Dự án sân bay quốc tế Long Thành:Thêm động lực cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Ngày 14/11, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận về chủ trương đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành. Bên lề kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII nhiều ý kiến đại biểu đều rất quan tâm và dư luận đang chờ Quốc hội “ấn nút” để khởi động dự án này.

Phát huy lợi thế địa chính trị

Qua các buổi thảo luận ở tổ và trao đổi với phóng viên báo chí bên lề kỳ họp về dự án sân bay quốc tế Long Thành, nhiều đại biểu nhấn mạnh với nhu cầu phát triển kinh tế đất nước thì việc xây dựng một sân bay tầm cỡ quốc tế như Long Thành là cần thiết. Nhưng còn không ít ý kiến băn khoăn của nhiều đại biểu về tính hiệu quả, quy hoạch ngành giao thông trong tương lai, sự cấp thiết cần phải thực hiện.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Trương Văn Vở phát biểu ý kiến.
Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN


Theo đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai), đây là một dự án phù hợp với Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội khi thực hiện giải pháp đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Dự án này vừa cần thiết, vừa cấp thiết khi thực hiện quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, nhất là quy hoạch kinh tế - xã hội của quốc gia đến năm 2030, quy hoạch phát triển ngành giao thông, quy hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt là quy hoạch gắn kết kinh tế vùng Đông Nam Bộ với khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và sử dụng đất tỉnh Đồng Nai. Nếu không triển khai theo quy hoạch ngay bây giờ sẽ rất khó nếu sau này Quốc hội cho chủ trương lập dự án.

Một số đại biểu cho rằng, việc triển khai dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng nhằm phát huy lợi thế địa chính trị của quốc gia. Cảng hàng không thuận lợi thì có điều kiện thu hút đầu tư khác chứ không riêng về cảng hàng không quốc tế nên cần phải tính toán đến tính cần thiết và cấp thiết của dự án chứ không lo lắng, băn khoăn quá để rồi chậm triển khai sẽ lỡ nhịp và lỡ cơ hội đầu tư, thu hút đầu tư, kéo theo đó là những vấn đề khác ảnh hưởng đến thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế của đất nước. Đây là vùng có địa chính trị ổn định, có sức hấp dẫn khi thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong hiện tại và tương lai, là vùng phát huy lợi thế năng động, trọng điểm của đất nước. Đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không khi cảng hàng không Tân Sơn Nhất quá tải.

Giải đáp những băn khoăn


Một số đại biểu và cử tri lo ngại hiện nay vẫn là vốn, nguồn lực ở đâu. “Tôi cho rằng, về nguồn lực nếu ta có tầm nhìn dài hạn thì có khả năng vay để trả trong đầu tư trọng điểm để thực hiện giải pháp đột phá theo Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội xác định. Vì có nước nguồn nợ công chiếm 20 - 30% GDP vẫn vỡ nợ do yếu tố đầu tư không có phương án”, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho hay.

Một số đại biểu nêu ý kiến: Việc đầu tư sân bay Long Thành là cần thiết bởi nếu sân bay Tân Sơn nhất quá tải, hành khách đi sân bay nội địa chuyển sang sân bay quốc tế sẽ phù hợp hơn. Bởi hệ thống hạ tầng của chúng ta hiện nay chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển, hành khách phải mất hơn một giờ để làm thủ tục, nếu sân bay nội địa chậm chuyến sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hành trình của hành khách nên việc đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành là rất cần thiết.

Việc giải tỏa mặt bằng sẽ thực hiện phân kỳ. Nếu không nhanh thì rất khó giải tỏa. “Năm 2005 khi tôi đi cắm mốc lộ giới, khu vực này mới có 1.113 hộ với khoảng dưới 10.000 nhân khẩu, bây giờ đã lên tới gần 5.000 hộ với mấy chục ngàn nhân khẩu, trong đó có 2 xã giải tỏa trắng, vậy việc tái định cư sẽ ra sao? Việc xây dựng sân bay thì nhanh thôi nhưng việc tái định cư cho người dân, bố trí nghề nghiệp cho người dân là một vấn đề lớn”, đại biểu Nguyễn Văn Khánh (Đồng Nai) cho hay.

Theo một số đại biểu, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã cho phép Chính phủ cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng nguồn dài hạn để có lãi suất thấp. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư sau này khi lập dự án. Theo báo cáo của Chính phủ, cơ cấu nguồn vay bên ngoài thời hạn vay dưới 5 năm còn cao cho nên cần cơ cấu lại. Hơn nữa việc thực hiện phương án phân bổ nguồn lực, tái cơ cấu nền kinh tế tạo bước đột phá về xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ cũng là điều kiện tốt cho nhà đầu tư có khả năng vay và trả.

Vấn đề ở đây là khi Quốc hội cho chủ trương để Chính phủ lập dự án thì cũng cần xem xét lại xuất đầu tư, khái toán của Chính phủ trình Quốc hội là cao so với khu vực nên cần tính toán lại để giải đáp bài toán đầu tư. “Nếu sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, trong khi xác định đến năm 2023 sân bay quốc tế Long Thành cần phải đi vào hoạt động thì cần phải làm ngay từ bây giờ trong việc lập dự án, giải tỏa mặt bằng và tái định cư”, đại biểu Trương Văn Vở đề nghị.

Viết Tôn

'Nóng' xung quanh khu vực dự kiến xây sân bay Long Thành
'Nóng' xung quanh khu vực dự kiến xây sân bay Long Thành

Tại nơi dự kiến xây dựng sân bay, lòng dân thấp thỏm, bất an. Nhiều thông tin thiếu căn cứ cũng xuất hiện, từ đây “cò” đất thổi giá, tạo nên cơn “sốt” đất ảo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN