quan trong việc duy trì hòa bình và thúc đẩy hợp tác ở Biển Đông.
Văn Sơn