Hoàn thiện các dự án luật trước khi trình Quốc hội

Sáng 10/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để cho ý kiến hoàn thiện về một số dự án luật quan trọng sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 tới.


Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, Kỳ họp thứ 7 sắp tới là kỳ họp có nội dung xây dựng pháp luật rất nặng nề, với nhiều dự án luật lớn, quan trọng. Để đảm bảo tốt nội dung và chương trình kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để xem xét, cho ý kiến đối với các dự án luật: Luật Công chứng sửa đổi, Luật Xây dựng sửa đổi và Luật Đầu tư công. Đây là 3 dự án có tầm bao phủ rộng lớn, tác động sâu rộng đến các vấn đề kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, được đông đảo cử tri cả nước và dư luận quan tâm theo dõi.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc hội nghị.
Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN

 


Hội nghị này có tính chất chuyên môn sâu, trí tuệ cao, tập trung đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện, nâng cao chất lượng các dự án luật trình Quốc hội lần tới; đồng thời nhằm phát huy hơn nữa vai trò của đại biểu Quốc hội chuyên trách.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, trong quá trình cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau để hoàn thiện 3 dự án luật, nếu cần thiết, Hội nghị sẽ mời đại diện Ban soạn thảo và các cơ quan liên quan báo cáo giải trình thêm những vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm. Hội nghị lần này là tiền đề để triển khai các nội dung tiếp theo nhằm tiếp tục thực hiện đẩy mạnh tiến trình cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.


Mở rộng xã hội hóa công chứng


Tại buổi làm việc đầu tiên, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Công chứng sửa đổi. Đây là dự án luật đã hai lần được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.


Các đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến tập trung vào 3 vấn đề: Việc mở rộng phạm vi hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, của công chứng viên; việc chuyển đổi các phòng công chứng thành văn phòng công chứng và các tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề của công chứng viên.


Các đại biểu Quốc hội chuyên trách đề nghị rà soát các nội dung của dự án luật sao cho phù hợp với tinh thần của Hiến pháp, và cải cách thể chế, nhất là trong việc đảm bảo quyền và lợi ích của công dân, Nhà nước.


Hầu hết các ý kiến đều tán thành với quy định đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công chứng, hướng tới chuyển đổi toàn bộ các phòng công chứng thành văn phòng công chứng như trong dự thảo luật đã trình Quốc hội. Vì như vậy sẽ giữ được sự ổn định trong hoạt động công chứng tại địa phương, tạo thuận lợi trong việc tiếp quản các quyền và nghĩa vụ của các phòng công chứng khi Nhà nước không cần duy trì các phòng công chứng này nữa. Các đại biểu đề nghị dự án luật đề cao vấn đề đạo đức trong các tổ chức công chứng, công chứng viên dưới sự kiểm soát của Hội nghề nghiệp.

Theo đó, dự thảo luật cần quy định theo hướng nâng cao tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên, quy định chặt chẽ hơn về đào tạo, tập sự hành nghề công chứng, làm rõ quyền và nghĩa vụ của công chứng viên nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ làm dịch vụ này. Dự án luật phải có quy định về tổ chức xã hội nghề nghiệp công chứng, quy định rõ yêu cầu bắt buộc đối với việc muốn cấp thẻ hành nghề công chứng phải tham gia vào Hội đoàn Công chứng.


Nhiều ý kiến tại hội nghị cũng đề nghị dự án luật cần mở rộng thêm phạm vi của các tổ chức công chứng theo hướng cho công chứng viên được công chứng chữ ký của mọi cá nhân theo yêu cầu chứ không chỉ giới hạn trong việc chứng nhận chữ ký của người dịch thuật về công chứng các giao dịch bảo đảm. Quy định như vậy sẽ tạo thuận tiện cho người dân cũng như giảm áp lực công việc cho các cơ quan hành chính.


Cải cách thủ tục cấp phép xây dựng


Chiều 10/4, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến hoàn thiện dự án Luật Xây dựng (sửa đổi).


Nội dung nổi bật được nhiều ý kiến góp ý tại Hội nghị lần này là nhóm các quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng và trình tự, thủ tục cấp giấy phép xây dựng, nhất là việc cấp phép xây dựng tạm. Các đại biểu cũng đánh giá dự án luật đã được Bộ Xây dựng sửa đổi, chỉnh lý, bổ sung tương đối hoàn chỉnh theo các ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.


Góp ý với cơ quan soạn thảo, các ý kiến tại buổi làm việc cho rằng: Cấp phép xây dựng là công cụ quản lý nhà nước quan trọng đối với lĩnh vực trật tự xây dựng, do đó, cần quy định chặt chẽ vấn đề này để tránh tình trạng “trăm hoa đua nở” trong các công trình xây dựng. Tuy nhiên, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong cấp phép, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có nhu cầu.


Đặt vấn đề trên thực tế, tồn tại ở nhiều địa phương tình trạng quy hoạch treo, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân khi có nhu cầu xây nhà ở, các đại biểu: Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng); Huỳnh Thành Lập (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần phải cấp giấy phép xây dựng tạm trong vùng quy hoạch để bảo đảm quyền lợi cho người dân có nhu cầu. Các đại biểu cũng kiến nghị dự thảo bổ sung quy định rõ trình tự, thủ tục cấp giấy phép xây dựng theo hướng cơ chế hành chính một cửa liên thông, tránh xảy ra việc tùy tiện trong thực hiện pháp luật; đồng thời có thể nghiên cứu cấp phép xây dựng tạm theo hướng quy định cụ thể về diện tích, chiều cao, quy mô xây dựng. Có như vậy mới đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân.


Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho rằng nên đổi cách gọi giấy phép xây dựng tạm như trong dự thảo luật thành giấy phép xây dựng có thời hạn để phù hợp với văn phong pháp luật, đồng thời tránh gây hiểu nhầm trong nhân dân.


Đề xuất này cũng được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) tán thành.


Quang Vũ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN