Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Duy Trinh (15/7/1910 - 15/7/2020), ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú, tôn vinh những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Duy Trinh đối với Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng thời là dịp để cán bộ, đảng viên và nhân dân ta bày tỏ sự tri ân sâu sắc đối với đồng chí Nguyễn Duy Trinh.
Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Thái Thanh Quý, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An; Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Tham dự hội thảo còn có các đồng chí đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực ở Trung ương; tỉnh Nghệ An; huyện Nghi Lộc và xã Phúc Thọ (huyện Nghi Lộc) - quê hương của đồng chí Nguyễn Duy Trinh; đại diện thân nhân gia đình đồng chí Nguyễn Duy Trinh.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý cho biết: Trải qua mấy ngàn năm lịch sử của dân tộc, Nghệ An là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng. Trong mạch nguồn của truyền thống đó, quê hương Nghệ An đã sinh ra và nuôi dưỡng biết bao người con ưu tú, có nhiều đóng góp công trạng cho cách mạng, cho đất nước và làm rạng rỡ quê hương. Đặc biệt, từ ngày có Đảng và Bác Hồ lãnh đạo cách mạng, nhiều người con giàu chí lớn của quê hương càng có điều kiện để thực hiện lý tưởng cao đẹp của mình, được tôi luyện qua gian lao, thử thách và trưởng thành, nhiều người đã trở thành những nhà lãnh đạo tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh là một trong số tiêu biểu đó.
Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê giàu truyền thống, chứng kiến nỗi cơ cực của người dân mất nước, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, hòa mình vào phong trào đấu tranh yêu nước, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Người học trò ưu tú, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước ta.
Trong quá trình công tác, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng: Thường vụ Xứ ủy Trung Bộ, Phó Chủ tịch Hành chính Trung Bộ, Bí thư Liên khu ủy 5, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Trung Bộ, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Xô Viết anh hùng, học tập, tiếp bước đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã có nhiều đóng góp xứng đáng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bước vào công cuộc đổi mới, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18, Nghệ An đã không ngừng nỗ lực, đạt được những thành tựu khá toàn diện trên các mặt.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: Gần 60 năm hoạt động cách mạng và gần 30 năm trên cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã đem hết tâm lực và trí tuệ của mình, cùng Ban Chấp hành Trung ương lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta.
Đồng chí cũng là vị Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam giữ nhiệm kỳ dài nhất - 15 năm (1965-1980), trải qua một thời kỳ đầy biến động, với những bước ngoặt lớn của đất nước, để lại cho ngành Ngoại giao nhiều dấu ấn sâu sắc. Ở bất kỳ cương vị nào, đồng chí cũng chứng tỏ được phẩm chất của một người chiến sĩ cộng sản kiên cường, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà ngoại giao xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta, luôn thể hiện vai trò và bản lĩnh của một nhà lãnh đạo có tầm nhìn và tư duy sâu rộng, luôn sâu sát, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành.
Cùng với việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, đồng chí Nguyễn Duy Trinh luôn quan tâm đến việc xây dựng, sắp xếp cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao phù hợp với thực tiễn cách mạng, coi trọng cải tiến lề lối làm việc, mở rộng dân chủ, đề cao kỷ cương, kỷ luật. Đồng chí cũng để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng các thế hệ cán bộ có cơ hội được làm việc cùng đồng chí với phong cách làm việc dân chủ, luôn chăm lo, quan tâm sâu sắc đến cán bộ, trọng dụng nhân tài.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định: Cuộc đời hoạt động cách mạng, tư cách đạo đức và tinh thần cống hiến của đồng chí Nguyễn Duy Trinh là một tấm gương về trí tuệ, nhân cách và đạo đức mẫu mực cho mỗi cán bộ, đảng viên noi theo để xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp hơn như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Tại Hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đã tập trung làm sáng rõ hơn về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Duy Trinh và khẳng định: Là một nhà lãnh đạo trưởng thành từ cơ sở, hoạt động trong thời kỳ dựng Đảng, luôn đối diện với sự truy lùng, đàn áp khốc liệt của kẻ thù, cũng như phân lớn các đồng chí đảng viên tiền bối của Đảng, đồng chí Nguyễn Duy Trinh luôn thể hiện bản lĩnh của người cộng sản kiên cường, tuyệt đối trung thành với lý tưởng, chấp nhận mọi hy sinh, gian khổ và có những đóng góp quan trọng đối với phong trào cách mạng.
Đồng chí Nguyễn Duy Trinh là một trong những người con ưu tú và là niềm tự hào của quê hương Nghệ An. Được sinh ra, lớn lên trên vùng đất giàu truyền thông lịch sử - văn hóa, truyền thống anh dũng, kiên cường chống ngoại xâm, quê hương Nghệ An đã bồi đắp, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, hình thành chí khí cách mạng, đấu tranh cho độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, đồng thời với những hoạt động cống hiến của mình đồng chí Nguyễn Duy Trinh cũng đã góp phần làm rạng danh quê hương xứ Nghệ.
Hội thảo cũng đã nhận được trên 40 báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương, tỉnh Nghệ An. Đơn cử như: "Đồng chí Nguyễn Duy Trinh với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh"; "Đồng chí Nguyễn Duy Trinh với Cách mạng Tháng Tám 1945"; "Đồng chí Nguyễn Duy Trinh với công tác xây dựng Đảng ở Liên khu V"; "Đồng chí Nguyễn Duy Trinh trên cương vị Chánh Văn phòng Trung ương"; "Quan điểm của đồng chí Nguyễn Duy Trinh về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế"; "Tấm gương nhà cách mạng tiền bối, người cán bộ ngoại giao tiêu biểu Nguyễn Duy Trinh"; "Thời niên thiếu của đồng chí Nguyễn Duy Trinh"; "Đồng chí Nguyễn Duy Trinh trong đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Pari về Việt Nam"...
Các báo cáo, tham luận đã tập trung làm sáng tỏ những nội dung chủ yếu như: Đồng chí Nguyễn Duy Trinh - Người chiến sỹ cộng sản kiên trung; nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam; tấm gương đạo đức cách mạng cao đẹp, trong sáng; người con ưu tú của quê hương Nghệ An.
Tham luận của đồng chí Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng có thể rút ra 4 bài học mà đồng chí Nguyễn Duy Trinh để lại. Đó là bài học về sự kiên cường, không chỉ cần trong cách mạng và trong chiến tranh mà rất cần trong thời bình và trong hoạt động ngoại giao; trong cuộc đời hoạt động của mình, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã trải qua hầu hết các lĩnh vực; sự bình tĩnh, hết sức cẩn trọng, kỹ lưỡng và bài học về chữ Nhẫn và chữ Tâm.
Tham luận của Bộ Ngoại giao nhấn mạnh đến những đóng góp của đồng chí Nguyễn Duy Trinh đối với nền ngoại giao Việt Nam, trong đó khẳng định những dấu ấn của đồng chí Nguyễn Duy Trinh đối với ngành ngoại giao Việt Nam gắn liền với những thành tựu lớn về đối ngoại mà Việt Nam đã đạt được trong giai đoạn này. Nắm trọng trách từ giai đoạn đầu kháng chiến chống Mỹ cho tới đại thắng mùa xuân năm 1975, đồng chí được mệnh danh là "vị Bộ Trưởng của thời kỳ chống Mỹ, cứu nước", nổi bật với những đóng góp trong việc tham gia hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với trọng trách trong giai đoạn bước ngoặt "vừa đánh vừa đàm", đàm phán thi hành Hiệp định Pari và Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân 1975; mở rộng quan hệ ngoại giao thời kỳ tái thiết đất nước.
Tham luận của ông Nguyễn Duy Tộ - con trai đồng chí Nguyễn Duy Trinh cũng khẳng định: Từ mạch nguồn dòng chảy truyền thống vẻ vang lịch sử quê hương, hòa quyện với tình yêu thương dạy dỗ của gia đình và nguồn cội thiêng liêng của dòng họ trung quân ái quốc đã hun đúc nên khí tiết kiên trung của nhà cách mạng tiền bối Nguyễn Duy Trinh.
Trong tham luận với chủ đề "Đồng chí Nguyễn Duy Trinh - người con ưu tú của quê hương Nghệ An", Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Thị Thu Hường cho rằng: Đảng bộ và nhân dân Nghệ An mãi tự hào về đồng chí Nguyễn Duy Trinh, người lãnh đạo đức - tài trọn vẹn, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương và chính đồng chí cũng rất tự hào về quê hương và người con xứ Nghệ - thủy chung, son sắt và sâu nặng nghĩa tình. Giữ gìn và phát huy truyền thống của quê hương Xô Viết anh hùng, học tập và noi theo tấm gương đạo đức cách mạng của đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chủ động, tích cực trong hội nhập và phát triển, tiếp tục đưa sự nghiệp đổi mới tiến lên gành nhiều thắng lợi to lớn.
Theo Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc Pham Hồng Quang, trong quá trình hoạt động cách mạng, tuy bận rộn nhưng đồng chí Nguyễn Duy Trinh vẫn giành những tình cảm đặc biệt cho quê hương Nghi Lộc, trong đó có 2 lần về thăm làm việc với Đảng bộ và nhân dân huyện nhà. Để ghi nhớ công lao, quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Duy Trinh, được sự quan tâm của Trung ương Đảng, Bộ Ngoại giao, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An và huyện Nghi Lộc đã chỉ đạo xây dựng hoàn thành Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Duy Trinh tại quê hương xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc. Tại thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò (Nghệ An) và một số địa phương trong nước đã có các con đường mang tên Nguyễn Duy Trinh. Trường phổ thông Nghi Lộc 1 trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đồng chí đã về thăm, nay mang tên Trường Trung học phổ thông Nguyễn Duy Trinh.
Trước đó, chiều 14/7, các đại biểu đã dâng hoa, dâng hương tưởng niệm tại Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Duy Trinh ở xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, Nghệ An.