Ngày 20/10, tại Trung tâm quốc tế Ấn Độ (IIC) ở thủ đô New Delhi đã diễn ra cuộc hội thảo bàn tròn, do viện nghiên cứu “Pahle India Foundation” (PIF) tổ chức, với chủ đề “Hợp tác Ấn Độ-Việt Nam trong một châu Á đang lên”.
Quang cảnh hội thảo bàn tròn về quan hệ Ấn-Việt tại New Delhi. Ảnh: Đăng Chính (P/V TTXVN tại New Delhi) |
Cuộc hội thảo được chia làm hai phần. Phần thứ nhất, với chủ đề “Hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế, khoa học và công nghệ”; Phần thứ hai có chủ đề “Ấn Độ-Việt Nam: Những làn sóng mới về can dự chiến lược”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Rajiv Kunar, Giám đốc điều hành viện PIF cho rằng đã đến lúc cần đánh giá những tiến bộ trong quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam. Hai bên đã ký nhiều Bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Kim ngạch thương mại giữa hai nước dự kiến sẽ đạt 15 tỷ USD vào năm 2020. Điều quan trọng hơn là có nhiều lĩnh vực chung hai nước cùng quan tâm và tăng cường khai thác tiềm năng.
Phát biểu tại cuộc hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Anil Wadhwa cũng nhấn mạnh rằng còn nhiều tiềm năng chưa khai thác giữa Việt Nam và Ấn Độ. Việt Nam là một trong những nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh và cả hai nước đều nhận thấy tầm quan trọng của những lợi ích và cơ hội có thể mang lại cho nhân dân mình. Ấn Độ rất quan tâm đầu tư vào nhiều lĩnh vực tại Việt Nam như dầu-khí, dược phẩm, nhiệt điện, hàng không.
Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Ấn-Việt bang Tây Bengan Geetesh Sharma cho rằng Ấn Độ và Việt Nam nên sớm tăng cường kết nối đường không thông qua các chuyến bay trực tiếp, trao đổi các học giả, doanh nghiệp, điện ảnh, nghệ thuật và giao lưu nhân dân…
Các giáo sư tại các trường đại học và viện nghiên cứu Ấn Độ cũng có những tham luận sâu về quan hệ Ấn-Việt và nêu những tiềm năng mà hai nước có thể tiếp tục khai thác để thúc đẩy quan hệ toàn diện.
Cựu Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sỹ Tam và Phó Giám đốc Viện Khoa học thông tin Việt Nam Nguyễn Thị Phương Thảo cũng trình bày tham luận tại hội thảo, nhấn mạnh sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam đối với chính sách “hướng Đông” và nay là chính sách “hành động phía Đông” của Ấn Độ.
Sau khi trình bày tham luận, các diễn giả đã trả lời chất vấn của một số đại biểu tham dự hội thảo về quan hệ Ấn-Việt, tiềm năng phát triển trên nhiều lĩnh vực trong tương lai, cũng như tình hình khu vực, đặc biệt là tình hình biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc đòi chủ quyền lãnh thổ hầu hết khu vực biển Đông.
Minh Lý-Đăng Chính(P/V TTXVN tại New Delhi)