Hội đồng Dân tộc và các địa phương góp ý sửa đổi Hiến pháp

Ngày 21/2, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 5 góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.


Phát biểu tại phiên họp, các ý kiến khẳng định tính nhất quán trong chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta qua các thời kỳ là bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau để cùng phát triển. Cùng với sự hoàn thiện từng bước hệ thống pháp luật của đất nước, quyền bình đẳng của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được luật hóa, công dân là người các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực đời sống: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh...

Toàn cảnh phiên họp của Hội đồng Dân tộc. Ảnh: Nguyễn Dân – TTXVN


Nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Tráng A Pao cho rằng sửa đổi Hiến pháp phải khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; khẳng định tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, đồng thời phải đảm bảo tính kế thừa các Hiến pháp trước đây và trên cơ sở tổng kết 21 năm thi hành Hiến pháp năm 1992. Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Thào Xuân Sùng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La nhất trí cao với yêu cầu, quan điểm của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và 9 nội dung cơ bản của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đại biểu đánh giá dự thảo được kết cấu chặt chẽ, khoa học, ngắn gọn và cụ thể, thấm nhuần tư tưởng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Theo đại biểu tại khoản 2, Điều 8 cần thiết kế lại theo tinh thần quán triệt sâu sắc và thường xuyên thực hiện phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Theo đó nội dung mới được bổ sung của khoản 2, Điều 8 sẽ là “Nền hành chính quốc gia, chế độ công vụ được tổ chức và hoàn thiện để phục vụ nhân dân. Cán bộ, công chức, viên chức phải trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân, tận tụy phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; chống tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; thực hành tiết kiệm chống lãng phí”.


Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Sơn Nhin thể hiện quan điểm nhất trí với quy định của Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 phù hợp với Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “duy nhất” vào cuối khoản 1 như sau: “ Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.


Tại phiên họp, các đại biểu cho ý kiến nhiều nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 về lời nói đầu, về chế độ chính trị, về quyền con người, nghĩa vụ cơ bản của công dân; về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, môi trường; về bảo vệ Tổ quốc... Trong đó các ý kiến tập trung đóng góp về vấn đề dân tộc và công tác dân tộc trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; đánh giá vấn đề dân tộc và công tác dân tộc trong Hiến pháp sửa đổi đã thể chế hóa tinh thần các Nghị quyết Đại hội X, Đại hội XI cũng như tổng kết thực tiễn về công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian qua. Các đại biểu cũng cho ý kiến về các quy định về quyền xác định dân tộc; về quyền bảo tồn phát huy và phát triển văn hóa, giáo dục của đồng bào dân tộc thiểu số; quyền quyết định chính sách dân tộc của Quốc hội và những quy định bổ sung, sửa đổi về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Hội đồng Dân tộc...


lNgày 21/2, Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức kỳ họp thứ 6, lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các đại biểu tham dự kỳ họp đều thống nhất với chủ trương sửa đổi Hiến pháp 1992 là phù hợp với tình hình đất nước trong thời kỳ mới và bối cảnh khu vực, thế giới đang có nhiều thay đổi. Ông Phùng Thanh Kiểm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lạng Sơn cho biết: Đây là một kỳ họp quan trọng; việc lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 thể hiện tinh thần dân chủ để mọi người dân, cán bộ, đảng viên... có thể bày tỏ quan điểm, chính kiến vào các vấn đề của quốc gia đối với từng điều khoản cụ thể. Ý kiến của các đại biểu về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ được tập hợp đầy đủ và gửi Ban chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân để hoàn thiện dự thảo.


Đối với Điều 120 về thành lập Hội đồng Hiến pháp, các đại biểu góp ý đây là thiết chế mới, Hội đồng Hiến pháp cần được tổ chức theo cơ cấu gọn nhẹ, hoạt động có hiệu quả. Đối với Chương IX về chính quyền địa phương, các đại biểu góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cần bổ sung điều khoản khẳng định về tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.


Kỳ họp của HĐND tỉnh Lạng Sơn đã nhận được 175 ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (trong đó có 55 ý kiến góp ý trực tiếp và 120 ý kiến góp ý bằng văn bản).


lNgày 21/2, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Phú Thọ đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các vị ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh, đại diện Ban thường trực các huyện, thành, thị; lãnh đạo các tổ chức thành viên; các vị nguyên là lãnh đạo MTTQ qua các thời kỳ; các chức sắc tôn giáo; người tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số; các nhân sỹ, trí thức về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.


Các đại biểu đều đánh giá cao bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có nhiều điểm mới, kế thừa được các bản Hiến pháp trước đó cũng như xu thế phát triển mới của đất nước. Các đại biểu đã tập trung nghiên cứu, thảo luận dân chủ, đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, thiết thực đề xuất quan trọng cho bản dự thảo. Các ý kiến thảo luận, đóng góp đã tập trung phân tích và làm rõ các nội dung như lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.


lNgày 21/2, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận đã tổ chức hội nghị gồm đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành trực thuộc UBND tỉnh, cơ quan tư pháp, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư... và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.


Đa số đại biểu đồng tình, qua 20 năm thực hiện, Hiến pháp năm 1992 đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Việc sửa đổi Hiến pháp là để phù hợp với tình hình mới của đất nước trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến đổi sâu sắc, phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển toàn diện, bền vững nhằm xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Các đại biểu đã góp ý thẳng thắn, tâm huyết và trách nhiệm về những vấn đề cần làm rõ, đầy đủ, sâu sắc hơn, nhất là các vấn đề về quyền con người, quyền công dân, vấn đề về bảo vệ Tổ quốc...


Ông Trần Ngọc An, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Bình Thuận cho rằng: Điều 57 sửa đổi không cần phải có điều kiện nhà nước có đầu tư, quản lý mới là tài sản công, là sở hữu của toàn dân. Do vậy, cần sửa là “đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời là tài sản toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật”.

TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN