Giao lưu “Hướng về Trường Sa thân yêu"

Cách đây 25 năm, ngày 14/3/1988, những chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng đã anh dũng chiến đấu và ngã xuống trên đảo đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, viết nên bản tráng ca bất tử về lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.


 

Đại úy Nguyễn Văn Lanh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, kể lại trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma mà anh trực tiếp tham gia cách đây 25 năm trong cuộc giao lưu.

 

Tưởng nhớ các anh, buổi giao lưu "Hướng về Trường Sa thân yêu" được tổ chức sáng 14/3 tại thành phố Đà Nẵng. Trong buổi giao lưu đầy ý nghĩa này, những cựu chiến binh một thời vác đá xây Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao đã cùng nhau ôn lại những ký ức bi tráng của cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chen lẫn niềm vui của ngày đoàn tụ, những cái bắt tay siết chặt thắm tình đồng đội, những nụ cười rạng rỡ của người thân, và cả những giọt nước mắt nghẹn ngào sau 25 năm im lặng. Buổi giao lưu ý nghĩa này, cũng chính là dịp để đồng bào và chiến sĩ cả nước tri ân những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống dưới lòng biển mẹ hôm qua, và biết ơn những chiến sĩ đang ngày đêm vững vàng tay súng bảo vệ Trường Sa, DK1 - phần lãnh thổ máu thịt của Việt Nam hôm nay.


Tham dự buổi giao lưu là những người lính từng có mặt trong trận chiến đấu bảo vệ Trường Sa năm 1988, những người mẹ, người cha của các chiến sĩ đã hy sinh trong trận đánh này. Đó là đại úy chuyên nghiệp, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Lanh, người trực tiếp chiến đấu tại Gạc Ma; thượng tá Nguyễn Văn Hoan, nguyên Chính trị viên Trung đoàn 83; trung sĩ Lê Hữu Thảo, Trung đoàn 46; Thượng úy Nguyễn Thanh Tài, cán bộ Cụm chiến đấu 1, đảo Trường Sa, thuộc Lữ đoàn 146 Hải quân.


Không khí buổi giao lưu trở nên xúc động và sâu lắng một cách lạ thường khi Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Lanh kể lại những giờ phút chiến đấu kiên cường ngày ấy. Đã 25 năm trôi qua, trận hải chiến Trường Sa 1988 phần nào phôi pha bởi dòng chảy thời gian, nhưng ký ức bi tráng thì không thể nào quên được trong huyết quản của những người chiến sĩ ngày ấy. Giọng anh hùng Nguyễn Văn Lanh chùng xuống xúc động qua từng lời kể: “Trong khi đối phương tấn công bằng những loạt đạn dồn dập, tất cả anh em chúng tôi không hề run sợ, vẫn giương cao ngọn cờ Tổ quốc. Chúng tôi đan tay nhau thành một vòng tròn để bảo vệ cờ. Trong phút giây sinh tử ấy, Tổ quốc thiêng liêng đến vô cùng, chúng tôi nhìn lá cờ trào nước mắt. Chúng tôi nghĩ, thà hi sinh, nhưng cờ Tổ quốc Việt Nam phải được đứng trên đảo Gạc Ma. Trước lúc ngã vào lòng biển mẹ, thiếu úy Trần Văn Phương, Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma đã hô lớn: "Thà hy sinh chứ nhất định không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của quân chủng Hải quân". Đó như một lời thề, nhắc chúng tôi phải giữ Gạc Ma bằng mọi giá”. Lanh khóc. Giọt nước mắt của khúc bi tráng tháng ba gửi đồng đội đang nằm lại biển khơi, giọt nước mắt sau 25 năm đầy tự hào của người lính đảo đem trên mình 71% thương tật từ trận chiến ấy.


Cả hội trường như nín thở. Những giọt nước mắt của thân nhân các liệt sĩ, những lời nghẹn ngào của các bạn sinh viên. Và bao người lại thổn thức với sự xuất hiện của trung sĩ Lê Hữu Thảo, nguyên là chiến sĩ trực tiếp chiến đấu dưới sự chỉ huy của thiếu úy Trần Văn Phương ngày 14/3/1988. 25 năm trầm mặc cách xa, 25 năm không một dòng địa chỉ. Một người vẫn tiếp tục cầm súng, một người trở về với cuộc sống đời thường, hôm nay Nguyễn Văn Lanh và Lê Hữu Thảo gặp nhau để nói với nhau một điều rằng, những người lính trên đảo Gạc Ma ngày ấy đã thành bất tử, sự hi sinh anh dũng của 64 đồng đội đã thành bản hùng ca Gạc Ma vang dội trong triệu triệu trái tim người dân Việt Nam.


Một lần nữa cả hội trường lại tràn đầy xúc động, khi nghe cụ bà tuổi 80 Lê Thị Muộn, mẹ của liệt sĩ Phan Văn Sự kể về câu chuyện “Kỷ vật cuối cùng” của anh Sự là chiếc áo quân phục hải quân. Mẹ đã lần từng đường chỉ tháo ra, may lại cho mình một tấm áo vừa vặn và mẹ đã mặc suốt 25 năm với niềm tự hào về đứa con trai đã cương quyết lên đường ra Trường Sa bảo vệ biển đảo quê hương.

Đã 25 năm trôi qua, lớp bụi thời gian không thể làm phai mờ ký ức của những người cha, người mẹ về những người con thân yêu đã anh dũng hy sinh. Trong khoảnh khắc của niềm đau, người mẹ vẫn mơ thấy hình con, người cha vẫn mong đợi con về; dẫu biết niềm tin ấy là không thể. Các anh chưa bao giờ mất mà đã hóa thân vào lòng biển đảo quê hương để như nhắc nhở, động viên thế hệ hôm nay tiếp tục hướng về Trường Sa, nắm chắc tay súng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Đã 25 năm trôi qua, song khúc bi tráng của trận chiến đấu ngày 14/3/1988 ở Trường Sa mãi mãi khắc ghi trong lịch sử dân tộc. Bài học luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, mài sắc ý chí, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong bất kỳ tình huống nào vẫn còn nguyên giá trị.


Lịch sử mãi mãi ghi ơn, dân tộc luôn nhắc về các chiến sĩ đã chiến đấu hy sinh anh dũng, thế hệ hải quân Việt Nam ngày nay luôn lấy các anh làm tấm gương cao đẹp.


Văn Sơn - Mai Thắng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN