Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng chủ trì, với sự tham dự của 13 Đại sứ, 25 Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài, 15 ứng viên Lãnh sự danh dự và các cán bộ của 67 Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài; đại diện các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Hội nghị được tổ chức nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động của các Lãnh sự danh dự thời gian qua, từ đó có định hướng phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài thời gian tới. Cùng với đó, chủ động thiết lập và củng cố kênh liên lạc thường xuyên, hiệu quả giữa Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam với các Lãnh sự danh dự; tạo cơ hội để các Lãnh sự danh dự tìm hiểu cơ hội, tiềm năng hợp tác với Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ nhiều mặt với nước tiếp nhận; phát huy vai trò của Lãnh sự danh dự trong việc triển khai thực hiện công tác lãnh sự và bảo hộ công dân tại nước tiếp nhận; giới thiệu, quảng bá với các Lãnh sự danh dự về đất nước và con người Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Tô Anh Dũng nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Hội nghị. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức gặp mặt các Lãnh sự danh dự và ứng viên Lãnh sự danh dự Việt Nam trên toàn thế giới để cùng trao đổi về các vấn đề cần thúc đẩy hợp tác phát triển, phương hướng mở rộng mạng lưới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ trưởng Tô Anh Dũng ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của các Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua, đặc biệt trong việc góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và nước tiếp nhận cũng như triển khai hiệu quả công tác bảo hộ công dân. Thứ trưởng khẳng định, Việt Nam hết sức coi trọng vai trò của các Lãnh sự danh dự và luôn hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cần thiết để các Lãnh sự danh dự có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Hội nghị diễn ra với 4 phiên, thu hút sự tham gia tích cực của các diễn giả và đại biểu. Tại các phiên, diễn giả của Bộ Ngoại giao đã giới thiệu về chính sách đối ngoại của Việt Nam và kết quả triển khai công tác đối ngoại của Việt Nam thời gian qua, về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam, về cơ hội hợp tác, kết nối với các địa phương của Việt Nam; vai trò, nhiệm vụ của các Lãnh sự danh dự trong thúc đẩy xuất nhập khẩu và tháo gỡ các vướng mắc thương mại của Việt Nam với các đối tác; định hướng và các lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam cần các Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài tập trung thúc đẩy thời gian tới.
Chia sẻ kinh nghiệm về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Lãnh sự danh dự tại bang Zug (Thụy Sĩ), Tiến sỹ Philipp Rösler (nguyên Phó Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức), nhận xét, Việt Nam đã có thành tích tăng trưởng kinh tế xuất sắc trước cuộc khủng hoảng toàn cầu. Việt Nam cần kịp thời nắm bắt cơ hội trong giai đoạn này, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đi tắt đón đầu về công nghệ và phát triển bền vững, hai xu hướng chính của nền kinh tế toàn cầu.
Các diễn giả Lãnh sự danh dự khác cũng chia sẻ ý kiến về các lĩnh vực có thể thúc đẩy hợp tác phát triển giữa Việt Nam và nước tiếp nhận, các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư vào Việt Nam; đề xuất Việt Nam và nước tiếp nhận có thể trở thành cầu nối giao thương ở khu vực.
Các Lãnh sự danh dự cũng được giới thiệu về các quy định pháp luật Việt Nam liên quan đến hoạt động của Lãnh sự danh dự, tình hình di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài, công tác bảo hộ công dân và các vấn đề chính sách liên quan. Qua đó, các Lãnh sự danh dự có cơ sở để thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình thời gian tới.
Các Lãnh sự danh dự đã đóng góp ý kiến cởi mở, chân thành, thực chất, nêu một số sáng kiến nhằm mở rộng và tăng cường hiệu quả hệ thống Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời, thảo luận cách thức, cơ chế phối hợp hiệu quả thời gian tới. Nhìn chung, Hội nghị đã đánh giá thực chất những mặt đã làm được, những thuận lợi, khó khăn cũng như những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đưa ra các đề xuất, kiến nghị về phương hướng phát triển thời gian tới và các giải pháp cụ thể.
Lãnh sự danh dự là một chế định tương đối đặc biệt trong luật pháp và thực tiễn quốc tế, được các nước sử dụng khá phổ biến, được ghi nhận trong Công ước Viên năm 1963 về Quan hệ lãnh sự.
Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài ngày 18/6/2009 (được sửa đổi, bổ sung ngày 21/11/2017) và Thông tư số 1/2020/TT-BNG ngày 6/2/2020 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về Lãnh sự danh dự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định Lãnh sự danh dự (bao gồm Tổng Lãnh sự danh dự và Lãnh sự danh dự) là viên chức lãnh sự không chuyên nghiệp, do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định bổ nhiệm và chấm dứt hoạt động. Đặc thù của Lãnh sự danh dự là không phải là công chức của nước cử hoặc bất cứ nước nào, tự thu xếp các chi phí liên quan đến trụ sở, phương tiện hoạt động của mình mà nước cử không phải đảm bảo kinh phí. Lãnh sự danh dự là những người có uy tín trong xã hội, có khả năng tài chính, có quan hệ tốt với chính quyền sở tại, có hiểu biết về Việt Nam và nước tiếp nhận. Lãnh sự danh dự chủ yếu có chức năng cung cấp thông tin, bảo hộ công dân, thúc đẩy quan hệ song phương.
Kể từ năm 1994, khi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ký Quyết định số 6/NG-QĐ ngày 8/1/1994 ban hành Quy chế về Lãnh sự danh dự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (đã được thay thế bởi Thông tư số 01/2020/TT-BNG ngày 6/2/2020 về Lãnh sự danh dự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đến nay, Việt Nam đã bổ nhiệm 44 Lãnh sự danh dự Việt Nam tại khắp các châu lục, trong đó có 32 Lãnh sự danh dự đang hoạt động. Ngoài ra, hiện có khoảng gần 20 ứng viên có nguyện vọng làm Lãnh sự danh dự cho Việt Nam.